Trung Quốc muốn cải thiện các mối quan hệ chiến lược với EU

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, Tổng thống Hungary Tamas Sulyok và Thủ tướng Viktor Orban. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng sẽ có cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen trong chuyến thăm tới châu Âu sắp tới.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại một cuộc họp ở Trùng Khánh ngày 23/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ coi các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo là cơ hội để cải thiện các mối quan hệ chiến lược, mang tính xây dựng và vì lợi ích chung giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó, ngày 29/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm cấp nhà nước tới Pháp, Serbia và Hungary từ ngày 5-10/10. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Trung Quốc sau gần 5 năm, có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển chung trong quan hệ của Trung Quốc với Pháp, Serbia, Hungary và Liên minh châu Âu.

Cũng tại cuộc họp báo ngày 30/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến thông tin các đại diện của phong trào Hồi giáo Hamas và Fatah đã đến Bắc Kinh tham dự các cuộc thảo luận sâu về thúc đẩy hòa giải nội bộ người Palestine. Hai bên đã thể hiện đầy đủ ý chí chính trị để đạt được mục tiêu hòa giải thông qua đối thoại và tham vấn, thảo luận nhiều vấn đề đặc biệt và đạt được những tiến triển tích cực. Chuyến thăm này đánh dấu lần đầu tiên một phái đoàn Hamas tới Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến giữa Hamas và Israel leo thang ở Gaza. 

Phong trào Hamas kiểm soát Dải Gaza trong khi Fatah là phong trào do ông Mahmoud Abbas, Tổng thống chính quyền Palestine (PA), đứng đầu. PA thực hiện quyền tự trị hạn chế ở Bờ Tây bị Israel chiếm đóng. Hai phe phái Palestine này đã bất hòa chính trị kể từ khi Hamas trục xuất các thành viên Fatah khỏi Gaza trong cuộc đụng độ ngắn xảy ra năm 2007.

Lê Ánh (TTXVN)
Tham vọng dài hạn ở Nam Cực của Trung Quốc là gì?
Tham vọng dài hạn ở Nam Cực của Trung Quốc là gì?

Trung Quốc đang tìm cách thay đổi cán cân ảnh hưởng ở Nam Cực theo hướng có lợi cho mình trong bất kỳ cuộc đàm phán lại nào về vấn đề lãnh thổ ở Nam Cực trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN