Miệt thứ

Tháng mười vẫn le lói tiết thu. Heo may nhè nhẹ không đủ sức xua cái nóng hầm hập đến khó chịu của miệt đồng đang mùa cày ải trống hoác, trống huơ. Mây đen cuồn cuộn, gầm gừ hung hãn mà chẳng có hạt mưa nào đổ xuống làm cho người ta thêm uể oải chẳng muốn động tay chân vào việc gì.

Lúc này mới thật sự là nông nhàn. Nhàn nhưng mà không bất thiện bởi chẳng biết làm gì thì kiếm bạn bù khú giết thời gian cho khuây khỏa thế thôi. Vậy là Phát vù xe lên thị trấn. Nói là thị trấn nhưng chẳng khác quê là mấy bởi nhà có cao hơn, nhiều tầng hơn, san sát nhau hơn nhưng cũng được bao bọc bằng sóng lúa bạt ngàn. Phát tìm nhà Lê, bạn chí cốt thời chiến tranh, không khó bởi đường tìm ở cái miệng chứ đâu. Hơn nữa Lê là thầy giáo giỏi nên khá nổi tiếng. 

- Chẳng có việc gì làm, tao lên thăm mày.
- Ừ, nắng nôi thế, mày cũng phải để cho đất nó nghỉ ngơi chứ.
- Đói đấy mày ơi, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, cây cỏ lại đỏng đảnh không sướng như nghề gõ đầu trẻ của mày. 
- Đồng lương chết tiệt, chẳng nuôi sống thêm được ai. 
- Nghe nói mày dạy thêm cũng kiếm được khá kia mà.
- Mấy đứa học trò lèo tèo, lại mang tiếng dạy chui, tao tính nghỉ mà cái bụng chưa chịu.
- Rảnh không, mấy ngày cuối tuần tao với mày đến thắp cho thằng Lương nén nhang.
- Không rảnh lắm nhưng chuyện đó thì phải đi. Lâu lắm rồi tụi mình cũng chưa thăm nó. Nghe đâu nhà bố nó giờ khang trang lắm. 
- Ối dào, trúng quả giờ đâu có khó đâu mày. Lắm tay vẫn biết là sẽ lên thớt mà vẫn cứ đi buôn.
- Hàng trắng, hàng đá chứ gì?
- Kể cả súng đạn, ngẫm kỹ thì bọn này liều thật, sức hút của đồng tiền quả là vô song. 
- Mày chỉ nghĩ toàn điều ác.

Rồi ngày cuối tuần cũng đến, Lê và Phát nai nịt gọn gàng phóng con ngựa sắt về miệt thứ qua nhiều đò ngang, ngõ tắt. Với một màu xanh bao la bát ngát của vườn cây, của ruộng đồng, hai thằng như lạc vào chốn mê cung. Những con đường làng mát rượi, chạy dưới vòm tre, dưới tiếng chim hót sao mà lâng lâng đến lạ. Làng xóm nào cũng hao hao  như làng xóm nào. Cũng có lũy tre bao bọc, cũng những vườn cau cao vút, khác chăng là bến đò, dòng sông còn cầu tre, cầu dừa thì khó mà phân biệt cho rạch ròi. 

Nhà bố Lương không phải ba gian hai chái như quê Phát mà là nhà sàn lót gỗ thao lao, lợp lá dừa nước. Thao lao là cái tên mà miệt thứ này ưa dùng, còn tên thật của nó là cây bằng lăng có hoa tím rất đẹp, xuất xứ từ các tỉnh Tây Nguyên. 

Vào nhà chỉ có bố Lương, một lão nông tri điền chính hiệu. Trùng trục với chỉ cái quần soóc. Hai thằng dáo dác tìm bàn thờ thằng Lương mà chẳng thấy bởi nhà ở đây trống hoác trống huơ, của nẻo có khi cũng chẳng cần mà có thì cũng chẳng mấy khi khóa. Hơn nữa giờ này là gần trưa và với thời tiết khá nóng nên người quê thường có ở nhà. Lê và Phát có biết đâu thời gian ra đồng ở đây tầm bốn, năm giờ sáng. Làm lụng đến chín, mười giờ là phải về hoặc đi tránh nắng ở đâu đó. Đó là thời gian mà cánh đàn ông ưa ngồi bù khú với nhau, với con lóc nướng trui hay cóc, ổi gì đó cũng được miễn vui là chính. Còn buổi chiều thì ba, bốn giờ ra đồng, tối mịt mới về. 

Biết chuyện có bạn thân thời chiến đấu của con mình đến thăm, ông cụ chẳng nói năng gì cắp nón sang nhà hàng xóm gọi con về. 
Cả ba thằng đều chết trân khi gặp mặt nhau. Thằng Phát ú ớ chỉ vào Lương nói lắp bắp:

- Mày…mày…còn sống…đó sao…
- Mày đang kể chuyện hoang tưởng hả?
- Hoang cái chỗ nào, chính tao bó thây mày đưa vào nhà xác của bệnh viện dã chiến của mặt trận kia mà. 
- Khổ quá ông mãnh ơi. Mấy quả bom chuột ấy làm sao giết nổi tao khi mà tao chưa ra khỏi hầm. Chẳng qua bị sức ép đến ngất xỉu đó thôi.
- Thằng Quảng nói mày bị “Ruột lòi tới háng” kia mà. Sống sao được chứ.
- Khùng, nó biết gì về từ ngữ y khoa, khổ cái là bọn bác sĩ hay viết tắt. Tao chỉ bị “Rối loạn tiêu hóa” chớ có gì đâu. Bằng chứng là tao sống nhăn răng trước mũi chúng mày đây này.
- Ha ha ha… Thật là ngộ nghĩnh, chuyện cứ đùa.
- Thì ra là mày quẳng tao vào nhà xác. Cẩu thả thật. Sao không sờ mũi xem còn thở hay không đã chứ.
- Đạn bom xối xả thế thì trách làm sao được. Tao quẳng mày vào đó là công lớn rồi, không thì chắc gì mày còn để tiếp tao. 
Cả ba thằng ào vào ôm nhau. Cả ba đều rơm rớm nước mắt. Dưới sàn chiếc chiếu hoa đã được ai đó trải ra và bữa cơm quê khá thịnh soạn đã chờ sẵn. 
- Mình ơi, mời các anh ấy xuống ăn cơm. – Vợ Lương gọi vọng lên. 

Thì ra nãy giờ cô ấy nghe tất cả. Có trách chồng một chút, sao không kể cho cô nghe chuyện này. Thương chồng, cảm động tình bạn cao quý của họ cô quyết chiêu đãi họ một bữa ăn thật ngon. Cô ra chuồng bắt con ngan thật béo nấu măng, cá lóc um trong trái bầu đã khoét hết ruột, còn tôm cua gà qué thì bóp bắp chuối thái mỏng cùng với đủ loại hương vị có trong vườn nhà. Khoái khẩu nhất với Phát và Lê có lẽ là món lẩu tạp pí lù với đủ loại thủy sản và bông điên điển vàng ươm. Chính nó mới có khả năng làm cho những chai rượu nút lá chuối bốc hơi nhanh chóng. 

- Công việc chính của mày hiện nay là gì ? – Phát chậm rãi hỏi Lương.
- Đặt trúm, thả lờ, giăng câu, bủa lưới…
- Phải vất vả thế sao?
- Sướng nhất ở miệt này chứ vất vả gì. Mày quên tụi mình là đặc công nước rồi à. Nước lớn nước ròng gì tao cũng sống tuốt. Hơn nữa sông rạch ở đây thì chằng chịt, tôm cá lại ê hề không phát huy sở trường của mình thì làm giàu sao được.
- Tao thấy toàn tranh tre nứa lá.
- Lầm rồi cu, chẳng qua vì thời tiết ở đây quá oi bức nên mái lá là lựa chọn hay nhất để được mát mẻ. Mày không để ý chứ nhà nào ở xóm này cũng dùng toàn là gỗ xịn. Lót sàn bằng ván thao lao, còn tủ, giường, bàn ghế thì dùng gỗ bông lau thuộc loại quý hiếm nên khá đắt tiền. Chưa chắc ở phố như mày đã có. 
- Ừ, đúng thật. Nhà tao chỉ với nổi tới gỗ công nghiệp. Gặp nước là bủn ra. Không đắt nhưng kiểu dáng khá bắt mắt. Tân thời chứ không cổ kính như kiểu dáng ở đây.
- Lại lầm nữa. Cái tân thời của mày chỉ làm giàu cho các công ty biết cách quảng cáo. Còn cái cổ kính như tao đây mới là mốt thời thượng nhé cu. Cái tủ, cái gường giá hơn chục triệu đấy. Cả xóm này đều đóng mới từ vài năm trở lại đây do kinh tế gia đình khá giả và cũng do cơ chế khá thông thoáng. Con tôm, con cá có hẳn visa để xuất ngoại chứ không bó gối trong các chợ làng nữa đâu cu.
- Thì ra là thế. Tao lại quê hơn mày.
- Và còn khờ nữa chứ.
- Tao chưa hiểu.
- Có hiểu thì mày cũng khó có cách xoay sở.
- Là sao?
- Thức ăn hằng ngày chớ sao. Từ rau ráng tới thịt thà, tôm cá… toàn là chất bảo quản độc hại. Còn nước mắm thì tao vừa nghe và xem báo đài thấy tụi mày toàn nuốt đủ loại hóa chất mà chẳng biết mô tê gì. Giờ trắng mắt thì chịu chứ biết làm sao.
- Tao có cải thiện chút ít bằng cách trồng rau trong thùng xốp trên sân thượng. Nhà ở phố thì chỉ có thế. 
- Cũng là cách làm hay. Mai tụi mày về tha hồ mà chở quà quê của tao. Toàn là rau sạch và thủy sản tươi roi rói. 
- Cảm ơn mày nhé. Chẳng bao giờ tụi tao dám từ chối. 
- Ngu gì. - Lê chen vào.
Cả ba cùng cười thật to.
Truyện ngắn của Lý Thị Minh Châu
Cánh đồng mùa lũ
Cánh đồng mùa lũ

Thỉnh thoảng có những đêm, Nhương nằm mơ thấy rắn. Chúng cuồn cuộn, quấn vào nhau như nùi chỉ rối, chúng bò trườn lên mình anh, lớn nhỏ nhung nhúc: xanh, trắng, đen, vàng đủ loại…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN