Nỗ lực bảo vệ hơn 45.670 ha rừng ở Cà Mau trước nguy cơ cháy cao

Ngày 3/5, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình thời tiết trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt kéo dài đã làm toàn bộ diện tích rừng ở U Minh Hạ và rừng cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối bị khô hạn, đứng trước nguy cơ cháy rất cao.

Chú thích ảnh
Khống chế vụ cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, trưa 11/4/2024. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Trong số hơn 45.670 ha rừng bị khô hạn ở Cà Mau có hơn 33.000 ha rừng dự báo ở cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V), trong đó, Công ty Lâm nghiệp U Minh Hạ khoảng 16.520 ha, Vườn Quốc gia U Minh Hạ khoảng 5.720 ha.

Mặc dù tại tỉnh xuất hiện một vài cơn mưa nhưng lượng mưa rất ít, phân bổ không đồng đều giữa các nơi nên chưa thể làm giảm cấp độ và nguy cơ cháy rừng. Hiện nay, nhiều kênh, mương trữ nước trong lâm phần dần cạn kiệt, gây khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2023 - 2024.

Ông Lê Văn Hải cho biết thêm, trong tình huống khó khăn này, phòng cháy được xem là giải pháp mang tính tối ưu nhằm ngăn chặn từ xa, hạn chế xảy ra vụ cháy lan, cháy lớn. Các chủ rừng, địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng, ra sức bảo vệ rừng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Điều quan trọng là cần quán triệt, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và 3 sẵn sàng (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời và khắc phục khẩn trương, hiệu quả).

Lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Hiện nay, có hơn 4.500 hộ dân ở U Minh Hạ (Cà Mau) thực hiện ký cam kết bảo vệ rừng.

Kim Há (TTXVN)
Hiệu quả sử dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Đồng
Hiệu quả sử dụng flycam trong quản lý, bảo vệ rừng ở Lâm Đồng

Trước năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng bắt đầu sử dụng thiết bị bay không người lái có gắn camera điều khiển từ xa (flycam) vào hoạt động quản lý, bảo vệ rừng sau khi được tài trợ một thiết bị này kèm trong một dự án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN