Ứng xử văn minh khi tham gia giao thông: Xử lý nghiêm thói côn đồ hung hãn

Hiện nay, khi tham gia giao thông, không may xảy ra va chạm thì nhiều lái xe lại dùng vũ lực thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hành hung nhau trên đường, gây hậu quả đáng tiếc. Thói hành xử như vậy cho thấy sự côn đồ của một số lái xe, thể hiện hành vi coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng tài sản của người khác, cần được xử lý nghiêm.

Chú thích ảnh
Diễu hành tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn giao thông. Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN

Thói "hổ báo" trên đường

Thời gian gần đây, tại địa bàn Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành trên cả nước ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến xô xát và hành hung lẫn nhau.

Ngày 18/2, một đoạn clip ghi lại cảnh tài xế ô tô con bất ngờ xuống xe "tung cước" đạp ngã người đi xe máy trên phố Phúc La (đoạn gần cửa hàng xăng dầu Petrolimex Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội), được chia sẻ trên mạng xã hội. Sau đó, nam tài xế này tiếp tục to tiếng với người điều khiển xe máy nhưng được người dân xung quanh can ngăn. Tài xế này sau đó quay trở lại xe bỏ mặc người đi xe máy và hàng hóa bị đổ dưới đường.

Khoảng 16 giờ chiều 25/2 trên đường Vành đai 2, Hà Nội có hai thanh niên đi xe mô tô SH BKS 29H1-74xxx không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng, tạt đầu một số xe ô tô. Không chỉ vậy, các đối tượng còn đạp vào xe, đấm vào cửa kính khi thấy chủ phương tiện bấm còi. Đỉnh điểm, hai đối tượng được xác định là H và T còn giật cửa xe ô tô BKS 30K - 84xxx và đánh nhau với những người trên xe.

Hành vi thiếu văn hóa giao thông, quen thói côn đồ của một số người không thể không nhắc tới vụ việc xảy ra tại địa phận quận Tây Hồ ngày 4/3, dẫn đến 1 người tử vong. Theo Công an quận Tây Hồ, Trần Duy Q (21 tuổi, trú ở Thanh Hóa) là thanh niên điều khiển xe máy có chở bạn gái. Quá trình di chuyển xe của Q có va chạm với xe taxi do anh T điều khiển. Sau va chạm hai bên sau đó xảy ra tranh cãi.

Anh T. mở cốp ô tô lấy một vật tày dài khoảng 40cm đuổi đánh Q. Q dùng tay đỡ rồi đấm vào mặt đối phương, sau đó tiếp tục cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu anh T. Hậu quả anh T bị tử vong sau vài tiếng đau đầu. Ngày 5/3, Công an quận Tây Hồ ra lệnh tạm giữ hình sự Q để điều tra.

Hay mới đây nhất sáng 13/3, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video về vụ va chạm giao thông tại ngã 5, đường Trường Thi - Lê Hồng Phong (còn gọi tại vòng xuyến hải quan), thuộc thành phố Vinh, (Nghệ An).

Đoạn clip cho thấy, khoảng 7 giờ cùng ngày, một nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Air Blade mang BKS: 37K9 - 68xx đi vào vòng xuyến, bất ngờ va chạm giao thông với xe ô tô Toyota Vios.

Vụ việc khiến người đi xe máy ngã xuống đường. Sau khi bị ngã, nam thanh niên "hùng hổ" cởi mũ bảo hiểm đập vỡ cửa kính ô tô, rồi tiếp tục ném mũ bảo hiểm vào người lái ô tô. Vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ về cách ứng xử thiếu văn hóa giao thông, dùng tay chân thay cho lời nói.

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Hà Nội những vụ việc hành xử không có văn hóa khi va chạm giao thông trên địa bàn Hà Nội là hành vi ảnh hưởng tới an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận. Công an thành phố đang chỉ đạo các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp côn đồ, hành hung người khác sau va chạm giao thông. Bằng chứng là 2 đối tượng hành hung người trên đường Vành đai 2 đã bị triệu tập để làm rõ, xử lý theo quy định. Đặc biệt, lực lượng Công an đã bắt giữ 18 đối tượng hỗn chiến, gây rối trật tự ở phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng) để điều tra.

Đại tá Nguyễn Tiến Đạt phân tích thêm, các vụ ẩu đả khi tham gia giao thông không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng của người liên quan mà còn làm ảnh hưởng an ninh trật tự, gây tắc nghẽn giao thông. Tùy vào tính chất mức độ hành vi vi phạm, người liên quan có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

"Vừa qua, lực lượng công an đã nhanh chóng tiếp nhận phản ánh từ mạng xã hội, báo chí, vào cuộc xác minh, xử lý nhiều vụ. Đây là điều rất cần thiết để răn đe, giáo dục", Đại tá Đạt nói và cho biết thêm, hiện nay công nghệ cho phép, trong tình huống người tham gia giao thông nếu gặp những tình huống xô xát trên đường cần chủ động cung cấp thông tin, hình ảnh cho cơ quan chức năng xử lý. Cùng đó, lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần lưu, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm.

"Bên cạnh đó, mỗi người dân khi tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông, chủ động nhường nhịn, chia sẻ, giúp đỡ, phối hợp với nhau nếu không may xảy ra va chạm giao thông", Đại tá Đạt chia sẻ.

Xử lý nghiêm để thượng tôn pháp luật

Chú thích ảnh
Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Thanh Hóa tăng cường công tác phân luồng, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia giao thông. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN

Mặc dù đã có những bản án thích đáng cho những kẻ quen thói côn đồ, hễ va chạm giao thông là xô xát, hành hung người khác, nhưng trên thực tế còn không ít kẻ thích “anh chị” nên vẫn hành xử bạo lực. Đó là những sự việc hết sức đáng tiếc, không đáng có.

Hành vi gây gổ, ngổ ngáo nói trên không chỉ làm mất an ninh trật tự mà còn làm mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến nhiều người khác. Do vậy, để xử lý triệt để hành vi này Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Lâm Quỳnh Dao cho rằng, ngoài công tác tuyên truyền thì lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm minh; Đến mức xử lý hình sự tội cố ý gây thương tích hay tội gây rối trật tự công cộng thì cương quyết xử lý, không xuê xoa. Xử nghiêm minh mới có thể làm gương cho những người khác.

Ngoài xử lý hình sự, có lẽ cần hình phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe dài hạn thậm chí vĩnh viễn đối với những người có hành vi côn đồ, bạo lực khi tham gia giao thông,

Ở một góc nhìn khác, Trung tá Phạm Quang Hưng, Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho hay, người tham gia giao thông cần phải giữ được thái độ điềm tĩnh khi xảy ra va chạm giao thông. Trong trường hợp hậu quả không lớn, không nghiêm trọng thì nói lời xin lỗi rồi di chuyển tiếp. Không nên đôi co đúng sai, phải trái ở giữa đường giao thông làm ảnh hưởng đến người khác. Trong bối cảnh giao thông tại Hà Nội luôn đông đúc, dễ đẩy con người ta đến chỗ “nóng mặt” nên phải hết sức tỉnh táo, kiềm chế để rút lui trước, tránh những xô xát, hành hung có thể xảy ra.

Trong trường hợp, nếu đối tượng quá hung hãn, cục súc, hành động thiếu văn hóa, hễ va chạm là dừng xe lao vào hành hung, đấm đá, bóp cổ, bạt tai thì cần tìm cách né tránh hoặc thoát thân để hạn chế thương tổn cho bản thân. Sau đó nhờ sự can thiệt của lực lượng chức năng để giải quyết.

Thói côn đồ trong văn hóa ứng xử tham gia giao thông là điều có thể thay đổi được nếu mỗi cá nhân đều có ý thức chấp hành tốt các quy định pháp luật. Mỗi gia đình cũng đề cao việc nêu gương từ bố mẹ, người lớn trong chấp hành các quy tắc giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu cũng là góp phần hạn chế va chạm giao thông.

Với các cơ quan chức năng, thiết nghĩ, cần xử lý nghiêm các hành vi côn đồ, hung hãn trong va chạm giao thông. Nếu ở mức hình sự thì cần khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm minh để tạo sức răn đe, làm gương cho những người khác. Từ đó, tạo ra một môi trường giao thông văn minh, an toàn và thân thiện cho mọi người.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Khởi tố, tam giam 2 đối tượng chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông
Khởi tố, tam giam 2 đối tượng chống người thi hành công vụ khi tham gia giao thông

Ngày 27/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn) đã ra quyết định khởi tố hai vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 2 đối tượng gồm: Ngô Văn Linh (sinh năm 1998, trú tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), Nguyễn Văn Giang (sinh năm 1974, trú tại phường Nhân Hòa, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) về hành vi chống người thi hành công vụ, quy định tại Điều 330, Bộ Luật Hình sự. Các quyết định, lệnh đã được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN