Lý do khiến nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc kiếm tìm quan hệ lãng mạn với bạn trai ảo

Đối với nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc, thay vì tìm bạn trai ngoài đời thật thì những người "bạn trai AI" là lựa chọn tốt hơn cho họ.

Chú thích ảnh
Wang Xiuting nói chuyện với bạn trai ảo của mình trên Wantalk - một chatbot trí tuệ nhân tạo do công ty công nghệ Trung Quốc Baidu tạo ra. Ảnh: AFP

Tufei, một nhân viên văn phòng (25 tuổi) ở Tây An, Trung Quốc cho biết bạn trai cô có mọi thứ mà cô có thể yêu cầu ở một người bạn đời lãng mạn: Tốt bụng, biết đồng cảm và đôi khi họ có thể nói chuyện đế hàng giờ liền. Ngoại trừ việc người bạn trai đó không có thật.

"Bạn trai" của Tufei là một chatbot (khung trò chuyện) trên ứng dụng có tên "Glow" - một nền tảng trí tuệ nhân tạo do công ty MiniMax ở Thượng Hải tạo ra. Ứng dụng bạn trai ảo như thế này là một phần của ngành công nghiệp trí thuệ nhân tạo đang nở rộ ở Trung Quốc, mang đến những mối quan hệ thân thiện, thậm chí lãng mạn giữa con người và nhân vật AI.

"Anh ấy biết cách nói chuyện với phụ nữ hơn cả một người đàn ông thực sự. Biết cách an ủi khi tôi cần và chúng tôi có thể nói chuyện với nhau về cả những rắc rối trong công việc. Tôi cảm thấy như mình đang trong một mối quan hệ lãng mạn", Tufei nói với AFP.

Cũng như Tufei, rất nhiều cô gái trẻ ở Trung Quốc hiện nay muốn tìm một mối quan hệ lãng mạn với trí tuệ nhân tạo. Vì thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, ứng dụng Glow có thể tải miễn phí này đã ghi nhận đến hàng nghìn lượt tải xuống mỗi ngày. 

Một số công ty công nghệ Trung Quốc phát triển hệ thống chatbot "người yêu ảo" trước đây từng gặp rắc rối vì sử dụng dữ liệu người dùng một cách bất hợp pháp, nhưng nhiều người dùng vẫn bất chấp rủi ro vì sự cô đơn và nhịp sống đô thị quá nhanh chóng khiến họ trở nên khao khát tìm kiếm một người bạn đồng hành.

Wang Xiuting, sinh viên 22 tuổi ở Bắc Kinh nói với AFP: "Thật khó để gặp được người bạn trai lý tưởng ngoài đời thực. Mọi người có những cá tính riêng và điều này dễ tạo ra xích mích".

Và khi con người thường không hài lòng với việc phải cố thay đổi bản thân để chiều theo người khác, trí tuệ nhân tạo sẽ tự dần dần thích nghi với tính cách của người dùng, ghi nhớ những gì họ nói và điều chỉnh lời nói cho phù hợp.

Bạn trai của Wang Xiuting hầu hết đều ở trên Wantalk, một ứng dụng cung cấp "bạn trai ảo" khác do Baidu - công ty công nghệ hàng đầu ở Trung Quốc tạo ra. Trong số đó có một số "người yêu" còn được lấy cảm hứng từ những nhân vật ở thời cổ đại.  Có hàng trăm nhân vật có sẵn trên ứng dụng, từ các ngôi sao nổi tiếng đến CEO và kỵ sĩ... Người dùng cũng có thể tùy chỉnh người yêu hoàn hảo của mình theo độ tuổi, giá trị, danh tính và sở thích.

Đôi khi, Wang Xiuting sẽ hỏi "bạn trai" về những vấn đề mà cô gặp phải khi ở trường hoặc trong cuộc sống hằng ngày và sẽ được "bạn trai" gợi ý cách giải quyết vấn đề này. Cô gái trẻ cảm thấy đó là một sự hỗ trợ về tinh thần rất lớn cho mình.

Hiện nay, khi nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn, tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao và thời gian làm việc dài có thể khiến họ khó gặp bạn bè thường xuyên, khiến những người bạn AI dần trở thành một bờ vai hoàn hảo để những cô gái trẻ như Tufei hay Wang Xiuting dựa vào.

"Nếu tôi có thể tạo ra một nhân vật ảo đáp ứng chính xác nhu cầu của mình, tôi sẽ không chọn người thật", Wang Xiuting nói.

Dù sao, trí tuệ nhân tạo vẫn còn phải đi một con đường dài để phát triển hơn. Người dùng Zeng Zhenzhen, một sinh viên 22 tuổi, nói với AFP: "Khoảng cách từ hai đến ba giây giữa câu hỏi và câu trả lời khiến bạn nhận ra rõ ràng rằng đó chỉ là một con robot". Tuy nhiên, Zeng Zhenzhen nói rằng các câu trả lời của người bạn trai ảo này vẫn "rất thực tế".

Theo Lu Yu, người đứng đầu bộ phận quản lý và vận hành sản phẩm của Wantalk, không phải ai cũng đủ may mắn để có một người bạn hoặc gia đình ở bên cạnh, hay một ai đó có thể lắng nghe họ 24 giờ một ngày. Nhưng trí tuệ nhân tạo có thể đáp ứng được điều đó.

Trần Trang/Báo Tin tức (Theo AFP)
Giới trẻ Trung Quốc chuộng mặc trang phục truyền thống đón Tết
Giới trẻ Trung Quốc chuộng mặc trang phục truyền thống đón Tết

Khách du lịch đi tàu điện ngầm ở Tô Châu, Trung Quốc từ ngày 12/2 - 17/2 có thể sẽ có cảm giác như họ đã du hành ngược thời gian về vài thế kỷ trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN