Vụ trộm ngân hàng thế kỷ - Kỳ 1: Đột nhập 'pháo đài' với 2 tấn dụng cụ, phá 300 két sắt

Đây không chỉ là vụ trộm ngân hàng gây tổn thất nhất trong lịch sử nước Pháp, mà còn là vụ trộm ngoạn mục nhất.

Chú thích ảnh
Khách hàng lo lắng bên ngoài ngân hàng Société Générale ở Nice sau vụ trộm thế kỷ năm 1976. Ảnh: AFP/Getty Images

Đó là vào sáng thứ Hai, ngày 19/7/1976, cửa hầm tiền không mở được, ngân hàng không có tiền mặt. Đám đông người gửi tiền chờ đợi mỗi lúc một sốt ruột. Các lãnh đạo ngân hàng giải thích rằng cửa đã từng bị mắc kẹt trước đó và sẽ được giải quyết trong giây lát. Nhưng không phải vậy.

Theo tờ New York Times, ngân hàng nằm đối diện với Đại lộ Jean Médecin, con phố chính của Nice (thành phố ở đông nam Pháp), là một pháo đài hùng vĩ. Đó là chi nhánh chính Riviera của "người khổng lồ" Société Générale, chiếm một nửa chiều dài và nửa chiều rộng của cả khu phố.

Đến 10 giờ sáng, các chuyên gia từ nhà sản xuất két sắt Fichet‐Bauche vẫn đang xử lý cánh cửa thép khổng lồ, nhưng ổ khóa vẫn bị kẹt. Phía trên lầu, cơn giận dữ bắt đầu bùng lên. Đến trưa, người ta quyết định phá cửa bên cạnh và khắc phục sự cố từ phía bên trong. Khoan búa được huy động. Đến 3 giờ chiều, một lỗ hổng nhỏ cuối cùng cũng mở ra. Những người thợ ngó vào.

Chỉ trong vòng 15 phút, ngân hàng tràn ngập cảnh sát, bao gồm các quan chức thực thi pháp luật quan trọng ở Nice. Lần lượt từng người nhìn vào lỗ hổng để quan sát hầm tiền. Ở đó, cửa an toàn mở toang. Lưới thép đã bị cắt thành từng mảnh. Sàn nhà phủ đầy những tập giấy dày tới hơn chục cm, tất cả đều có giá trị, như séc chưa hủy, trái phiếu không ghi tên, cổ phiếu, sổ ngân hàng, di chúc... Lấp ló trong bãi giấy tờ đó lộ ra những công cụ đầy bùn đất: xà beng, đục, khoan, kích thủy lực, 6 mỏ hàn, rìu, búa khoan, 27 bình acetylen, tổng cộng nặng khoảng 2 tấn.

Cảnh tượng giống như họ đang nhìn vào một phòng tiệc sau khi những người sành ăn về nhà đi ngủ. Bữa tiệc, nhìn từ những gì còn sót lại, thật "tuyệt vời".

Chú thích ảnh
Cảnh tượng bên trong kho tiền sau khi bị nhóm trộm càn quét, bên phải là lỗ hổng từ đường hầm. Ảnh: Societegenerale

Thám tử Pierre Lecoq, người đàn ông nhỏ nhắn nhất có mặt, được yêu cầu lách qua lỗ hổng. Một lúc sau, Lecoq vào được bên trong hầm chỉ với chiếc quần đùi; tay lăm lăm khẩu súng giữa khoảng không. Nhưng những tên trộm đã biến mất. Sau đó người ta xác định rằng, tài sản trị giá khoảng 10 triệu USD, phần lớn là tiền mặt, số còn lại là vàng thỏi và đồ trang sức đặt trong 317 két sắc an toàn đã bị toán trộm cắt mở.

Đây không chỉ là vụ cướp ngân hàng gây tổn thất nhất trong lịch sử nước Pháp đến khi đó, mà còn là vụ cướp "nghệ thuật" nhất. Khi Lecoq chui vào trong hầm tiền, anh ta phát hiện ra khóa cửa hầm tiền không bị lỗi, cánh cửa đã được hàn đóng lại từ bên trong. Giọng Lecoq đột ngột cao the thé vì kinh ngạc. Anh ta nhìn thấy một đường hầm, một chiếc bếp di động, cùng với bao bì thực phẩm rỗng và xoong nồi bẩn thỉu - những tên kẻ trộm đã nấu những bữa ăn nóng sốt ở đây! Nhìn kìa, vỏ bánh mì cũ, và những chai rượu rỗng. Bọn chúng chắc đã làm việc và ăn ngủ ở đây suốt cả cuối tuần.

Cuối cùng, các mối hàn bị phá bỏ, cánh cửa hầm nặng nề mở ra không một tiếng động. Các sĩ quan cảnh sát kiểm tra loạt két sắt, miệng hầm bị cháy xém, căn hầm bị cướp phá. Các tài liệu xô xệch như những chiếc lá dưới đế giày của họ. Lặng đi một lúc, không ai cử động hay nói năng, tâm trạng gần như sợ hãi. Những viên cảnh sát này đã có mặt ở hàng trăm hiện trường vụ án, nhưng chưa bao giờ như thế này. Điều kỳ diệu ở đây là "công nghệ" đột nhập, nó như một phép lạ.

Họ nhìn chằm chằm dòng chữ nguệch ngoạc đầy chế nhạo trên tường: “Không Vũ khí, Không Bạo lực, Không Thù hận".

Chú thích ảnh
Dòng chữ nhóm trộm để lại trên tường. Ảnh từ bộ phim "The easy way" (tựa Pháp: "Sans arme, ni haine, ni violence" - Không vũ khí, không bạo lực, không thù hận) tái hiện "vụ trộm thế kỷ" ở Nice

Trong kho tiền, cảnh sát có nhiều khám phá mới. Ba mươi ký đồ trang sức vương vãi được thu gom lại: mặt dây chuyền, trâm cài, một chiếc nhẫn hồng ngọc lộng lẫy. Rõ ràng là bọn cướp đã không lấy đi bất cứ thứ gì có thể bị cảnh sát lần ra, dù thứ đó giá trị đến đâu. Có hàng tá vòng cổ ngọc trai trong một cái bao tải mà chắc hẳn bọn chúng chỉ quyết định bỏ lại vào giây phút cuối cùng.

Một thám tử đá phải một cọc tiền 50.000 franc. Chắc nó đã rơi xuống sàn và bị lẫn giữa đống tài liệu. Hoặc là tên cướp xử lý bao tiền đã không chú ý, hoặc hắn không bận tâm!

Các nhà chức trách tập trung vào đường hầm. Được đục xuyên qua 45 cm bê tông cốt thép, nó rộng hơn 70cm và cao khoảng 60cm, với một "cái miệng" lởm chởm. Cảnh sát rọi đèn pin vào "cái miệng" này, và xuống "cổ họng" tối dần của đường hầm

Một thám tử được cử vào đường hầm. Những gì anh nhìn thấy là một "kiệt tác" xây dựng. Mặc dù chỉ đủ lớn để một người đàn ông có thể bò qua, chứ đừng nói đến việc kéo hai tấn thiết bị đi qua, nhưng đường hầm dài hơn 9 mét, và cứ cách vài mét lại được chống đỡ bằng các cọc kim loại hoặc gỗ, một số cọc bằng xi măng. Có nơi thành hầm cũng được trát xi măng nhẵn nhụi. Một ống thông gió đường kính 15cm đã mang không khí trong lành vào. Chưa hết, còn có một tấm thảm cocomat trên sàn và một dây cáp điện dài.

Đúng như dự đoán, đường hầm nối với đường trục cống ở giữa phố Deloye, phía sau ngân hàng. Các thám tử đã dành phần lớn thời gian trong 10 ngày tiếp theo để đi lang thang trong đường cống.

Sau khi cảnh sát ở trong ngân hàng được một tiếng kể từ khi vụ trộm được phát hiện, tâm trạng đã thay đổi từ sợ hãi sang u ám. Một thám tử nhận thấy vấn đề không phải về manh mối mà về khối lượng công việc cần phải làm. Đầu tiên, mọi vật dụng trong mỗi căn phòng chắc chắn phải được lập danh mục - mọi công cụ, mọi đồ trang sức, mọi tài liệu trên sàn. (Chỉ riêng việc này, 12 thám tử đã mất bốn ngày.) Các kỹ thuật viên sẽ phải phủi bụi trên mọi bề mặt để lấy dấu vân tay, mặc dù nếu xét qua tất cả những chiếc găng tay dính đầy bùn đất bị bỏ lại, điều này có thể vô ích.

Chú thích ảnh
Một thùng axetylen được kéo lên từ cống trong vụ trộm ở Nice. Ảnh: AFP/Getty Images

Có 4.000 ngăn tủ khóa. Điều đó có nghĩa là cần phải phỏng vấn 4.000 người và kiểm tra lý lịch của hàng chục người trong số họ. Từng nhân viên hiện tại và trước đây của ngân hàng, tổng cộng hàng trăm người cũng phải được kiểm tra, vì một điều chắc chắn là bọn cướp đã biết rất rõ về những căn phòng kiên cố này. Mỗi người trong số khoảng 900 thám tử của Nice được lệnh liên lạc với từng người cung cấp thông tin địa phương của mình và yêu cầu: Các anh đã nghe ngóng được gì? Tất cả các đội hiến binh ở mọi ngôi làng xa xôi cũng phải giương ăng-ten: Các anh có nhận thấy bất cứ điều gì bất thường trong những tuần gần đây không?

Gốc gác của 27 bình acetylen sẽ phải được truy tìm. Dây điện cũng vậy. Người ta không bán được nửa dặm dây điện mỗi ngày, và bất cứ ai đã bán loại dây đặc biệt này sẽ phải được tìm ra, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải liên hệ với mọi đại lý đồ điện ở Pháp.

Xem tiếp Kỳ 2:  Giăng lưới tìm "Bộ não"

Thu Hằng/Báo Tin tức
Vụ trộm ngân hàng thế kỷ - Kỳ 3: Siêu trộm dưới vỏ bọc an toàn
Vụ trộm ngân hàng thế kỷ - Kỳ 3: Siêu trộm dưới vỏ bọc an toàn

Những người hàng xóm nói với các nhà điều tra rằng, Bert sẽ là người đàn ông cuối cùng trên thế giới cướp ngân hàng. Còn các thám tử khẳng định hắn là một tên tội phạm lạnh lùng, mưu mô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN