Căng thẳng leo thang dọn đường cho cơ hội ngoại giao giải quyết vấn đề Triều Tiên?

Việc Mỹ nã tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria, triển khai đội tàu tấn công USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên, dội “bom mẹ” vào khủng bố ở Afghanistan đã khiến Bình Nhưỡng tin rằng khả năng Mỹ động binh là có thực và cơ hội ngoại giao có thể được mở ra.

Trong khi bán đảo Triều Tiên nóng như lửa, Triều Tiên vừa thử tên lửa thất bại và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có mặt tại Hàn Quốc, các chuyên gia nhận định người đứng đầu Nhà Trắng Donald Trump đang đứng trước cơ hội đàm phán mới với Triều Tiên.


Tuần qua, thế giới đứng ngồi không yên trước khả năng Triều Tiên thử hạt nhân để đáp lại các động thái từ Mỹ. Theo ông William J. Perry, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, tình hình leo thang trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay là nguy hiểm nhưng cũng có thể dọn đường cho một giải pháp ngoại giao mới và bày tỏ hi vọng chính quyền của ông Trump sẽ nhìn thấy và chớp lấy cơ hội.


Bài học từ hai cơ hội dang dở


Trong một bài viết đăng trên tờ Politico, ông Perry cho rằng trước hết cần phải hiểu những mối nguy hiểm mà Mỹ đang tìm cách giảm nhẹ. Mối nguy hiểm thực ra không phải là việc quân đội nhân dân Triều Tiên thực hiện một vụ tấn công hạt nhân bất ngờ như nhiều người nghĩ. Triều Tiên đủ khôn ngoan để không có hành động tự sát như vậy. Họ biết rằng nếu họ tấn công hạt nhân, Mỹ sẽ đáp trả và khiến họ bị hủy diệt.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên được truyền hình đưa tin. Ảnh: EPA/TTXVN

Thay vào đó, nguy hiểm thực sự nằm ở chỗ Triều Tiên có thể mạnh tay và khiêu khích Hàn Quốc phản ứng quân sự. Việc này có thể nhanh chóng dẫn tới một cuộc chiến rộng hơn mà Mỹ không thể không nhúng tay vào khi có gần 30.000 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc.


Trong trường hợp đó, theo ông Perry, Triều Tiên có thể sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, coi đây là động thái cuối cùng để duy trì chế độ và nhiệm vụ ngoại giao của Mỹ là phải ngăn chặn hậu quả thảm khốc.


Luận điểm trên của ông Perry được đưa ra dựa trên kinh nghiệm khi còn là bộ trưởng quốc phòng. Năm 1994, ông đảm nhiệm cương vị này dưới chính quyền của Tổng thống Bill Clinton, chịu trách nhiệm giám sát kế hoạch chi tiết một cuộc tấn công quân sự nhằm vào lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon của Triều Tiên để ngăn họ sản xuất plutonim được dùng trong chế tạo bom hạt nhân.


Lúc đó, Mỹ rất nghiêm túc với kế hoạch này và Triều Tiên biết điều đó. Kế hoạch này là một kiểu thực hành “ngoại giao cưỡng ép”, gặt hái được một thỏa thuận từ Triều Tiên là đồng ý đóng băng lò phản ứng trong thời gian đàm phán. Dù thỏa thuận được thực hiện dở dang nhưng cũng hiệu quả trong ngăn chặn đà tiến bộ về hạt nhân của Triều Tiên được một thời gian.


Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Clinton, sau khi ông Perry rời Lầu Năm góc, ông đã dẫn đầu một nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết lâu dài thế tiến thoái lưỡng nan về hạt nhân Triều Tiên. Với đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ đã thỏa thuận: bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên để đổi lại việc nước này từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân. Khi tưởng như sắp tới gần thỏa thuận, trong đó có cả kế hoạch thăm Bình Nhưỡng của ông Clinton, thì nhiệm kỳ của ông Clinton chấm dứt.


Tổng thống Mỹ George W. Bush sau đó đã từ bỏ kế hoạch ngoại giao của ông Clinton để thực hiện mô hình đối đầu hơn. Theo ông Perry, Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội vô giá đó. Hiện nay, Triều Tiên được cho là có từ 10 đến 20 quả bom hạt nhân và ông Perry nhận định đó là lý do rõ ràng tại sao ngoại giao, chứ không phải chiến tranh, mới là con đường đúng đắn.


Cơ hội cuối cùng?


Vậy tại sao hiện nay ngoại giao có thể thành công trong khi đã bất lực suốt 16 năm qua? Chiến dịch đàm phán của Mỹ trong giai đoạn đó chủ yếu dựa trên khuyến khích kinh tế và trừng phạt. Chiến lược này không hiệu quả, phần lớn vì Triều Tiên ngoài việc muốn cải thiện kinh tế còn muốn duy trì chế độ mà họ tin là cần phải có vũ khí hạt nhân chống lưng. Tất nhiên, họ hiểu rằng họ chỉ cần sở hữu hạt nhân mà không được sử dụng để tấn công nước khác.

Tình thế hiện nay có thể là cơ hội đàm phán ngoại giao cuối cùng của Mỹ với Triều Tiên. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong bối cảnh đó, Mỹ có thể sử dụng chiến lược đàm phán mới, cho phép Triều Tiên tồn tại mà không cần vũ khí hạt nhân và phải kèm theo các biện pháp ưu đã kinh tế mạnh hơn trước đây. Nhờ có hai diễn biến mới sau đây mà chiến lược này hiện nay có thể áp dụng và Triều Tiên có khả năng sẽ chấp nhận.


Thứ nhất là khả năng hợp tác toàn diện của Trung Quốc. Theo ông Perry, điều này không có nghĩa là Trung Quốc phải một mình chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề Triều Tiên, mà là Mỹ cần biến Trung Quốc thành đối tác toàn diện trong hoạch định, thực hiện cách tiếp cận mới. Trung Quốc là nước duy nhất có thể phong tỏa kinh tế Triều Tiên bằng cách ngừng hỗ trợ nhiên liệu, lương thực. Lâu nay, Trung Quốc không muốn điều đó nhưng những tháng gần đây, Trung Quốc đã có phần thay đổi, ví dụ như động thái ngừng nhập khẩu than Triều Tiên. Hơn nữa, mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên cũng ảnh hưởng xấu tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tăng khả năng Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân – điều mà Trung Quốc không muốn.


Thứ hai là Triều Tiên dường như đã đe dọa quá lời và Mỹ sẵn sàng động binh. Thời gian qua, Triều Tiên cho rằng những đe dọa hành động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc là sáo rỗng. Tuy nhiên, hành động ông Trump cho nã tên lửa hành trình Tomahawk vào Syria, triển khai đội tàu tấn công USS Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên, dội “bom mẹ” vào khủng bố ở Afghanistan đã khiến Triều Tiên nghĩ khác. Họ tin rằng khả năng Mỹ động binh là có thực.


Với hai điều kiện đó, Bình Nhưỡng dường như có khả năng sẽ chấp nhận đàm phán và chính quyền của ông Trump có thể chớp lấy cơ hội này mang lại hòa bình trên báo đảo Triều Tiên với một Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân.


Theo ông Perry, hiện nay chính là cơ hội để Mỹ thực hiện giải pháp ngoại giao thành công. Tuy nhiên, câu hỏi lớn là: Liệu chính quyền Mỹ có đủ khôn ngoan để chớp lấy cơ hội có thể là cuối cùng này không?


Thùy Dương/Báo Tin Tức
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tung thông điệp cứng rắn đối với Triều Tiên
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tung thông điệp cứng rắn đối với Triều Tiên

Trong chuyến thăm tới khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cảnh báo Triều Tiên về thời kỳ chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Mỹ đã chấm dứt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN