Trung Quốc bùng nổ dịch vụ cho ‘thuê’ bạn tâm sự

Xu hướng "thuê" một người bạn đồng hành để sẻ chia các vấn đề của bản thân như một cách đối phó với sự cô đơn và căng thẳng của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Getty Images

Yang, một blogger 27 tuổi ở Bắc Kinh, đến gặp khách hàng của mình tại một cửa hàng IKEA. Đối tác là một chàng trai trẻ, sẵn sàng trả 125 nhân dân tệ (hơn 400 nghìn đồng) một giờ để "thuê" thời gian của cô. Khi họ cùng đi dạo dọc các lối đi của cửa hàng, anh bắt đầu bày tỏ những lời phàn nàn về bạn gái của mình, lắng nghe quan điểm của Yang với tư cách như một người bạn tâm giao. Cô nói về trải nghiệm của mình: "Những người trẻ ngày càng trở nên cô đơn hơn. Một số người rất căng thẳng trong công việc và một số phải chịu áp lực từ chính gia đình họ".

Ngành công nghiệp "cho thuê bạn bè" ở Trung Quốc phục vụ nhiều nhóm khách hàng đa dạng, bao gồm những người trẻ đang tìm kiếm bạn đồng hành trong các cuộc tụ họp xã hội, các cá nhân tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tinh thần và thậm chí cả khách du lịch mong muốn khám phá thành phố với hướng dẫn viên địa phương.

Đối với Yang, cơ hội được mời làm bạn đồng hành như một công việc phụ đã giúp cô tăng thêm thu nhập và thoả mãn sở thích của bản thân. Mặc dù công việc chính của cô là KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), nhưng cô đã tìm được một lượng khách hàng ổn định ở công việc phụ này. Từ những người đi làm gặp nhiều căng thẳng cho đến những bà mẹ nội trợ cô đơn, khách hàng của cô đến từ nhiều nền tảng khác nhau, điểm chung của họ là mong muốn được kết nối và thấu hiểu.

Tương tự, Alaia Zhang (22 tuổi) ở Quảng Châu, đã tìm thấy niềm an ủi khi đồng hành cùng những người gặp khó khăn. Hoạt động trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, cô cung cấp dịch vụ chủ yếu cho khách hàng nữ. Theo quan điểm của cô, sự kỳ thị xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần và nỗi sợ bị tổn thương đã khiến nhiều người trẻ thuê "bạn đồng hành" như một cách để đối phó với những nỗi bất an của họ.

"Giới trẻ ngày nay có nhiều nỗi lo, nhưng họ không muốn truyền những điều tiêu cực đó cho bạn bè và gia đình, hoặc họ không cảm thấy mình có những người đáng tin cậy để chia sẻ điều đó. Mọi người đều cô đơn, ngay cả tôi cũng vậy, bản thân tôi cũng cô đơn", cô nói.

Tốc độ đô thị hóa và di cư nhanh chóng, với nhiều cá nhân chuyển đến các thành phố lớn để làm việc hoặc học tập khiến mọi người thường thấy mình thiếu mạng lưới hỗ trợ của bạn bè và gia đình trong môi trường mới, tạo ra nhu cầu về sự đồng hành tạm thời của những người "bạn thuê".

Cindy Lu (31 tuổi), một nhiếp ảnh gia tự do đang sống ở Toronto, Canada, cho biết: "Nhiều sinh viên quốc tế bị căng thẳng về vấn đề trường học và nghề nghiệp, họ gặp khó khăn trong việc hòa nhập nhưng có thể không được tiếp cận với sự trợ giúp chuyên nghiệp".

Sự phát triển của truyền thông xã hội và công nghệ kỹ thuật số đã làm thay đổi cách mọi người kết nối và tương tác, dẫn đến sự phát triển của tình bạn ảo và các cộng đồng trực tuyến. Các ứng dụng truyền thông xã hội của Trung Quốc như Douyin (nền tảng video) và Xiaohongshu (nền tảng chia sẻ phong cách sống) đã trở thành nơi phổ biến cho các dịch vụ này.

Cui Pei (38 tuổi), một người làm "bạn đồng hành thuê" tại một bệnh viện có trụ sở tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, đã tận mắt chứng kiến ​​nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ của cô ở cả người già và người trẻ. Cô nói: "Chúng ta phải thông cảm và học cách hiểu cảm xúc của người già và an ủi họ. Đây gọi là 'nền kinh tế tóc bạc'. Ngành công nghiệp này sẽ trở nên phát triển hơn vì Trung Quốc có dân số đông và đang già đi nhanh chóng", cô nói thêm.

Hiện tượng cho "thuê thời gian" để bầu bạn với ai đó không chỉ là một ý tưởng kinh doanh mới lạ, nó phản ánh một sự thay đổi xã hội sâu sắc hơn. Khi các cấu trúc xã hội truyền thống tiếp tục bị mai một trong cuộc sống đô thị hiện đại, giới trẻ đang tìm ra những cách sáng tạo để kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Cho dù đó là thông qua việc thuê một người bạn hay tương tác với những người bạn đồng hành AI, thông điệp cơ bản đều rất rõ ràng: nhu cầu kết nối và hỗ trợ của con người vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Xu hướng này không chỉ thể hiện những khó khăn, thách thức mà giới trẻ ngày nay phải đối mặt mà còn nêu bật sự nỗ lực và sáng tạo của họ trong việc vượt qua chúng.

Trong một thế giới mà sự cô đơn và biệt lập ngày càng phổ biến, những dịch vụ như của Yang mang đến một tia hy vọng. Họ nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả ở những thành phố đông đúc nhất, nhu cầu kết nối con người thực sự vẫn còn.

Trần Trang/Báo Tin tức (Theo Bnnbreaking, Marketrealist)
Giới trẻ Trung Quốc tìm cách cải thiện EQ để tăng lợi thế tìm việc
Giới trẻ Trung Quốc tìm cách cải thiện EQ để tăng lợi thế tìm việc

Trong một thị trường việc làm khó khăn, việc có được sự tự tin và các kỹ năng xã hội có thể mang lại cho người lao động thêm lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN