Tiệc xuân ở quê ngoại

Giao thừa đã qua, ngày khởi đầu năm mới với những lời chúc tụng ở nhà nội đã vãn, lúc này người phụ nữ có chồng sửa soạn về nhà bố mẹ đẻ. Dù xa hay gần, khởi đầu cho một mùa xuân là trở về nhà mẹ đẻ.

Bữa tiệc xuân trở nên thương nhớ hơn khi số năm làm dâu, xa nơi mình sinh nhiều hơn. Bữa tiệc ấy bắt đầu từ khi lên xe. Đó là những cảnh sắc bên đường, những đoạn cua, khúc quanh dù đã trải qua hàng trăm lần nhưng dần trở nên thương nhớ trong họ.

Xe dừng trước cổng, đứa trẻ hân hoan nhìn thấy ông bà, họ hàng. Những người đã từng trao chúng tình yêu vô điều kiện. Đó là thứ tình ruột thịt, tình thương nhớ. Lúc này, người phụ nữ bỗng như thấy mình bé lại trong sự cởi mở của người thân. Chắc hẳn ở đó, dù họ có sắm vai làm con, làm chị, làm em, nhưng tất thảy đều không gồng mình, gượng gập hay giấu mình trước miệng đời cay nghiệt mang lại.


Ở đó mà tất cả những ngữ nghĩa vừa nhắc tới kia không còn khi bước qua cánh cổng nhà. Ở đó, những vườn cây xanh rì, những đám tường rêu phong, những đường gạch xanh đỏ… đã ghi lại rất nhiều ký ức. Dù đã rất cũ.


Ở đó, nếu người phụ nữ trưởng thành có lỡ những lễ nghi thì những điệu cười xòa, những lời mắng mỏ, vẻ hờn dỗi cũng trở nên đáng mến và ngọt ngào đến vậy. Bởi sau đó là sự tha thứ như chính họ tha thứ cho mình vậy.


Ở đó, có chiếc gương đã tường tỏ trong nhà vài chục năm. Đã soi rọi mọi niềm vui, buổi tiệc trà chiều hôm, hay cuộc chia ly, những tất tưởi và cả biển trời thương yêu khi những người con trở về. Những đồ vật cũ trong mới, mới trong cũ trở thành gần gũi.


Ở đó, theo tháng năm, nhịp thời gian đã dấn đầy trên khóe mắt của cha mẹ. Hai mái đầu đã pha sương qua mỗi năm. Những câu hỏi không đầu không cuối nhưng sự đủ đầy của giọng nói cũng đủ sưởi ấm trái tim mỗi người.


Ở đó, người phụ nữ nhìn thấy những cành lá trong vườn đang thủ thỉ câu chuyện gì đó. Có những cây đã đi với họ trong suốt năm tháng tuổi thơ. Xuân về, từ lớp vỏ sần sùi có chút mầm khẽ cựa trên cành. Hay họ được trầm mình trong buổi sớm mai yên tĩnh. Hay tiếng lạch cạch mở cửa sớm mai của cha hay mẹ cũng trở nên thê thiết trong lòng họ.


Hay họ được chìm trong màn khói lam chiều trong vườn những món ăn ngày Tết. Cũng là những món ăn mang tên “món ăn Tết” nhưng hương vị lại đủ đầy và trọn vị đến vậy.

Lúc này, người phụ nữ được đắm mình trong vẻ đẹp tĩnh lặng của mùa xuân.

Tết là hành trình đi về với hương vị thương nhớ. Thương nhớ những chân tình, tình thân đã nuôi dưỡng họ trưởng thành. Khi ai đó nói “đi là để trở về” cũng đúng trong nghĩa này.


Bữa tiệc nào cũng không thể kéo dài và trong khởi đầu này chắc hẳn chỉ một hoặc vài ngày. Nhưng dường như sự khởi đầu này đã nâng bước chân của họ dù ở nẻo đường nào, cảnh huống nào trong đường đời.


Bữa tiệc ấy hẳn đi vào thương nhớ. Bữa tiệc đã trọn vị trong tĩnh lặng của bốn mùa, dù rất ít ỏi. Và khởi đầu cho những mới mẻ trong những điều tưởng như đã rất cũ. Cũng vì lẽ đó, dù ngày Tết không còn đáng là bao nhưng tiệc xuân ở nơi mình sinh ra với những đủ đầy của thương nhớ, của tình thân bao giờ cũng được chờ đón nhất của con gái đã đi lấy chồng, đã làm mẹ.


Bài, ảnh: Phương Hoài
Bao năm làm dâu, bấy nhiêu thắt lòng thương cái Tết nhà ngoại
Bao năm làm dâu, bấy nhiêu thắt lòng thương cái Tết nhà ngoại

Năm nào cũng vậy, dù cùng quê chồng hay xa quê mình, cận Tết, người phụ nữ có chồng đều phải lo sắm quà Tết cho hai bên nội ngoại. Rồi sắm sinh những vật phẩm cần thiết để chuẩn bị cho những ngày lễ Tết ở nhà chồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN