Ấn Độ thúc đẩy mạnh mẽ việc giảm bớt phụ thuộc vào đồng USD trong giao dịch xuyên biên giới

Theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Biên bản ghi nhỡ vừa được Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) ký với Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc A rập thống nhất (CBUAE), sẽ mở đường cho sự hợp tác kinh tế nâng cao và làm các tương tác tài chính quốc tế trở nên đơn giản hơn.

Chú thích ảnh
Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau trong buổi chiêu đãi chính thức tại Qasr Al Watan, Abu Dhabi vào ngày 15/7/2023. Ảnh: Reuters

Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Abu Dhabi, vào hôm 15/7 (theo giờ địa phương), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã ký hai Biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (CBUAE) để thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ cho giao dịch xuyên biên giới và liên kết các hệ thống thanh toán, chuyển tiền bằng điện tín của hai bên.

Thỏa thuận được ký kết bởi Thống đốc RBI Shaktikanta Das và Thống đốc CBUAE Khaled Mohamed Balama, trong thời gian diễn ra chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Abu Dhabi.

Trong một tuyên bố phát đi sau lễ ký, RBI cho biết Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập một khuôn khổ cho việc sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch giữa Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), nhằm mục đích đưa ra Hệ thống thanh toán nội tệ (LCSS) để thúc đẩy việc sử dụng đồng Rupee của Ấn Độ (INR) và và đồng Dirham của UAE (AED) trong giao dịch song phương.

Biên bản ghi nhớ mà RBI và CBUAE ký kết hôm 15/7 còn bao gồm tất cả các giao dịch thông qua tài khoản vãng lai và giao dịch thông qua tài khoản vốn, việc hỗ trợ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu lập hóa đơn và thanh toán bằng đồng nội tệ của mỗi nước khi tiến hành giao dịch, giúp phát triển thị trường trao đổi giữa đồng INR và đồng AED.

Theo tuyên bố của RBI, bố trí trong Biên bản ghi nhớ sẽ thúc đẩy đầu tư và kiều hối giữa Ấn Độ và UAE, đồng thời việc sử dụng đồng nội tệ của mỗi nước trong giao dịch sẽ tối ưu hóa chi phí và thời gian giao dịch, gồm cả đối với việc chuyển tiền của người Ấn Độ sinh sống ở UAE.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi cho rằng đây là một khía cạnh rất quan trọng trong hợp tác giữa Ấn Độ và UAE, mở đường cho hợp tác kinh tế nâng cao và sẽ làm cho các tương tác tài chính quốc tế trở nên đơn giản hơn.

Theo tờ Al Arabiya ở Trung Đông, động thái này sẽ giúp thúc đẩy nỗ lực của Ấn Độ nhằm cắt giảm chi phí giao dịch bằng cách loại bỏ hoạt động chuyển đổi sang đồng USD trong giao dịch xuyên biên giới.

Trong một cái quan điểm khá tương đồng, vào cuối tháng 4, tờ Straits Times cho biết Ấn Độ - một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới – đang nỗ lực biến việc sử dụng đồng Rupee trong các giao dịch quốc tế thành một phần quan trọng trong chính sách ngoại thương năm 2023.

Theo báo trên, Ấn Độ sẵn sàng giao dịch bằng đồng nội tệ với các quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu chậm lại.

Trước UAE, Ấn Độ và Bangladesh đã đồng ý về nguyên tắc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại nhằm thúc đẩy nỗ lực quốc tế hóa đồng rupee của Ấn Độ, giảm nhu cầu đồng USD và hỗ trợ xuất khẩu của Ấn Độ trong bối cảnh toàn cầu gặp khó khăn.

Ngày 1/4, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) thông báo nước này và Malaysia hiện có thể sử dụng đồng Rupee để thanh toán thương mại bên cạnh các loại tiền tệ khác. Động thái này diễn ra sau quyết định hồi tháng 7/2022 của RBI cho phép thanh toán thương mại quốc tế bằng đồng nội tệ.

Thành Nam/Báo Tin tức
Những rào cản của Ấn Độ trên đường vượt qua nền kinh tế Mỹ
Những rào cản của Ấn Độ trên đường vượt qua nền kinh tế Mỹ

Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, Ấn Độ đang trên đà vượt mặt Mỹ trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, quốc gia Nam Á này sẽ cần phải vượt qua một số rào cản mang tính quyết định. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN