Thừa Thiên - Huế: Sức mua chậm, thị trường Tết kém sôi động

Khoảng ba tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng không khí thị trường hàng hóa tại Thừa Thiên - Huế lại khá ảm đạm, thưa thớt người mua sắm. Tiểu thương và các nhà cung cấp đang trông chờ sức mua nhộn nhịp của người dân vào tuần cao điểm trước Tết.

Chú thích ảnh
Khách hàng mua sắm Tết tại các siêu thị Thừa Thiên - Huế. 

Khách hàng thưa vắng

Dạo quanh các khu vực quầy hàng bánh kẹo của chợ Đông Ba (thành phố Huế), các tiểu thương đang tất bật cân đo, đóng gói các loại hạt, bánh mứt Tết sẵn sàng đón khách đến mua sắm. Trên những sạp hàng, bánh kẹo, socola, trái cây sấy, mứt đã được bày bán dồi dào. Sản phẩm bánh kẹo được đóng gói bắt mắt trong khi nhiều loại mứt có màu sắc nổi bật, thu hút.

Tuy nhiên, không khí Tết vẫn chưa thấy rõ dù nơi đây vốn được biết đến như một nơi mua sắm thân quen của nhiều gia đình xứ Huế. Chủ yếu khách đến chợ là du khách tham quan và mua quà lưu niệm. Những đơn hàng sỉ, đi xa chỉ lác đác được “chốt” ở một số quầy hàng thực phẩm, bánh kẹo.

Cầm trên tay những túi kẹo nhỏ vừa mua được, cô Trần Thị Như Ngọc, trú phường Vỹ Dạ, thành phố Huế cho hay, như mọi năm cô cùng bạn đến chợ Đông Ba dịp cuối năm để mua sắm chuẩn bị Tết vì hàng hóa ở đây không chỉ phong phú mà giá cả lại phải chăng, tốt hơn nhiều nơi. Năm nay, các loại bánh kẹo có mẫu mã tương đối giống mọi năm, người mua sắm đến nay vẫn chưa nhiều.

Các sản phẩm trang trí nhà cửa độc đáo, ấn tượng có lượng tiêu thụ tương đối tốt dịp này. Chuyên buôn bán các mặt hàng phục vụ trang trí bàn thờ nhiều năm tại chợ, tiểu thương Lê Thị Hồng chia sẻ, từ tháng 10 Âm lịch, chị đã nhập thêm các mặt hàng trang trí Tết như hoa giả, móc dây treo, tháp tỏi và tượng Thần Tài, ông Địa... Giá thành mặt bằng chung năm nay giữ nguyên hoặc mềm hơn so với mọi năm nên hàng bán tương đối "chạy". Sản phẩm đa dạng mẫu mã, người dân có thể thỏa sức lên ý tưởng trang hoàng, làm mới không gian nhà ở đón Tết.

Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba Lê Thị Kim Chi cho hay, hiện nay chợ đang gấp rút trang trí cổng chợ, chỉnh trang cơ sở vật chất để tạo không khí mua sắm tươi vui cho du khách. Các tiểu thương đã chuẩn bị đa dạng, dồi dào các mặt hàng Tết như thực phẩm khô, nhu yếu phẩm, áo quần thời trang, bánh kẹo. Tuy nhiên, sức mua mặt hàng thời trang còn yếu vì người dân có xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều. Hy vọng những ngày cận Tết khi người dân có thời gian nghỉ, không khí mua sắm sẽ sôi động hơn.

Tại siêu thị Co.opmart Huế, các hộp quà, giỏ quà Tết với mức giá từ dưới 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đã được sắp xếp trên những kệ hàng. Bánh kẹo, nước giải khát được “thay áo” bằng nhiều mẫu mã thiết kế đẹp mắt, mang sắc Xuân. Siêu thị cũng đã tung ra đa dạng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn xuyên suốt dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo bà Dương Thị Tuất, Giám đốc siêu thị Co.opmart Huế, dịp Tết này siêu thị đã tăng 30-50% nguồn hàng dự trữ các mặt hàng khô, thực phẩm đông lạnh so với cùng kỳ năm 2023. Các sản phẩm được đảm bảo an toàn chất lượng, bình ổn giá cả. Nhiều mặt hàng được áp dụng khuyến mãi, giảm giá sâu đồng thời siêu thị cũng miễn phí đóng gói, giao hàng cho những đơn hàng lớn trên địa bàn. Thế nhưng, dù đã bước vào mùa mua sắm Tết nhưng lượng khách mua sắm còn vắng và không khác gì thường ngày.

Thay đổi thói quen

Chú thích ảnh
Nhiều giỏ quà Tết được bày bán tại siêu thị Co.opmart Huế. 

Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường Tết tại các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ truyền thống Thừa Thiên - Huế năm nay trầm lắng; trong đó, nguyên nhân chính là người dân đang cố gắng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhu cầu và thói quen mua sắm Tết của các gia đình đã có nhiều thay đổi theo hướng dè dặt, thông minh hơn; chỉ lựa chọn những sản phẩm uy tín, giá cả hợp lý.

Bà Trần Thị Ngọc, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế tiết lộ những dự định mua sắm dịp Tết này của gia đình chỉ loanh quanh một ít loại bánh kẹo, hạt, mứt và vài chậu hoa tươi đặt trong nhà để có không khí Tết. Bởi thu nhập năm nay của gia đình không dư giả và mọi người sẽ tập trung thời gian nghỉ dưỡng, du lịch cùng nhau thay vì ở nhà đón khách đến chúc Tết như mọi năm.

Các lễ cúng dịp Tết Nguyên đán ngày càng được người dân Huế tinh giản, rút gọn. Bên cạnh đó, dưới tác động nghiêm khắc của các chế tài phạt vi phạm nồng độ cồn, nhiều mặt hàng như rượu bia, đồ cúng không còn được nhiều người mua sắm, dự trữ như trước.

“Trước đây, mọi người thường tiết kiệm để cuối năm mua sắm, sửa sang nhà cửa nhưng nay những công việc này đã được phân bổ, thực hiện trải dài trong năm mỗi khi cần thiết. Do đó, mọi người không còn tập trung chi tiêu mỗi độ Tết đến Xuân về nữa để tránh tạo áp lực cho những ngày cuối năm” - bà Nguyễn Thị Oanh, phường An Đông, thành phố Huế lý giải.

Kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung ứng, bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của tỉnh Thừa Thiên - Huế tập trung nhiều nội dung; trong đó, khuyến khích doanh nghiệp, nhà phân phối lớn mở rộng mạng lưới phân phối hàng Việt nhằm cung ứng các mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý đến người tiêu dùng.

Điển hình, tại siêu thị Co.opmart Huế, nhu cầu mua sắm giỏ quà Tết hiện chưa cao tuy nhiên những phần quà, hộp quà bình dân (dưới 500.000 đồng) lại đang hút khách. Nhân viên siêu thị những ngày nay phải tất bật đóng gói, chuẩn bị hàng trăm phần quà đặt hàng từ doanh nghiệp, khu công nghiệp và tổ chức trên địa bàn tỉnh để tặng Tết người lao động. Trong mỗi phần quà tập trung lựa chọn các mặt hàng hướng vào giá thành hợp lý, giá trị thiết thực đối với người tiêu dùng như nông sản, bánh mứt, nhu yếu phẩm nội địa.

Bà Dương Thị Tuất, Giám đốc siêu thị Co.opmart Huế cho rằng, tuy chưa phải là thời gian cao điểm mua sắm Tết của người dân nhưng dự đoán nhu cầu mua sắm sẽ tăng mạnh vào 2 tuần cuối cùng của năm, lúc người dân từ xa về quê ăn Tết. Lúc đó, siêu thị sẽ tiếp tục tăng cường lượng hàng hóa, đa dạng các mặt hàng cùng những chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm của bà con.

Trước tình hình sức mua chậm, hầu hết đơn vị bán lẻ, tiểu thương và đại lý ở Thừa Thiên - Huế vẫn đang nhập hàng và tung sản phẩm ra thị trường một cách dè chừng. Tuy nhiên, mọi người đều rất trông chờ sự sôi động của thị trường Tết vào những ngày cận kề năm mới khi đó là thời điểm mà người dân, lao động bắt đầu được nhận lương thưởng.

Bài, ảnh: Mai Trang (TTXVN)
Tất bật chuẩn bị thủy, hải sản khô phục vụ thị trường Tết
Tất bật chuẩn bị thủy, hải sản khô phục vụ thị trường Tết

Tỉnh Kiên Giang có hơn 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cá khô, tôm khô, mắm cá đồng, tôm chao các loại với sản lượng cung ứng ra thị trường hơn 1.700 tấn/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN