Giáo sư Harvard chỉ ra 4 yếu tố gây khó khăn cho kinh tế thế giới năm 2024

Ông Kenneth Rogoff - Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard (Mỹ) - đã chỉ ra bốn yếu tố có thể gây khó cho nền kinh tế thế giới năm 2024.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong một bài viết cho trang web của tổ chức truyền thông quốc tế Project Syndicate, Giáo sư Rogoff nhận định rằng các nền kinh tế trên khắp thế giới đã cố gắng tránh được hầu hết các bẫy kinh tế trong năm 2023. Ví dụ như Mỹ đã tránh được suy thoái kinh tế và các thị trường đang phát triển đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng nợ.

Cho đến nay, mặc dù đã tránh được các tình huống xấu nhất, nhưng năm 2023 lại mở đầu một xu hướng hỗn loạn có thể kéo dài sang năm 2024.

Giáo sư Rogoff, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), viết: “Điều này đặc biệt đúng đối với các thị trường mới nổi, nhưng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu năm 2024 trở thành một năm đầy khó khăn đối với tất cả”.

Ông Rogoff đã chỉ ra bốn yếu tố rủi ro cần theo dõi trong năm 2024.

Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn

Theo ông Rogoff, các nhà đầu tư không nên hy vọng rằng lãi suất sẽ quay trở lại mức cực thấp trước năm 2021.

Ngay cả nếu lãi suất toàn cầu giảm đáng kể do suy thoái kinh tế ở Mỹ trong năm 2024, thì điều này cũng chỉ mang tính tạm thời vì có nhiều yếu tố cuối cùng sẽ đẩy lãi suất lên cao. Các yếu tố này gồm nợ quá mức, phi toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, chủ nghĩa dân túy, tăng chi tiêu quốc phòng và chuyển đổi xanh.

Mỹ bội chi nhiều hơn

Chú thích ảnh
Khách hàng mua sắm tại siêu thị ở Foster City, California, ngày 21/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Trái với dự báo của hầu hết các nhà phân tích, mặc dù nền kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái vào năm 2023, nhưng khả năng xảy ra suy thoái có lẽ vẫn là khoảng 30%, so với 15% trong những năm bình thường.

Bất chấp những tác động dài hạn khó lường của biến động lãi suất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng.

Mặc dù nền kinh tế đang hoạt động ở mức toàn dụng lao động, tức là ai cũng có việc làm, nhưng tính theo tỷ trọng trong GDP, mức thâm hụt hiện ở mức 6%, hoặc 7% nếu tính cả chương trình xóa nợ cho sinh viên của ông Biden.

Ngay cả Quốc hội Mỹ dù bị chia rẽ cũng khó có thể cắt giảm chi tiêu đáng kể trong năm bầu cử 2024. Tỷ lệ lạm phát tích lũy cao trong ba năm qua đã khiến chính phủ Mỹ vỡ nợ trên thực tế là 10%.

Những rắc rối của kinh tế Trung Quốc

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Tình trạng kinh tế Trung Quốc phục hồi không mạnh như dự báo sau đại dịch COVID-19 sẽ kéo dài thêm một năm nữa, vì các biện pháp hỗ trợ của nước này không thể vực dậy toàn bộ nền kinh tế.

Giáo sư Rogoff giải thích: “Sẽ khó có thể giữ cho nền kinh tế Trung Quốc hoạt động hết công suất trong khi vẫn áp đặt các hạn chế đối với các khoản cho vay mới”.

Ông dự báo chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình kích thích và các khoản vay giá rẻ cho những lĩnh vực mất khả năng thanh toán và đang cần hỗ trợ, đồng thời hạn chế các chính quyền địa phương thực hiện các khoản vay mới.

Nhìn rộng ra, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi cố gắng khôi phục tốc độ tăng trưởng 5% hàng năm, khi tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đạt 83% vào năm 2023.

Trung Quốc phụ thuộc quá mức vào cơ sở hạ tầng và bất động sản vốn đã suy yếu trong năm qua và sự phụ thuộc này sẽ tiếp tục sẽ là một trở ngại, ngay cả khi Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang xe điện và đầu tư xanh.

Chính sách tiền tệ của Nhật Bản

Chú thích ảnh
Đồng yen Nhật. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho đến năm 2023, Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, bất chấp xu hướng thắt chặt mạnh mẽ của thế giới.

Giáo sư Rogoff cho biết, tình trạng chênh lệch lãi suất này đã khiến đồng yen Nhật tăng giá gần 40% so với đồng USD kể từ năm 2021. Đây là một mức mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không thể tiếp tục bỏ qua.

Ông phân tích: “Mặc dù các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản có thể thích ngồi yên và hy vọng lãi suất toàn cầu giảm sẽ thúc đẩy đồng yen và giải quyết các vấn đề của mình, nhưng đó không phải là một chiến lược dài hạn bền vững”.

Nếu Nhật Bản không bắt đầu tăng lãi suất, lạm phát trong nước sẽ bắt đầu tăng cao. Đây sẽ là một dấu hiệu nguy hiểm lớn đối với một quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP trên 250%.

Trước đây, các nhà kinh tế như Mohamed El-Erian đã cảnh báo rằng chính sách sai lệch của Nhật Bản có thể gây ra một sự cố tài chính lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, vì nhiều nhà đầu tư đã thu lợi từ mức giá thấp của đồng yen.

Nhìn chung, dù phải chịu cả các cú sốc kinh tế và chính trị, các thị trường mới nổi đã tìm cách chặn được cuộc khủng hoảng vào năm 2023. Mặc dù điều này phần lớn là nhờ các nhà hoạch định chính sách áp dụng các chiến lược kinh tế vĩ mô tương đối chính thống, nhưng một số quốc gia đã tận dụng căng thẳng địa chính trị leo thang. Ví dụ, Ấn Độ đã nhận cơ hội xảy ra cuộc chiến ở Ukraine để mua được số lượng lớn dầu giá rẻ của Nga, còn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một kênh quan trọng để vận chuyển sang Nga các hàng hóa châu Âu bị cấm.

Khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và các cuộc thăm dò cho thấy ông Donald Trump hiện là ứng cử viên tổng thống Mỹ được yêu thích, dự báo năm 2024 sẽ là một năm đầy biến động nữa đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng đối với các thị trường mới nổi, nhưng không có gì ngạc nhiên nếu năm 2024 trở thành năm khó khăn đối với tất cả.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Những vấn đề nan giải của EU năm 2024
Những vấn đề nan giải của EU năm 2024

Dưới đây là những yếu tố sẽ quyết định “bộ mặt” của EU trong năm bầu cử 2024.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN