Điều tàu Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên - Mũi tên trúng hai đích?

Động thái phái cụm tàu tấn công chủ lực do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu tới vùng gần bán đảo Triều Tiên cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có dấu hiệu thay đổi trong chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tại thời điểm này, cụm tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu của Hải quân Mỹ lẽ ra đang trên đường từ Singapore tới Australia nhưng lại được chuyển hướng tới bán đảo Triều Tiên.


Ngày 16/4, cùng thời điểm tàu USS Carl Vinson tới đích, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ hạ cánh xuống sân bay Seoul của Hàn Quốc để bắt đầu chuyến thăm 10 ngày tới châu Á.

Tàu USS Carl Vinson của Mỹ trên Thái Bình Dương ngày 30/1.

Qua các động thái trên có thể thấy chiến lược của Tổng thống Trump để đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo Triều Tiên đang dần hình thành.


Thông điệp tới Trung Quốc


Trước tiên, cần phải lưu ý tới mặt trái của việc chuyển hướng cụm tàu tấn công từ Australia sang bán đảo Triều Tiên. Hành động này có nghĩa là Mỹ bỏ trạm dừng chân Australia như đã dự định. Australia là một đồng minh hàng đầu mà Mỹ muốn mở rộng sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương. Đưa một đội tàu sân bay tới Australia là một cách tốt để hỗ trợ thúc đẩy nghị trình đó. Khi đưa đội tàu Carl Vinson tới Australia, Hải quân Mỹ sẽ phô trương được lực lượng với nước ngoài.


Vì thế, khi đổi hướng Carl Vinson sang bán đảo Triều Tiên, Mỹ phải chấp nhận cái giá về mặt ngoại giao và tài chính vì điều tàu Carl Vinson tới Australia không chỉ đơn giản là phô trương lực lượng có tính toán.


Hành trình của Carl Vinson tới bán đảo Triều Tiên có nghĩa là Mỹ “đi ngang” một vùng biển “thú vị”. Tuyến đường đi hiệu quả nhất là đi trực tiếp qua khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông.


Tại đây, Trung Quốc coi việc quân sự hóa các đảo là cách để kiểm soát dòng thương mại khu vực và để lấn át các nước có tranh chấp chủ quyền.


Do đó, việc một nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ đi ngang qua vùng biển này sẽ chọc giận Trung Quốc.


Ông Trump, hay ít nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster, hiểu điều này. Thông điệp mà họ “nhờ” cụm tàu này gửi đến Trung Quốc là: “Gây áp lực với Triều Tiên bằng biện pháp chính trị hoặc kinh tế, nếu không Mỹ sẽ khiến anh phải tức giận”.


Theo tạp chí National Review, đây là một động thái khôn ngoan của Mỹ và Mỹ có thể biết Trung Quốc có ý đồ địa chiến lược gì. Trung Quốc cho rằng cần đặt mọi thứ lên bàn đàm phán nhưng nước này cũng cần sự tôn trọng.


Do đó, đổi hướng tàu USS Carl Vinson là một “cây gậy” mà ông Trump đưa ra cùng “củ cà rốt” là cuộc tiếp đón nồng ấm Chủ tịch Tập Cận Bình ở Mỹ tuần trước.


Sẵn sàng đối phó Triều Tiên


Tuy nhiên, theo National Review, việc điều tàu USS Carl Vinson không chỉ là để gửi thông điệp cho Trung Quốc mà còn là để tăng cường năng lực quân sự Mỹ trước vấn đề Triều Tiên.


Cụm tàu này giúp Mỹ bổ sung thêm năng lực tấn công cho các "tài sản" quân sự đáng kể mà Mỹ đã có sẵn trong khu vực, như phi đội máy bay ném bom B-1 đã được triển khai tới đảo Guam và phi đội máy bay chiến đấu đa chức năng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.


Thêm nữa, Hải quân Mỹ cũng có các tàu sân bay khác có thể được triển khai tới bán đảo Triều Tiên trong thời gian ngắn như tàu sân bay USS Nimitz hay USS Ronald Reagan.


Khi đi về phía bắc, tàu USS Carl Vinson sẽ thuộc bộ tư lệnh hạm đội 3. Điều này là quan trọng vì hạm đội 3 (trụ sở ở San Diego, Mỹ) thường chỉ hoạt động ở phía đông Đường Đổi ngày Quốc tế. Còn hạm đội 7 (trụ sở ở Yokosuka, Nhật Bản) hoạt động ở khu vực phía tây đường này.


Điều này cho thấy việc chuyển hướng của Carl Vinson có thể nhằm một mục đích nữa là nhấn mạnh tầm quan trọng của hạm đội 3 với Trung Quốc và Triều Tiên.


Trong trường hợp xảy ra xung đột ở Nam Thái Bình Dương, tàu Carl Vinson sẽ có tác dụng tức thì. Nói vậy không có nghĩa là sắp có xung động vì hai lý do.


Thứ nhất, cụm tàu sân bay trực chiến của Hải quân Mỹ do USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu vẫn ở Đại Tây Dương. Thứ hai, chính quyền Trump phải hiểu rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm làm suy yếu hoặc hủy diệt năng lực tên lửa đạn đạo của Triều Tiên sẽ khiến Triều Tiên trả đũa nhằm vào Hàn Quốc.


Do đó, biện pháp ngoại giao vẫn là yếu tố mấu chốt. Trong trường hợp hiện nay, Mỹ vẫn thể hiện sức mạnh ngoại giao thông qua vũ khí. Điều ẩn ý là Lầu Năm Góc đang tạo cho ông Trump thêm nhiều lựa chọn về vấn đề Triều Tiên – một vấn đề từ lâu đã cần Mỹ phải phản ứng theo cách mới. Phản ứng này dường như đang dần hình thành trong bối cảnh hiện nay.


Thùy Dương/Báo Tin Tức
96% tên lửa hạt nhân của Nga sẵn sàng chiến đấu
96% tên lửa hạt nhân của Nga sẵn sàng chiến đấu

99% các bệ phóng thuộc đơn vị phóng tên lửa chiến lược Nga (RSMF) đang ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, 96% trong số đó sẵn sàng phóng tên lửa bất kỳ lúc nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN