Quy hoạch đồng bộ khu vực ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long

Năm nay trước những dự báo khó lường của thời tiết, vấn đề tận dụng hiệu quả mỗi khi lũ về, làm sao cho người dân chung sống hài hòa với lũ lại được các chuyên gia trong ngành quan tâm.

PGS.TS Tăng Đức Thắng - Viện  Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam: 

Sống chung với lũ  bằng phát triển  hệ thống đê bao

Có diện tích tự nhiên khoảng 3,94 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp vào khoảng 2,4 triệu ha, địa hình tương đối bằng phẳng và thấp, đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL) được xem như là vựa lúa chính của cả nước. Tuy nhiên ĐBSCL nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông, chịu ảnh hưởng lũ và hạn theo mùa hàng năm. 

Do địa hình thấp trũng, việc ngập lũ theo mùa hàng năm là những vấn đề khó tránh khỏi và việc cân nhắc những thiệt hại do lũ, lợi ích mà lũ đem lại cũng như những băn khoăn về các tác động liên quan đến việc bảo vệ lũ, hiện nay “sống chung với lũ” vẫn là giải pháp, chỉ số ít diện tích được bảo vệ triệt để.

Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu - nước biển dâng, lũ có thể gây ngập sâu và kéo dài hơn. Ngập không chỉ xảy ra trong điều kiện lũ thượng nguồn mà có thể xảy ra ngay trong điều kiện thường với nước biển dâng, đe dọa sự phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực của Việt Nam. Trong tình hình đó giải pháp đê bao qui mô nhỏ, bao tiểu vùng, với cao trình đê thấp đáp ứng những trận lũ nhỏ là cần thiết khi vừa đảm bảo mục tiêu bảo vệ lại không làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong các vùng bảo vệ do nước được thay đổi thường xuyên không bị nước tù, nước đọng. 

Ngoài ra kết hợp với bơm tiêu động lực để chủ động tiêu thoát trong thời kì đỉnh lũ những năm lũ lớn. Tuy nhiên điều đáng chú ý là bơm tiêu động lực phải tiêu ra ngoài vùng dự án. Tùy theo điều kiện tự nhiên, đặc thù địa lý và cơ sở hạ tầng hiện hữu, các tiểu vùng cần được liên kết bảo vệ ở cấp cao hơn, đê bao vòng ngoài, để bảo vệ cho cả vùng khi gặp lũ lớn hay lũ kết hợp với nước biển dâng.

Quản lý và vận hành hệ thống sẽ ít phúc tạp hơn, giảm kinh phí đầu tư. Riêng đối với vùng ven biển, vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu nơi có ảnh hưởng thủy triều có thể thay đổi kết cấu công trình đảm bảo vận hành chủ động để giảm ảnh hưởng của ngập do triều, điều tiết mực nước và giảm sự gia tăng xâm nhập mặn do nước mặn tập hậu vào vùng này do nước bị tiêu đi quá mức ở vùng khác. Liên kết vùng để chủ động kiểm soát lũ, mặn và cấp nước...

Gia cố đê bao sẵn có và phát triển hệ thống đê bao mới là việc làm thường xuyên của ngành chức năng các tỉnh ĐBSCL.

Giáo sư Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu: 

Cần giải pháp tài chính

ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập... Tuy nhiên hầu hết các quy hoạch này đều bộc lộ điểm yếu cơ bản là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán.

Ví dụ như dự án hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No tiêu tốn 300 triệu USD là để bảo vệ 43.000 ha lúa nhưng không biết cái lợi của nó có tương xứng hay không khi đẩy cái ngập sang TP Cần Thơ... Ngành chức năng cần có giải pháp tài chính, đầu tư cũng như biện pháp để huy động đầu tư (các hành động về cơ chế chính sách, vai trò của đầu tư công và cơ quan tài chính, làm thế nào để huy động tài chính tư nhân...); nền tảng của chiến lược để đề nghị hỗ trợ quốc tế... nỗ lực huy động tối đa nguồn lực giúp ĐBSCL thích nghi với biến đổi khí hậu nói chung và lũ lụt hàng năm về nói riêng.

Nguồn vốn thực hiện có thể được huy động thông qua là ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, hỗ trợ quốc tế (trực tiếp hoặc thông qua chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu), nguồn lực các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng...

Tiến sĩ Dương Văn Ni, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường Đại học Cần Thơ:

Điều chỉnh sản xuất thích ứng với lũ

Ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đang có nhiều giải pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra. Song song với việc chủ động ứng phó với lũ, các địa phương cũng lên kế hoạch điều chỉnh sản xuất thích ứng với lũ. Cụ thể tại Đồng Tháp, chủ trương của tỉnh là những nơi đã sản xuất 3 vụ liên tục cần tận dụng lũ về nhiều để xả lũ lấy phù sa, đồng thời khai thác lợi thế của lũ để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, tăng thu nhập cho nông dân.

Còn ở Long An, năm nay tỉnh sẽ giảm mạnh diện tích lúa thu đông xuống khoảng 30.000 ha ở các vùng đê bao đảm bảo thuộc huyện Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng... Những diện tích còn lại được xả lũ, lấy phù sa, cải tạo đất, diệt trừ sâu bệnh nhằm chuẩn bị tốt cho vụ đông xuân năm 2018.

Riêng tại những nơi đê bao lửng, không an toàn, đất bạc màu... địa phương phải tính toán xả lũ lấy phù sa và áp dụng nuôi thủy sản hoặc trồng cây con khác sẽ hiệu quả hơn trồng lúa. Vấn đề điều chỉnh sản xuất thích ứng với lũ không được cứng nhắc, mà phải linh động ứng phó theo diễn biến của lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại và khai thác triệt để lợi thế mùa lũ.

Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp trong đê bao, sử dụng hệ thống cống, bộng, đảm bảo an toàn, kiểm tra hệ thống đê điều, đảm bảo mức độ an toàn chống chịu tốt trong đợt lũ đầu mùa, lũ sớm. Vùng ngoài đê bao, địa phương và các sở, ban, ngành cần có những chỉ đạo sát sao, cần thiết thì có thể thu hoạch sớm để đảm bảo không bị thiệt hại khi lũ về sớm và ở mức cao.

Bài và ảnh: Lê Nghĩa/Báo Tin Tức
Kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai
Kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai

Ngày 19/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo tổng kết dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tổng thể kiểm soát ngập lũ lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN