Tin giả khiến người dân Đông Nam Á ngần ngại tiêm vaccine COVID-19

Mặc dù nằm trong nhóm được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 miễn phí tại Philippines vì bị hen suyễn nhưng Gerry Casida lại ngần ngại đi tiêm. Nguyên nhân là trước đó anh đã xem video trên mạng xã hội, trong đó nói rằng vaccine đang được sử dụng để diệt chủng.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine COVID-19 tại Philippines. Ảnh: AP

Công nhân xây dựng 43 tuổi tại Manila chia sẻ với hãng tin Bloomberg (Mỹ): “Tôi đã đọc nhiều bài đăng trên Facebook có nội dung về người dân tại các quốc gia khác tử vong bởi vaccine và điều này bị che giấu. Mẹ tôi cũng đã hỏi ý kiến một thầy lang và ông ấy nói rằng vaccine COVID-19 có thể ảnh hưởng đến tim của tôi”.

Có hàng triệu người như Casida đang sống tại những vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 ở Đông Nam Á nhưng lại nói không hoặc chần chừ tiêm vaccine. Họ bị lung lạc bởi thông tin thất thiệt trên mạng xã hội từ nguồn địa phương và phong trào bài vaccine tại Mỹ. Những tin sai lệch này tạo tâm lý lo sợ tiêm vaccine tại một số nơi trong khu vực, giảm nỗ lực tiêm vaccine cho những người yếu thế.

Theo khảo sát do Viện nghiên cứu Social Weather Stations thực hiện, 68% người dân Philippines vẫn chưa quyết định hoặc không sẵn sàng tiêm vaccine COVID-19. Thống kê của Suan Dusit Poll cho kết quả có tới 1/3 người Thái Lan từ chối tiêm vaccine COVID-19. Trong khi đó, nghiên cứu khác tại Indonesia cho thấy gần 1/5 dân số vẫn ngại ngùng tiêm vaccine COVID-19.

Tuyên truyền chống tiêm vaccine là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, gây giảm tốc độ tiêm vaccine tại những quốc gia vốn gặp khó khăn vì nguồn cung hạn chế. Mới chỉ có 10% dân số Thái Lan và Philippines được tiêm tối thiểu 1 liều vaccine.

Bà Melissa Fleming, Phó tổng thư ký phụ trách truyền thông toàn cầu của Liên hợp quốc, trong một hội nghị trực tuyến vào tháng 5 nhận định: “Đây là một môi trường truyền thông ô nhiễm. 'Đại dịch thông tin' đã thay đổi và tập trung vào tin sai lệch về vaccine. Nó gieo rắc nỗi sợ hãi cho mọi người”.

Là một quốc gia có đông người theo Công Giáo, cộng đồng mạng tại Philippines chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin của các nhóm Cơ Đốc giáo phúc âm. Trong đó có nhiều nhóm trên mạng xã hội Facebool tập trung vào lý thuyết bài vaccine. Bloomberg cho biết có một video tiếng Anh với hàng trăm lượt xem nói rằng vaccine khiến người tiêm phát sinh từ tính. Ở Malaysia, tin thất thiệt lan tràn trên Facebook, WhatsApp cho rằng vaccine COVID-19 gây rủi ro với cơ thể người tiêm và “biến đổi gen”.

Một thông tin sai lệch khác xuất hiện nhiều trên mạng xã hội khắp Đông Nam Á cho rằng có vi mạch trong vaccine COVID-19 nhằm thu thập dữ liệu sinh trắc học của người tiêm. Trong tháng 2, Bộ trưởng Khoa học Malaysia Khairy Jamaluddin đã phải lên tiếng đảm bảo với công chúng về sự an toàn của vaccine COVID-19, khẳng định chúng không có vi mạch.

Tình trạng “lấn cấn” với việc tiêm vaccine được coi là thách thức cho nhiều chính phủ vốn đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 80% người dân. Trong xếp hạng mới nhất của Bloomberg về khả năng xử lý đại dịch của 53 nền kinh tế hàng đầu thế giới, các quốc gia Đông Nam Á đứng ở nhóm 10 nước cuối bảng.

Ông Steve Cochrane tại công ty Moody’s Analytics đánh giá: “Thiếu miễn dịch cộng đồng với virus SARS-CoV-2, những quốc gia lớn và nhỏ sẽ gặp khó khăn để đón khách du lịch nước ngoài vốn quan trọng với ngành công nghiệp không khói, kinh doanh và đầu tư quốc tế”.

Chú thích ảnh
Một địa điểm tiêm vaccine COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AP

Ông Leong Hoe Nam tại bệnh viện Mount Elizabeth Novena cho biết ngay cả tại Singapore, nhiều thanh niên trẻ và có trình độ cũng không tránh nổi "cái bẫy tin giả". Trong tháng 5, một số bác sĩ tại Singapore đã viết thư chất vấn về độ an toàn của vaccine công nghệ mRNA và họ dựa vào thông tin lan tràn trên WhatsApp cho rằng sản phẩm này có thể biến đổi AND của người tiêm. Ngay lập tức, Bộ Y tế Singapore phản ứng và đưa ra thông cáo báo chí rằng những bác sĩ này đã rút lại ý kiến.

Bất chấp nỗ lực của các chính phủ nhằm xử lý tin giả, hàng loạt thông tin không chính xác bằng tiếng Anh vẫn len lỏi trong cộng đồng những nước không nói tiếng Anh, trên mạng xã hội. Nhà nghiên cứu Ishaana Aiyanna tại công ty công nghệ Logically (Anh) đánh giá: “Những giả thiết phương Tây từng được vạch trần thường xuất hiện với hình thức thuyết minh theo địa phương. Điều này bắt nguồn từ tình trạng thiếu kiến thức về truyền thông ở nhóm đông vốn phụ thuộc vào không gian mạng để lấy thông tin”.

Một lý do khác cho tâm lý e ngại tiêm vaccine tại các quốc gia Đông Nam Á là các nước phương Tây đã thâu tóm lượng lớn vaccine công nghệ mRNA. Như vậy, đối với nguồn cung hạn chế và không có nhiều lựa chọn, nhiều người dân muốn chờ đợi cho đến khi có thể tiêm vaccine được cho là hiệu quả hơn.

Tại Thái Lan, nhiều người cũng từ chối tiêm vaccine COVID-19. Theo thống kê tại Philippines, gần 50% người được hỏi cho biết họ tin tưởng vào vaccine COVID-19 do Mỹ sản xuất nhưng chương trình tiêm tại nước này lại dựa chủ yếu vào vaccine Sinovac. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng cảnh cáo sẽ bỏ tù những người từ chối tiêm vaccine.

Ông Leong Hoe Nam nhận xét việc giáo dục về vaccine cho cộng đồng và nhân viên y tế là cách tốt nhất để xử lý tình trạng ngại tiêm. Ông nói: “Thực trạng ngại tiêm vaccine và thiếu phối hợp trên toàn cầu có lẽ là một trong những trở ngại lớn nhất hiện nay trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Bloomberg )
Biến thể Delta có thể cản trở việc sử dụng 'hộ chiếu vaccine' tại EU
Biến thể Delta có thể cản trở việc sử dụng 'hộ chiếu vaccine' tại EU

Ngày 1/7, chứng chỉ COVID-19, còn gọi là "hộ chiếu vaccine", áp dụng trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn bắt đầu có hiệu lực, đúng thời điểm châu Âu bước vào kỳ nghỉ Hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN