Người di cư giữa 'sự sống và cái chết' trên sa mạc biên giới Tunisia - Libya

Nhiều người di cư từ châu Phi cận Sahara đã gần như gục ngã vì kiệt sức, trong điều kiện nhiệt độ đã vượt quá 40 độ C trên sa mạc biên giới Libya - Tunisia.

Chú thích ảnh
Những người di cư được lính biên phòng Libya tiếp nước trên sa mạc. Ảnh: AFP

Giữa cái nắng nóng gắt giữa buổi trưa, một đội tuần tra của Libya gần biên giới Tunisia gặp một người đàn ông da đen gốc Phi nằm gục trên cát sa mạc. Người này gần như không còn thở và các nhân viên tuần tra Libya tìm cách hồi sinh người này bằng cách cho uống vài ngụm nước.

Người đàn ông này chỉ là một trong số hàng trăm người di cư đến Libya hàng ngày sau khi bị lực lượng an ninh Tunisia bỏ rơi ở vùng biên giới sa mạc.

Vào thời điểm họ đến Libya, những người di cư từ châu Phi cận Sahara đã gần như gục ngã vì kiệt sức, trong điều kiện nhiệt độ đã vượt quá 40 độ C.

Chú thích ảnh
Một người di cư gốc Phi gục ngã vì kiệt sức và mất nước khi đến khu vực không có người ở gần al-Assah trên biên giới Libya-Tunisia vào ngày 30/7/2023. Ảnh: AFP

Ngày 30/7 vừa qua, lực lượng biên phòng Libya đã cứu khoảng 100 người ở một khu vực không có người ở gần Sebkhat Al-Magta, dọc biên giới Libya - Tunisia. Những người này nói tiếng Arab và cho biết họ đến từ Tunisia.

Lực lượng biên phòng Libya cho biết, trong hai tuần qua, họ đã giải cứu hàng trăm người di cư nói rằng họ bị chính quyền Tunisia bỏ lại ở khu vực biên giới gần Al-Assah, cách Tripoli khoảng 150 km về phía Tây.

Vào đầu tháng 7, hàng trăm người di cư từ các quốc gia châu Phi cận Sahara đã bị đuổi khỏi thành phố cảng Sfax của Tunisia khi căng thẳng sắc tộc bùng lên sau cái chết của một người đàn ông Tunisia trong cuộc đụng độ giữa người dân địa phương và người di cư.

Haitham Yahiya, đến từ Sudan, cho biết anh đã làm việc một năm trong lĩnh vực xây dựng của Tunisia sau khi đến nước này một cách bí mật thông qua Niger và Algeria. “Tôi đang làm việc thì họ bắt được và đưa tôi đến đây, đầu tiên là trong một chiếc xe cảnh sát, sau đó là một chiếc xe tải của lực lượng an ninh. Sau đó, họ bỏ mặc tôi và bảo tôi đến Libya”, Yahiya nói.

Chú thích ảnh
Những người di cư tránh nắng nóng trên sa mạc, cùng ăn một chiếc bánh khi họ đến một khu vực không có người ở gần Al-Assah trên biên giới Libya - Tunisia vào ngày 30/7/2023. Ảnh: AFP

Tại điểm gần nhất, gần Sfax, Tunisia chỉ cách đảo Lampedusa của Italy khoảng 130 km. Quốc gia Bắc Phi này là một cửa ngõ chính cho những người di cư và những người xin tị nạn đang tìm cách thực hiện các chuyến đi biển đầy nguy hiểm với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã đề nghị hỗ trợ tài chính để giúp Tunisia quản lý dòng người di cư.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết có tới 1.200 người châu Phi da đen đã bị “lực lượng an ninh Tunisia trục xuất hoặc cưỡng bức chuyển giao” vào tháng 7/2023 tới các vùng biên giới sa mạc của nước này giáp với Libya và Algeria.

Vào giữa tháng 7, Tổ chức nhân đạo Tunisia cho biết họ đã cung cấp nơi trú ẩn cho ít nhất 630 người di cư đã được đưa đến Ras Jedir sau ngày 3/7, cách Al-Assah khoảng 40 km về phía Bắc.

Chú thích ảnh
Một người di cư gốc Phi được cung cấp nước khi đến một khu vực không có người ở gần Al-Assah trên biên giới Libya - Tunisia vào ngày 30/7/2023. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, vài ngày sau, AFP đã thu thập lời khai của hàng trăm người di cư vẫn bị mắc kẹt trong vùng đệm Ras Jedir. Họ nói rằng họ đã bị lực lượng an ninh Tunisia ép buộc đến đó. Tại Ras Jedir, 350 người vẫn ở trong trại tạm bợ, trong đó có 65 trẻ em và 12 phụ nữ mang thai.

“Điều kiện sống của họ rất khó khăn”, một quan chức nhân đạo nói với AFP, đồng thời cho biết thêm rằng điều đó không bền vững về lâu dài, không có nhà vệ sinh, không có bể chứa nước, không có nơi trú ẩn thực sự.

Đối mặt với dòng người di cư, những nhân viên thuộc Tiểu đoàn 19 của lực lượng biên phòng  Libya và một đơn vị chống người nhập cư từ Sahara, đã tuần tra hàng ngày. Ali Wali, phát ngôn viên của Tiểu đoàn 19 cho biết: “Chúng tôi đang ở trên đường phân định giữa Libya và Tunisia và chúng tôi thấy ngày càng có nhiều người di cư đến mỗi ngày".

Chú thích ảnh
Một người di cư kiệt sức vì nắng nóng và không có thức ăn. Ảnh: AFP

Khu vực tuần tra bao gồm 15 km xung quanh Al-Assah. Ông Wali nói rằng tùy theo ngày, họ có thể phát hiện “150, 200, 350, đôi khi lên tới 400 hoặc 500 người di cư bất thường”.

Chính phủ ở Tripoli trong những ngày gần đây cho biết họ từ chối “tái định cư” đối với những người di cư đến từ Tunisia. Trong khi đó, những người di cư đã vô tình vượt qua biên giới. Họ nói, họ đi bộ theo hướng mà lực lượng an ninh Tunisia hướng dẫn - về phía Libya.

Khi một đợt nắng nóng đang diễn ra ở Địa Trung Hải, một số người như Alexander Unche Okole cho biết họ đã đi bộ hai ngày mà không có thức ăn hay nước uống. Các nhóm nhân đạo ở Libya mà AFP liên hệ đã đưa ra con số tử vong ít nhất là 17 người trong ba tuần qua.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo AFP)
Mỹ cho phép một số nhóm người di cư xin tị nạn
Mỹ cho phép một số nhóm người di cư xin tị nạn

Theo hãng tin Reuters, ngày 28/7, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết chính quyền Mỹ sẽ cho phép một số người di cư từ Cuba, Haiti, Nicaragua và Venezuela hiện đang ở Mexico nộp đơn xin vào Mỹ với tư cách người tị nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN