Lân xóm núi

Năm rồi, xóm được kéo điện. Lần đầu tiên, “ánh sáng văn minh” bừng lên giữa đêm đen xóm núi. Gia đình ông Kim, “đại gia” nhất xóm, ráng bỏ tiền tích cóp xuống phố rinh về dàn máy hát cùng chiếc ti vi.

1.

Xóm nghèo, lọt thỏm giữa ba bề núi, lơ thơ dăm chục nóc nhà. Một con đường duy nhất nối ra ngoài. Khỏi bìa xóm là rừng, còn nguyên cỏ cây hoang dại. Dân xóm đa phần sống bám rừng rú, sáng lội rừng lên rẫy, chiều rút về xóm ăn, ngủ lấy sức sáng mai lại đi. Trẻ xóm? Cũng hoang dại, hồn nhiên như cây cỏ, tung tăng chạy nhảy khắp nơi như lũ thỏ rừng. Học một buổi; buổi kia lên rẫy cùng ba mẹ hoặc tha thẩn chơi nhông. Kí ức trung thu của lũ nhỏ chỉ duy nhất bịch bánh kẹo rẻ tiền hội phụ nữ xã mang về thôn phát cho từng đứa mỗi dịp rằm tháng Tám hàng năm. Phát miễn phí. Vậy đã quí lắm, đã đủ để chúng mong chờ Trung thu đỏ mắt. Phải; trẻ nghèo; lại còn ở chốn “thâm sơn”, mấy khi có bánh kẹo miễn phí mà ăn? Trường sở không tổ chức được Trung thu. Trường nghèo, tranh tre nứa lá tạm bợ, chuyện học còn chưa xoay ổn sao lo nổi chuyện chơi? Có trường, có thầy để lũ nhỏ khỏi lâm cảnh mù chữ đã mừng…

Năm rồi, xóm được kéo điện. Lần đầu tiên, “ánh sáng văn minh” bừng lên giữa đêm đen xóm núi. Gia đình ông Kim, “đại gia” nhất xóm, ráng bỏ tiền tích cóp xuống phố rinh về dàn máy hát cùng chiếc ti vi. Sự kiện to đùng, không riêng người lớn mà cả với đám trẻ con! Nhờ cái ti vi mà Trung thu năm ngoái, lần đầu tiên lũ nhỏ xóm núi biết thế nào là trò múa lân. Thích mê…

Minh họa: Trần Thắng

2.

Bưng thau đồ mới giặt từ ngoài suối về, cô giáo Hà nghe có tiếng cãi chí chóe trước thềm nội trú. Lại đám học trò 6A, lớp cô chủ nhiệm. Không sai. Cãi rất hăng. Giọng thằng Trung “tồ”, con ông Kim: nè, tụi mày chưa biết đâu, coi múa lân Trung thu đã ơi là đã! “Ông” lân đầu to, cao bằng này, đuôi dài bằng này (giơ tay ra hiệu), mắt chớp chớp đèn xanh đỏ, râu ria lóng lánh lung linh, nhìn không thôi cũng phát mê. Múa thì, chậc chậc, khỏi nói luôn, nhún nè, phóng lên hạ xuống, ngoắc trái ngoắc phải nè. Còn trò đi hai chân nữa chớ! Nó dạng chân rùn người, khuỳnh tay, ngúc ngoắc ra bộ con lân, rất giống. Thằng Hưng “mập” cà lăm không chịu lép, cướp lời ngay: còn kí ông…, ông… bụng to (thằng Trung nhắc: ông Địa), phải, ph.. phải rồi, Tao mê kí ông… ông Địa. C…coi tao nè….

Nó ưỡn người ễnh bụng, khệnh khạng thân hình mập ú, tay phe phẩy cây quạt tưởng tượng, mặt cũng ngẩng lên, ngúc ngoắc và ngoác miệng ra trong một điệu bộ rất hoạt kê khiến lũ nhỏ bật cười ha ha. thằng Tí “láu” không chịu thua cũng nhảy ra xí phần: tao, tao làm “ông khỉ”…. Nó nhảy choi choi, lộn trái lộn phải, xong phóng lên thềm ngồi chồm chỗm tréo chân, mắt lấc láo, tay che ngang mày, miệng “hú, hú” i hệt ông khỉ “Tề Thiên” trong đám múa lân! Lũ “khán giả” lại thêm một phen cười lăn. Cười đã đời xong, có đứa tiếc rẻ: sao hôm đó tao không được coi? Rủ đi mà mày ham ngủ thì thôi, cho chừa! Thằng Hoán nghệch mặt, mơ màng: lân ti vi còn hay vậy, coi lân thiệt hay sao nữa trời? Sao Trung thu xóm mình người ta không chịu… múa lân ta? Con Chi bĩu môi, dài giọng ra: mơ tới… kiếp sau í! Xóm núi mà đòi…. “Gáo nước lạnh” của con Chi khiến cả đám tự dưng mất hứng, buồn xỉu…

Nhìn những gương mặt thuỗn, chảy dài của lũ học trò lem luốc, tự dưng cô Hà thấy thương quá. Một ý nghĩ chợt lóe. Đặt thau đồ xuống bậc cửa, cô ngoắc gọi lũ học trò đang khép nép chực lảng khi thấy bóng cô giáo về. Các em thèm coi múa lân lắm phải không? Dạ…. Giờ cô dạy các em… múa lân luôn, chịu không? Bọn nhóc ồ lên, tròn mắt vẻ bán tín bán nghi. Cô Hà cười: được rồi, vậy sáng chủ nhật tập trung lên trường. Giờ thì các em về đi, trưa rồi...

3.

Đầu lân thì ra tiệm tạp hóa xin cái thùng cáctông. Muốn mua thêm ít giấy màu, trang kim, hồ dán… mà thứ gì cũng không. Tiệm nghèo như xóm; quanh năm ai mua chi mấy thứ “đồ xa xỉ” đó mà đòi? May, còn hộp bút màu sáp học sinh, cô giáo khuấy bột làm hồ, huy động lũ học trò chạy quanh xóm xin gom vỏ bạc bao thuốc lá. Cắt nắp, úp ngược thùng carton xuống, dùng dao khoét mắt, mũi, miệng. Phất giấy, dùng bút sáp tô mắt, vẽ mũi. Cuốn giấy hình phễu làm hai cái sừng. Cắt giấy bạc bao thuốc thành sợi nhỏ dán làm lông mi mắt, làm râu…. Hì hục non ngày trời cũng xong cái đầu lân.

Còn khuya mới giống đầu lân trong ti vi; nhưng không sao; dòm, hình dung ra được cái… đầu lân đã là thành công quá sức tưởng tượng! Đuôi lân xài cái rèm che cửa sổ chống nắng gỡ từ phòng cô giáo. Không tệ. Trống? Cô Hà chạy bổ lên kho trường cầu may. May thật, có cái trống ếch bị thủng ai vứt lăn lóc xó nhà. Lượm, phủi sạch bụi đất. Ra núi chặt, đẽo thêm cây dùi trống nhỏ nữa là xong. Trống đánh nghe “bùm bụp” chứ không được “bum bum” như khi mặt trống còn nguyên. Kệ, có còn hơn không. Mặt nạ với quạt thì dễ. Quạt tận dụng mo cau. Còn mặt nạ? Giấy đó, màu đó; cứ ra công cắt, dán, vẽ…; buộc thêm sợi dây thun nữa là thành. Hóa ra, lũ nhỏ cũng lắm đứa “họa sĩ” tiềm năng. Chạy mượn cái áo dài đen, tháo dây quai nón buộc làm thắt lưng cho “ông Địa”. Còn chàng khỉ “Tề thiên” thì đành mặc đỡ… quần soóc áo thun, tạm bằng lòng với cái mặt khỉ “tự biên” và cây gậy trúc của bà được dán bao hai đầu giấy bạc…

Vào tập.

Khỏi cần đến cô, lũ nhỏ tự động chia vai. Thằng Trung tồ to khỏe nhanh nhẹn khư khư ôm cái đầu lân, lãnh phần múa chính. Hưng mập đương nhiên giành vai ông Địa.; còn Tí láu cũng nhất định không nhường cho ai cây gậy “Tề thiên”. Thêm hai đứa phụ làm đuôi lân. Xong. Cô giáo làm “tổng đạo diễn”. Thú thật, cô Hà thấy hơi lo: thương lũ trò nghèo thiếu thốn niềm vui nên mới bày ra; nhưng chúng múa nhảy ra sao chỉ có… trời mới biết. Còn nữa; ba cái vụ lân bộng, tình thiệt khai ngay, cô giáo “tổng đạo diễn” cũng đâu có rành!

Cô giáo quá lo xa. Tập trôi chảy, nhịp nhàng hết chê. Giờ thì cô Hà mới vỡ ra: gì chớ món múa lân, quả lũ nhỏ học nhanh không thể ngờ! Coi qua, nghe thêm cô giáo hướng dẫn vài đường chúng đã lập tức hình dung cái “thần” của vai diễn ra sao. Tiến, thoái, nhảy tung, nằm mọp, tạt ngang… đồng bộ theo từng nhịp thúc chậm nhanh của trống lân. Thằng Bảo bên nghi thức Đội tay trống quả “có nghề”; nghe qua trống lân duy nhất một lần nó đã đủ sức vung dùi nện đúng y “bài bản trống lân” không sai trật! Vai nào ra vai nấy, say mê tập dượt đầy hứng khởi và sáng tạo. Nhìn lũ nhỏ, dường như không phải chúng đang tập mà là đang chơi. Chơi hết mình…

4.

Đêm rằm. Trăng treo vằng vặc, không một gợn mây. Trăng dãi vàng lung linh xuống làng mạc, núi đồi. Trung thu đẹp trời. Đẹp đến mức chưa bao giờ đẹp hơn nơi xóm núi…

7 giờ. Xóm sắp chìm trong giấc ngủ bỗng đột ngột rộn lên tiếng trống. Cái trống ếch thủng - ban ngày đánh nghe bùm bụp - giờ sao trong đêm tiếng bỗng vang to, đĩnh đạc lạ kì. Tùng tùng cắc cắc tùng tùng. Tùng cắc tùng cắc cắc tùng. Tùng tùng tùng tùng, tùng!…, những hồi trống nhịp nhàng đầy “chuyên nghiệp” của chàng Bảo “quân nhạc” dẫn đường cho đoàn lân xóm núi rầm rộ ra quân. Phục trang mũ mãng quạt gậy chỉnh tề, khí thế hừng hực. Cô giáo Hà làm “trưởng đoàn”, dẫn cả đám rời khu nội trú ra đường, hùng dũng thẳng tiến vô xóm. Dừng nơi cổng nhà đầu tiên, “trưởng đoàn” mạnh dạn vô nhà, xin phép cho lân vào múa lấy may. Bị từ chối thẳng cánh. Phải thôi, xóm núi xưa nay có biết múa lân là gì đâu. Thấy toàn lũ nhỏ loai choai. Cho vào, không khéo chúng làm đổ bể đồ đạc, hư hại cây cối thì rầy rà to!

Nhà thứ hai. Nhà thứ ba. Cũng chẳng khá hơn.

Bị “đuổi” đến cái nhà thứ năm thì cô Hà quyết định dừng. Nhìn bộ mặt tiu nghỉu thấy thương của các “lân sĩ”, “trưởng đoàn” nhăn trán, đột ngột quyết định:

- Không cần vào nhà nữa, múa ngoài đường thôi, các em!

Chỉ chờ có vậy, lũ nhỏ hăng hái nhất tề vào vị trí. Trống nổi rộn ràng. “Lân trưởng” Trung tồ đội cái đầu lân theo nhịp trống thúc ra sức mà vờn lượn, tung lên hạ xuống, uốn éo lắc lư. Thằng Hoán, thằng Vũ khéo léo nâng ‘đuôi”, uyển chuyển nhịp nhàng lượn theo nhất cử nhất động của đầu lân hết sức “ăn rơ”. Chú “Tề Thiên” Tí láu cũng trổ tài múa tít thiết bảng, nhào lộn múa may, ngoắc trái ngoắc phải đủ “trò khỉ” điệu nghệ - trong khi ông Địa Hưng mập phẩy phẩy quạt mo, khệnh khạng ưỡn cái bụng (độn gối bông) to tròn, núng nính đôi mông đi tới đi lui; thi thoảng lại hất cái mặt tròn vạnh trăng rằm luôn nở nụ cười “hết ga” khiến khán giả cũng... bật cười sằng sặc. Tùng tùng cắc cắc tùng tùng, tùng cắc tùng cắc cắc tùng; từng hồi trống lân của Bảo “quân nhạc” thúc tới giục giã, đánh động con nít cả xóm. Một đứa, hai đứa, ba đứa..., rồi cả đám túa ra, rồng rắn theo sau đoàn lân, mặc cho cha mẹ ơi ới gọi theo. “cái đuôi” tự phát nối vô càng lúc càng dài, có cả người lớn tham gia. Từng tràng cười thích chí rộ lên, kèm theo cả tiếng vỗ tay. Được đà, các “lân sĩ” biểu diễn càng lúc càng hăng...

Có bóng ông thôn trưởng. Cô Hà hơi giật mình, tưởng ông gặp cô để phàn nàn chuyện đoàn lân “phá rối trị an”! Nhầm. Là ông ra đón cô trưởng đoàn, xin “thỉnh” lân vào nhà múa! Có “đất dụng võ”, mặt cả đám rạng lên như mặt trời mới mọc. Cúi chào gia chủ, tiến thoái nhịp nhàng, trong ra ngoài, ngoài vào trong, múa may ấn tượng theo đúng “bài” của tổng đạo diễn đã kiên trì tập dượt. Món “lộc” đầu tiên: túi tiền kèm theo nải chuối ông thôn trưởng mang ra đã được “Lân trưởng” Trung tồ đớp gọn, chuyển khéo ra sau. Vỗ tay rào rào. Cú mở hàng của ông thôn trưởng quả tác dụng ghê. Ngại ngùng không còn. Giờ thì tranh nhau; ai cũng muốn “thỉnh” lân. Phải rồi, lân đến nhà mang theo may mắn, tài lộc. Một năm mới có trung thu một lần. Xóm núi xưa nay làm gì có lân...

Không, không từ chối một ai. Theo nhịp trống cà rùng, lân xóm núi nhẫn nại mang niềm vui đến tận từng nhà trong Đêm Hội Tuổi Thơ. Biểu diễn nhiệt tình. Quà cáp cho gì lân nhận nấy: không tiền thì bắp, chuối, ổi, mía... cũng xong. Ông trưởng thôn theo coi, tấm tắc luôn miệng. Ông bảo nhỏ với cô Hà: sang năm sẽ cố gắng huy động kinh phí để… thành lập Đội lân. Nhờ cô giúp một tay! Nói nhỏ vậy mà sao đứa nào cũng nghe. Trống thúc dồn hơn. Nhảy múa hăng hơn. Thằng Trung vừa múa vừa mơ đến cảnh mình đang đội cái đầu lân hoành tráng, đèn chớp xanh chớp đỏ lung linh từng thấy trên ti vi. Thằng Bảo vung dùi, tưởng tượng mình đang nện tùng tùng lên mặt chiếc trống bịt da thứ thiệt; không phải cái trống ếch thủng gõ kiểu nào cũng chỉ tum tum, bùm bụp! Hưng mập, Tí láu thì mơ đơn giản hơn: với chúng, thêm bộ đồ chẽn có nẹp đỏ xanh cùng đôi giày ba ta cho khỏi… dậm gai là nhất xứ rồi!

Đất Phú - mùa Trung thu
Y Nguyên
…Và tôi kể lại
…Và tôi kể lại

Một ngôi chùa âm u tĩnh mịch tọa lạc trên một ngọn đồi trông ra biển. Dưới chân đồi, sóng vỗ ì oạp ầm ì xen lẫn với tiếng chuông chùa vang xa vào những buổi chiều. Xa xa, bóng những con thuyền nhẹ nhàng nhởn nhơ trên sóng như những chiếc lá bập bênh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN