Là hội chợ chuyên ngành lớn nhất châu Á được tổ chức 2 năm/lần, FHA 2016 đã thu hút được các doanh nghiệp đến từ hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia trưng bày với hơn 3.000 gian hàng.
Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ FHA 2016. |
Ban tổ chức cho biết khoảng 68.000 khách tham quan, chủ yếu là thương gia, đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã đăng kí tham gia khảo sát cũng như tham quan hội chợ lần này. Các doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia FHA 2016 trong gian hàng chung do Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore hỗ trợ.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Việt Chi, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, cho biết FHA 216 là một cơ hội tốt để doanh nghiệp trong nước được trực tiếp tham gia một hội chợ chuyên ngành lớn nhất khu vực, cũng như trực tiếp trao đổi, đàm phán, kí kết, tìm đối tác là nhà nhập khẩu, phân phối lớn trong khu vực, đồng thời tiếp cận với công nghệ, máy móc, thiết bị gia công chế biến thực phẩm và thị hiếu tiêu dùng của khu vực trong thời gian tới.
Với việc Việt Nam đều là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh việc nhận thức rõ lợi ích và cơ hội mà hai hiệp định trên mang lại, đặc biệt với các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước tham dự hội chợ cũng cho rằng bản thân họ cũng cần phải tích cực giải quyết những khó khăn, thách thức để có thể phát huy tiềm năng.
Ông Vương Thành Long, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Nông nghiệp Hùng Hậu hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, cho biết, khó khăn chung khi hội nhập quốc tế với doanh nghiệp Việt Nam chính là “buôn có bạn, bán có phường”. Có thể thấy rất rõ doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự gắn kết, hợp tác với nhau khi tiến ra thị trường nước ngoài.
Ngoài ra, sự cạnh tranh về giá của chính các doanh nghiệp trong nước cũng không tạo ra được một nền tảng tốt để phát triển ra bên ngoài. Trong khi đó, ông Trần Tấn Thiện - Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Hello5, cho rằng hiện nay không còn là thời của “hữu xạ tự nhiên hương” nữa, mà bản thân các doanh nghiệp cần phải tích cực hội nhập hơn, chủ động tham gia các hội chợ quốc tế để tìm kiếm khách hàng mới.
Với những ngành xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế như cà phê, gạo hay thủy sản, bản thân doanh nghiệp cũng cần phát huy hơn nữa việc nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới - những sản phẩm có thể chinh phục được những thị trường khó tính, như Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Singapore, ngành hàng lương thực, thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Singapore trong năm 2015 đạt 320 triệu USD, chiếm khoảng 4% thị phần nhập khẩu lương thực của nước này, qua đó cho thấy tiềm năng mở rộng xuất khẩu của nhóm ngành hàng đến Singapore cũng như từ thị trường trung chuyển này để tới các nước khác trong khu vực và thế giới, vẫn còn khá lớn.