Tư Quẹo

Xứ Lung Vàm cứ nằm im trong một góc xa lạ và người ta quên bẵng những cơ cực của mùa vụ tôm thất bát do hạn mặn kéo dài. Ít ai hớn hở, vì miếng cơm chính năm nay nhỏ dần.

Mấy chiếc xe cải cứ lẽo đẽo lướt qua nhà Tư Quẹo bằng giọng rao rò rè cục mịch. Vậy mà có chiếc nào ế ẩm đâu, gần trưa tiếng tạch tạch quay về đeo bên hông là mấy giỏ xách sạch trơn. Lung Vàm mặn lắm, mặn hơn mấy năm trước nhiều. Chính vì vậy tôm trong vuông Tư Quẹo cũng xơ cờ như bà con ở xóm.

- Anh Tư đi vuông à?

- Ừ. Coi lại nước nôi thôi, chắc phải cho vô chút đỉnh để dã mặn.

Ba công đất nằm sâu trong hốc kinh cùng, phần riêng của vợ chồng Tư Dễ. Ấy vậy mà có ai hỏi han đến thì anh cũng lèo lái mấy vòng. Than lên, thở xuống.

Minh họa: Trần Thắng


- Ông già, ổng cho tui tới năm công lớn. Hồi trước chơi bời quá, bán cho người ta một mớ rồi.

- Vậy sao?

Ai chẳng biết Tư Dễ hay phô trương với thiên hạ. Tính nết ấy như ăn vào người Tư Dễ từ lúc còn thanh niên. Đâu phải khơi khơi mà dân Lung Vàm gọi Tư Dễ là Tư Quẹo. Bàn tay phải của anh bị quẹo từ những năm mười một mười hai tuổi. Học được chút xíu võ trong mình nên sinh ra ngứa ngáy, kiếm chuyện với trẻ nít trong xóm. Phần nể nang phần người ta muốn an lành nên không ai trả đũa Tư Quẹo. Nhưng thói đời mà, đi đêm cũng có ngày gặp cướp. Lần này, cái ngạo mạn của anh bị bọn côn đồ dí đập. Chúng ghét cái tính xấc xược, coi thiên hạ là rơm của Tư Quẹo. Ba miếng võ điệu đàng không thấm thía gì so với mấy thằng to núc ních, kết cục chúng bẻ tay phải của Tư về phía sau. Nhưng do quá mạnh tay, bàn tay phải của anh quẹo luôn từ đó. Bà con miệt này lại quen cái tên Tư Quẹo hơn cái tên cúng cơm của anh.

Tư Quẹo lập gia đình, lấy một chị vợ luôn từ tốn. Chị không ngần ngại sửa lưng anh lúc nói bốc lên. Nhiều khi cũng làm cho anh bực tức.

- Nói bừa thôi, chuyện có gì đâu mà nói quá lên thế?

- Cô hay không à.

Như vậy đó mà hai vợ chồng êm ấm gần hai chục năm rồi. Thời gian thì trôi qua như nước còn bản tính của anh vẫn không thay đổi. Từ lúc hai đứa con lên Sài Gòn làm công nhân, thỉnh thoảng gửi về cho vợ chồng anh dăm ba triệu, thì anh hí hửng bốc lên tận mây. Đi đâu cũng khoe mẽ:

- Sắp nhỏ nhà tui tháng này gửi về cả chục triệu đó nghen!

- Nhiều ghê heng. Mấy đứa làm đỡ quá heng anh Tư.

- Cũng có là bao nhiêu.

May thay, chị Tư không có ở đấy nếu không người ta lại nghe thêm câu. Nói vừa thôi! Dân Lung Vàm ai cũng biết, thanh niên trong ruộng đồng chân ướt chân ráo, học hành có đến đâu mà làm có tiền nhiều để gửi hàng tháng gần chục triệu cho Tư. Mấy công đất vuông dạo gần đây có bắt được con cá con tôm gì đâu. Thế mà Tư vẫn bốc năm nay tôi chắc trúng lớn. Người ta cứ bình thản chờ xem Tư trúng vụ tôm này ra sao nhưng cuối cùng chỉ thấy Tư Quẹo thở dài thườn thượt ngó ra mấy công đất thất bát.

Tiếng hú còi inh ỏi, chiếc xe cứu thương cứ rú lên liên tục. Thằng Linh nằm im thin thít, thở hơi vội trong chiếc bình hơi tiếp sức. Hai y tá cứ xoa xoa vào ngực nó như cố tạo nhịp để hơi thở được đều trở lại. Con Trang cứ hoang mang, sốt sắng:

- Anh Hai, ráng lên, ráng lên anh Hai. Chút xíu nữa là tới bệnh viện rồi. Anh phải cố lên, cố lên.

Câu nói của con Trang cứ đứt quãng lẫn trong tiếng khóc. Có lẽ từ lúc nó nhận được cuộc gọi của mấy anh em làm chung với Linh thì nó như mất kiểm soát, nó sợ tái xanh cả mặt. Hình ảnh giàn giáo sụp xuống tại công trường cứ lặp đi lặp lại trong đầu của Trang. Như một cuốn phim xả tới xả lui, thành sự ám ảnh đối với nó. Đôi tay nhỏ nhắn cứ run run như muốn níu chặt tay của anh mình.

Tư Quẹo rê ra cái giọng điệu buồn so đầu bên kia:

- Con không có sao? Lỡ chuyến này là uổng lắm. Mình không mua lúc này không bao lâu nó lên giá là cái chắc.

- Dạ, ba để con tính lại. Có gì con gọi lại cho ba hay nhé.

Chẳng ai biết Tư Quẹo tính đường làm ăn gì mà cứ gọi cho thằng Linh than thấy thảm. Miếng đất gần nhà của anh trông cũng rộng rãi và thoáng mát, Tư tính mua về dồn vào thả một mẻ lớn. Nhưng người chủ đất treo giá hơi đắt đỏ. Tư mới ráo riết thằng Linh. Cuộc sống làm công ăn sức như thằng Linh bây giờ đột nhiên tự nhân đôi lên. Linh cứ lao vào làm việc tới tấp để mong kiếm thêm chút đỉnh cho ba mau mua được miếng đất. Rồi tai nạn ập đến, cũng may hôm đó có mấy anh em làm chung nên thằng Linh được chuyển đi cấp cứu liền. Được mấy hôm, thằng Linh khỏe trở lại. Tính chờ con Trang đến thủ tục xuất viện. Chuông điện thoại lại reo lên

- Con nghe nè ba?

- Cái vụ con tính tới đâu rồi. Người ta lên tiếng với phía bên kia rồi đó.

- Dạ, con sẽ gửi về cho ba trong tuần.

Giọng hơi yếu ớt, nhưng Linh cố làm cho ba khỏi nghi ngờ. Cái hôm cấp cứu, Tư gọi mãi mà nó không bắt máy đến khi thằng Linh cầm được điện thoại thì anh trách móc. Nó nói vài lời rồi kiếm cớ thôi để dưỡng bệnh. Có gì khác ngoài cái vụ tiền mua đất mua cát mà Tư Quẹo bày ra. Chị Tư nhiều lần khuyên nhưng chỉ là nước đổ lá khoai thôi.

- Con cái nó đi làm ăn kiếm từng đồng từng cắc mà ông cứ bày vẽ tùm lum ra hết à. Ba công đất nhà làm thiếu điều muốn đứt hơi mà thua lỗ không, còn bày đặt đòi mua thêm này nọ. Ông đó, toàn là làm khổ cho sắp nhỏ.

- Bà hay quá he. Công chuyện mần ăn tôi tự biết lo liệu. Tụi nhỏ công ăn việc làm rồi phụ tôi chút đỉnh có sao đâu? Lo chuyện bếp núc dùm tôi đi.

- Lần nào nói chuyện với ông vậy. Cái tật nói càn nói bốc không biết chừng nào ổng bỏ được, cho làng xóm con cái nó nhờ.

Mặt Tư Quẹo tối sầm lại. Chị Tư biết ý rút lui ra nhà sau khi anh chưa cất lời mắng mỏ.

Con Linh tan ca làm lại chạy vào với anh Hai. Từ ngày thằng Linh gặp nạn, nó nghe lời anh nó không được hé môi về cho vợ chồng anh Tư. Vừa kéo cửa phòng ra, Trang nghe được mấy lời thằng Linh nói với ba, nó bực bội.

- Ba vừa gọi cho anh hả anh Hai?

- Ừ. Ba hỏi thăm tụi mình.

- Anh Hai đừng giấu em, lúc nãy em nghe rồi. Anh tính gửi tiền về cho ba à.

- Đâu có đâu.

- Anh đưa điện thoại cho em.

Thằng Linh cố giựt lại chiếc điện thoại nhưng không kịp, con Trang đã dò lại nhật ký cuộc gọi và bấm phím.

Anh Tư đang theo dõi cuộc trao đổi thương lượng giá của chủ đất với người bán. Sẵn có Tư Quẹo ở đó, ông chủ đất nâng giá lên với khách mua.

- Anh thấy đó, giá cả đất đai mỗi ngày mỗi khác. Tôi ra giá đó có cao đâu mà anh than phiền

- Giá này thì em hơi khó.

- Có anh Tư ở đây nè, ảnh cũng định mua lại miếng đất này. Nếu anh không mua được thì tôi đành chừa lại cho anh Tư.

Tư Quẹo gật gù, đưa điếu thuốc trên bàn tay quẹo kéo một hơi rồi phì phò thả khói. Cái giọng ồ ề đặc trưng không lẫn vào đâu được so với dân Lung Vàm này.

- Chú Út nói phải đấy. Tôi cũng tính mua lại miếng này vì thấy đất tốt, mênh máng cũng ngon lành, với đường nước ra vào cũng thuận tiện. Tui còn tính cho thêm cho chú nó chút đỉnh mà lai rai. Nếu chú không ưng thì để lại cho tôi.

- Được rồi. Để em về bàn lại với cơ quan sao đã. Người thanh niên quay sang ông chủ.

- Tôi thấy nó vừa phải rồi.

- Nếu cơ quan đồng ý, em sẽ cho anh hay. Anh Tư cứ nhìn ra miếng đất tiếc nuối, giận bụng là sao thằng Linh không tìm cách gửi tiền sớm hơn. Bất chợt, tiếng chuông bí bon trong túi. Kéo một hơi thuốc nữa, cái bàn tay mang thương hiệu Tư Quẹo mới thò vào lấy chiếc thoại ra mở máy.

- A lô, ba hả? Tiếng con Trang như quạu quọ bên kia.

- Con Trang à, sao mày lấy máy anh Hai vậy. Mày tệ quá.

- Vì con không gửi về cho ba cắc nào chứ gì. Con không nói với ba về việc này. Có phải ba kêu anh Hai gửi tiền cho ba mua đất mua cát gì phải không? Giọng trầm xuống.

- Công việc nhà, mày biết gì mà xen vào.

- Con sẽ không xen nhưng con cho ba hay là anh Hai còn đang nằm viện trên này nè. Ba cứ lo mua đất đai gì đó của ba đi. Con Trang cúp máy rồi anh Tư vẫn còn vang vang tiếng nức nở. Anh Tư chết lặng người. Hình như miếng đất mênh mông kia không đủ rộng cho anh nhìn, cứ trân trân ngó về hướng nào xa xôi lạ lẫm khác. Không còn nhớ cái tay quẹo của anh buông thõng xuống lúc nào. Như kẻ mất hồn, anh đếm bước. Người chủ đất hỏi:

- Bộ có chuyện gì vậy anh Tư, anh Tư?

Từng lời nói và tiếng thút thít của con Trang cứ ong mãi trong đầu anh. Mặc kệ câu hỏi của người chủ đất. Anh lặng lẽ đi.

Dân xứ Lung Vàm từ đó thấy Tư Quẹo ít nói hơn.
Dĩ Lang
Thức tỉnh
Thức tỉnh

Từ quãng canh ba trở về sáng, Tĩnh Tuệ thao thức. Anh ta bị ám ảnh bởi những câu nói của nhà sư: “Nhìn ánh mắt của con, ta biết lòng con đang bấn loạn… Tu hành mà gặp ác mộng là cái tâm chưa sáng…”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN