USS Carl Vinson tiến về bán đảo Triều Tiên
Tàu sân bay USS Carl Vinson lẽ ra đang trên đường tới Australia nhưng đã được điều chuyển hướng về phía bán đảo Triều Tiên.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. |
Đội tàu tấn công do USS Carl Vinson dẫn đầu gồm các tàu khu trục, tàu tuần dương và các đội bay (Carrier Air Wing). Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, ông Dave Benham, cho biết việc chuyển hướng USS Carl Vinson là để duy trì tính sẵn sàng và hiện diện ở Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo tạp chí National Interest, động thái này không chỉ phô trương lực lượng Mỹ, cảnh báo Triều Tiên chớ thử tên lửa, hạt nhân mà còn là động thái tập hợp các tài sản quân sự quan trọng và tăng cường khả năng chiến đấu ở gần bờ biển Triều Tiên.
USS Carl Vinson 97.000 tấn chạy bằng hai lò phản ứng hạt nhân và chở theo gần 100 máy bay, 5.000 thủy thủ. Các chiến đấu cơ F-18 Super Hornet có thể cất cánh từ tàu sân bay và phá hủy các mục tiêu cách bờ biển hàng trăm km.
Các tàu khu trục của Hải quân Mỹ đi theo hộ tống là USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy được trang bị công nghệ phòng thủ tên lửa radar Aegis có thể dò tìm và phá hủy các tên lửa đạn đạo tấn công từ biển. Tên lửa đánh chặn SM-3 của Hải quân Mỹ có thể phá hỏng các cuộc tấn công của kẻ địch từ trên không.
Để bổ sung lực lượng với Mỹ, Nhật Bản cũng đang chuẩn bị cử vài tàu chiến cùng với nhóm tàu USS Carl Vinson hướng tới bán đảo Triều Tiên để răn đe Triều Tiên.
Động thái điều tàu diễn ra trong bối cảnh giới chức Lầu Năm Góc cho biết đang xem xét rất nhiều kế hoạch hành động liên quan tới tình hình ở bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gần đây nói rằng Triều Tiên đang hành động một cách “rất liều lĩnh”. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ tự giải quyết vấn đề Triều Tiên. Việc Mỹ không kích Syria bằng hàng loạt tên lửa Tomahawk mới đây cũng là động thái cảnh báo quốc gia này.
Đặc công Triều Tiên tập trận rầm rộ
Trong khi đội tàu USS Carl Vinson rẽ sóng tiến về bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên đã phát một thông điệp mạnh mẽ phản ứng, tuyên bố sẽ đối phó với các hành động gây hấn liều lĩnh của Mỹ cho dù Mỹ dùng bất kỳ biện pháp gì. Tuyên bố của Triều Tiên có đoạn: “Chúng tôi sẽ làm cho Mỹ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hậu quả thảm khốc mà các hành động liều lĩnh của Mỹ gây ra”.
Song song với tuyên bố đáp trả cứng rắn, Triều Tiên còn tổ chức các cuộc tập trận rầm rộ có sự tham gia của lực lượng đặc công do đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong-un giám sát. Theo hãng thông tấn KCNA ngày 13/4, tập trận mô phỏng cuộc tấn công vào căn cứ tên lửa của kẻ thù và tấn công lực lượng đặc công nước ngoài.
Hình ảnh lực lượng Triều Tiên tập trận. |
Theo đó, các binh sĩ thuộc tiểu đoàn đặc công thuộc đơn vị 525 của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) cùng với lục quân, hải quân, không quân và lực lượng phòng không đã tham gia diễn tập. Mục tiêu là để giúp các binh sĩ có khả năng thực hiện nhuần nhuyễn bất kỳ nhiệm vụ đặc công nào trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào.
Cuộc diễn tập được thực hiện theo hai giai đoạn. Các binh sĩ được thả từ trên máy bay vận tải hạng nhẹ xuống rồi tấn công, phá hủy mục tiêu. Sau đó, các trung đoàn máy bay trực thăng chiến đấu đã cho nổ tung một mục tiêu giả định của kẻ thù.
Trong tập trận, lực lượng Triều Tiên cũng diễn tập xâm nhập từ phía sau kẻ địch, phá hủy mục tiêu và bắn đạn thật. Họ cũng kiểm tra khả năng tấn công của các trung đoàn máy bay trực thăng chiến đấu dưới sự chỉ huy của lực lượng tấn công. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra hài lòng khi quan sát “các chiến binh dũng cảm cho nổ tung mục tiêu kẻ thù không thương tiếc”.
Kênh CNN dẫn lời ông Kim Dong-yub, giáo sư Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam: “Trong bối cảnh đội tàu tấn công USS Carl Vinson đang tiến tới bán đảo Triều Tiên và việc Mỹ đề cập tới tấn công phủ đầu Triều Tiên, nước này đã gửi thông điệp rằng họ có thể đương đầu với Mỹ và Hàn Quốc mà vẫn không phải cúi đầu”.
Theo ông Kim Min-seok, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc, việc Triều Tiên giả định tấn công lực lượng đặc nhiệm của kẻ địch là điều bất thường vì đặc công thường không đối mặt với đặc công của kẻ thù. Theo ông, Triều Tiên đang có ý định phòng vệ trước bằng cách huy động đặc công trước khi bị tấn công phủ đầu.
Ngoài việc tập trận, Triều Tiên còn bóng gió về một “sự kiện to lớn và quan trọng” vào ngày 15/4 – ngày sinh của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Cảnh báo này khiến dư luận đồn đoán trong bối cảnh có thông tin khu vực thử hạt nhân của Triều Tiên đã sẵn sàng và 25% dân số Bình Nhưỡng (600.000 người) đã được sơ tán.
Trung Quốc điều 25.000 binh sĩ tới biên giới
Khi tàu sân bay Mỹ áp sát và Triều Tiên dường như chuẩn bị cho một sự kiện trọng đại, Trung Quốc đã nhanh chóng điều thêm 25.000 binh sĩ tới biên giới với Triều Tiên. Nước này cũng đặt quân đội toàn quốc trong tình trạng báo động khi căng thẳng Triều Tiên – Mỹ gia tăng.
Theo tờ Express (Anh), toàn bộ năm chiến khu đã được Bắc Kinh ra lệnh phải duy trì tình trạng sẵn sàng cho khả năng xung đột dọc biên giới Triều Tiên.
Các lữ đoàn bộ binh thiết giáp và cơ giới ở Sơn Đông, Chiết Giang và Vân Nam cũng nhận được lệnh tương tự.
Ông Tập Cận Bình (phải) kêu gọi ông Trump giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình. |
Các binh sĩ được triển khai từ Trung Quốc tới bán đảo Triều Tiên thuộc Lữ đoàn Thiết giáp số 9.
Động thái điều binh của Trung Quốc diễn ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình có chuyến thăm Mỹ và gặp Tổng thống Donald Trump ngày 6-7/4 vừa qua.
Ông Trump hôm 13/4 cho biết ông tin rằng Trung Quốc sẽ kiềm chế Triều Tiên, đồng thời gia tăng áp lực với nước này để sử dụng ảnh hưởng với Triều Tiên trong bối cảnh Triều Tiên có thể thử hạt nhân lần thứ 6.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với ông Trump ngày 12/4, tức chỉ bốn ngày sau khi vừa gặp ông Trump ở Mỹ, ông Tập Cận Bình đã kêu gọi giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.