Hết Tết!

“Hết Tết rồi. Mừng quá”, đó là câu nói của không ít các chị, các mẹ khi Tết cổ truyền đã đi qua. Vì sao nhỉ? Vốn “vui như Tết” mà nay lại “hết rồi, mừng quá”.

Một người phụ nữ trung niên chia sẻ với tôi: “Giờ chị đã có hai mặt con. Con lớn học năm thứ ba đại học, con thứ hai học lớp 7. Chị đã đi qua 22 cái Tết ở nhà chồng và từ bất ngờ, tức giận, ấm ức, nhu nhược và đến giờ, chị thành quen và sợ hãi”. Dưới đây là cái lý mà chị chia sẻ là vì sao chị mong “hết Tết”.

Chị không phải là dâu trưởng trong gia đình nhưng ông bà ở với anh chị nên cứ trước ngày Tết chị phải sắm sinh đủ thứ những sản vật phục vụ ngày Tết. Nào giò, gà, bánh chưng, hoa quả, hương liệu, vật phẩm cúng đủ trong 4 ngày Tết… Trước ngày 29 Tết hằng năm thì chiếc tủ lạnh “size by size” mà anh chị mới sắm được cách đây 5 năm đã chật cứng đồ ăn chia cho 4 ngày Tết.


Chị nói, những đồ ăn này ngày thường không phải là không có. Giờ cuộc sống đủ đầy, thèm cái bánh chưng cũng được thỏa mãn, không phải đợi đến Tết. Thèm bát canh bóng, canh măng cầu kỳ thì chỉ đi chợ từ hôm trước để sẵn tủ, chiều hôm sau đi làm về là nấu được. Đấy là cầu kỳ nấu nướng, không thì ra chợ hàng Bè (Hà Nội) thì chỉ việc cho lên bếp nấu


Suốt những ngày Tết (tính từ 30 Tết đến hết ngày mùng 3 Tết), những mâm cơm cúng đủ những món canh, rán, mặn, xào… dâng lên tổ tiên, rồi lại đặt xuống. Nhìn mâm cỗ ngồn ngộn thức ăn, con cháu đều lắc đầu ngao ngán. Đến bữa, ai nấy gắp vài miếng để không phải đói rồi lên đường đi giao lưu họ hàng cả năm mới gặp nhau vài lần. Thành ra, chị phải trút đồ ăn vào hộp để tủ lạnh. Đồ thừa trong tủ lạnh chưa hết thì đã làm mâm cúng mới cho ngày sau cũng đủ đầy như vậy. Cuối cùng, không ăn hết phải đổ đi. Một sự lãng phí chưa từng có và trở nên quá phổ biến. 


Chị than thở, giờ nhà nào chuẩn bị cái Tết bình thường cũng đã tốn 15- 20 triệu đồng. Còn không thì cứ vung tay với các món sơn hào hải vị khác và tiền mừng tuổi. Những ngày Tết, phụ nữ dọn, dẹp, bê, dâng, cúng, cất… Đàn ông quần là áo lượt, vài anh tranh thủ say sưa với họ hàng, bạn bè tới khuya. Ai nói “vui như Tết” thì chỉ có con trẻ.


Chị là một giảng viên say nghề và là một cô con dâu mẫu mực theo lễ giáo. Nhưng chị vẫn không khỏi thổn thức khi nhắc đến dịp Tết. Chị trải lòng, đành rằng là những món ăn, nhưng hãy làm vừa phải. Nấu thức ăn bằng cả tình yêu với những món ăn truyền thống. Đó là cái cốt mà ý nghĩa ngày Tết.


Chị bảo, chả thế mà giờ sinh ra Tết là người người đi du lịch. Đã có rất nhiều ý kiến về điều này. Nhưng chị nghĩ, mọi sự đều phát sinh từ những gì là “quá”. Mọi thứ cần có mức độ như ý nghĩa vốn có. Khi họ nghĩ Tết là sự truy xét, Tết là phiền phức, Tết là soi mói, thì họ cần đi tìm niềm vui khác.


Phải chăng, lâu dần ngày Tết trở nên quá nặng nhọc đối với nhiều phụ nữ vốn là “nội tướng” trong gia đình. Họ mong được ngơi nghỉ bên gia đình. Bởi cả năm đã lao động cực nhọc. Được bên nhau nói về năm qua và về hiện tại. Tương lai thường không biết trước. Nhưng chắc chắn thời khắc bên nhau và đón một năm mới nhất thiết là trao nhau sự lạc quan, sự nhẹ nhàng và một tâm thế sẵn sàng. Chứ không phải trong tâm thế mệt nhoài và gắng gượng.


Họ muốn gặp mặt những người họ hàng đã lâu không gặp. Ân cần trong nhau những chia sẻ về cuộc sống trong năm. Không phải ai định hướng cho ai, mà chỉ cần những san sẻ buồn vui, trao nhau thương yêu, có lẽ là đủ.


Thời gian của Tết đã hết, ước mong của người phụ nữ này cũng là những mong của nhiều người khi nghĩ về Tết cổ truyền.


Mai Hà
Tiệc xuân ở quê ngoại
Tiệc xuân ở quê ngoại

Giao thừa đã qua, ngày khởi đầu năm mới với những lời chúc tụng ở nhà nội đã vãn, lúc này người phụ nữ có chồng sửa soạn về nhà bố mẹ đẻ. Dù xa hay gần, khởi đầu cho một mùa xuân là trở về nhà mẹ đẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN