Phương pháp chính phủ Mỹ phân loại và xử lý các tài liệu mật

Tài liệu tối mật đã trở thành một hạng mục chính thức của chính phủ Mỹ vào năm 1951. Vậy chính phủ Mỹ phân loại và xử lý tài liệu mật với quy trình như thế nào?

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Vào thế kỷ 20, bí mật đồng nghĩa với “an ninh quốc gia” và nhằm mục đích giữ thông tin quân sự không rơi vào tay kẻ thù. Ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ áp dụng ba cấp độ “phân loại” nổi tiếng hiện nay: “Bảo mật”, “Bí mật” và “Tối mật”.

Ngày nay, các quan chức chính phủ Mỹ “sản xuất” đến 90 triệu tài liệu mật mỗi năm, tương đương ba tài liệu mỗi giây. Một phần nhỏ trong số đó và các tài liệu khác được dán nhãn “Tối mật” vì nếu bị rò rỉ, chúng có khả năng gây ra “thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng” cho an ninh quốc gia.

Phân loại độ mật

Khi Mỹ chuẩn bị bước vào Chiến tranh Thế giới thứ hai, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ban hành Sắc lệnh hành pháp 8381, quy định việc chụp ảnh hoặc phác họa bất kỳ tài liệu nào của quân đội Mỹ có nhãn “Bảo mật”, “Bí mật” hoặc “Bị hạn chế” là phạm tội.

Nhưng nỗ lực đầu tiên nhằm xác định công khai cách phân loại đó diễn ra vào năm 1951 với Sắc lệnh hành pháp 10290 của Tổng thống thứ 33 Harry Truman. Sắc lệnh bổ sung thêm danh mục thứ tư “Tối mật” và đặt ra một hệ thống rõ ràng để phân loại, dán nhãn và bảo vệ thông tin có độ nhạy cảm cao.

Theo Tổng thống Truman, việc phân loại “Tối mật” nên được giới hạn ở những tài liệu “rõ ràng yêu cầu mức độ bảo vệ cao nhất” và nếu bị tiết lộ trái phép “sẽ hoặc có thể gây ra mối nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia”.

Ngày nay, chỉ có ba cách phân loại tài liệu với “Hạn chế” đã bị bãi bỏ vào năm 1953. Cách phân loại được xác định dựa trên mức độ “thiệt hại” mà tài liệu có thể gây ra. Thông tin “Tối mật” “có thể gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia”. Thông tin “bí mật” “có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia”. Thông tin “bảo mật” “có thể gây thiệt hại cho an ninh quốc gia”.

Loại thông tin nào được phân loại?

Ông Larry Pfeiffer - cựu chánh văn phòng của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - cho biết tất cả các loại thông tin và tài liệu đều đáp ứng một trong những tiêu chuẩn trên. “Về cơ bản, tất cả đều tập trung vào thiệt hại có thể xảy ra đối với an ninh quốc gia nếu thông tin đó rơi vào tay những kẻ không nên biết”.

Theo ông Pfeiffer, hầu hết tài liệu mật xuất phát từ cộng đồng tình báo (FBI, CIA, NSA), “nhưng cũng có thông tin mật về thiết kế vũ khí, hoạt động ngoại giao và hoạt động của các quan chức cấp cao”. Vì vậy, không chỉ các cơ quan như FBI và CIA mới phân loại tài liệu mà Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng… cũng vậy.

Hiện có 1,3 triệu người Mỹ được cấp quyền truy cập tài liệu "Tối mật", bao gồm cả nhà thầu bên ngoài của Bộ Quốc phòng và các cơ quan khác. Nhưng cũng có những tài liệu “Tối mật” chỉ giới hạn ở hàng trăm, thậm chí hàng chục cá nhân được tiếp cận. Những tài liệu đó được đánh dấu bằng các nhãn bổ sung như “SI” - thông tin tình báo đặc biệt hoặc “SAP” -  chương trình truy cập đặc biệt.

Ông Pfeiffer hiện là giám đốc Trung tâm Tình báo, Chính sách và An ninh Quốc tế Michael V. Hayden tại Đại học George Mason, cho biết: “Những tài liệu đó thường có nguồn gốc từ các cá nhân đặc biệt nhạy cảm”.

Cá nhân có quyền phân loại tài liệu

Không phải tất cả mọi người trong chính phủ đều có quyền phân loại thông tin. Một số cá nhân có “quyền phân loại ban đầu” - được trao cho các quan chức cấp cao nhất trong các cơ quan và ban ngành của chính phủ. Sau đó, họ có thể ủy quyền quyền đó cho những người khác trong cơ quan.

Ông Jeffrey Fields, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam California, từng làm nhà phân tích ở cả Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng. Ông nhớ lại việc soạn thảo tài liệu cùng các đồng nghiệp và băn khoăn về mức độ mật của tài liệu đó. Ông nói: “Bạn không thể đưa ra quyết định đơn phương. Cần đến gặp những người có thẩm quyền phân loại trong cơ quan và họ sẽ quyết định”.

Tổng thống Mỹ có “quyền phân loại và giải mật tối cao”. Ông chủ Nhà Trắng cũng là người duy nhất có quyền truy cập vào tất cả các cấp độ tài liệu mật đồng thời là nhân vật có thể đơn phương quyết định tài liệu đó nên được gắn nhãn “Tối mật” hay được công khai.

Fields kể lại: “Ví dụ nổi bật nhất mà tôi có thể nghĩ đến là khi Tổng thống Barack Obama giải mật số lượng vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của Mỹ. Ông ấy quyết định đó là điều mà người dân Mỹ nên biết và muốn chứng tỏ rằng con số này đang giảm dần như một phần trong sáng kiến không phổ biến vũ khí hạt nhân của ông ấy”.

Xử lý tài liệu mật

Chú thích ảnh
Phòng Tình huống bên trong Nhà Trắng. Ảnh: AP

Để được cấp phép xem thông tin “Tối mật”, nhân viên tại các cơ quan chính phủ phải vượt qua quá trình kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng. Theo ông Pfeiffer, trường hợp ngoại lệ không cần kiểm tra lý lịch là tổng thống, phó tổng thống và các thành viên Quốc hội. Họ có quyền được tiếp cận tài liệu “Tối mật” bởi được người dân Mỹ bầu chọn.

Ông Fields cho biết các nhân viên có quyền truy cập tài liệu "Tối mật" cũng được đào tạo nhiều lần về cách xử lý thông tin một cách an toàn. Theo ông Fields, nó bao gồm cách lưu trữ tài liệu mật, làm thế nào để vận chuyển chúng, àm thế nào để tiêu hủy chúng. "Mọi người chắc chắn đều sợ xử lý sai hoặc vô tình để quên tài liệu ở đâu đó”, ông bộc bạch.

Để truy cập một tài liệu, hình ảnh hoặc phương tiện mật khác, các cá nhân cần phải ở bên trong cái được gọi là SCIF (Ngăn cơ sở thông tin nhạy cảm). Fields nói rằng khi CIA đến trình bày tóm tắt cho nhóm của ông về thông tin mật, họ sẽ đến một căn phòng an ninh trong tòa nhà được chỉ định là SCIF.

Phòng Tình huống là một SCIF trong Nhà Trắng, nơi tổng thống nhận thông tin tóm tắt hàng ngày từ CIA. Khi không sử dụng, các tài liệu mật phải được trả lại vào két an toàn hoặc tủ hồ sơ chống giả mạo đặc biệt.

Quá trình giải mật

Các tài liệu mật không thể mãi mãi nằm trong bóng tối, ngay cả với những thông tin “Tối mật”. Đơn vị phân loại ban đầu được cho sẽ đặt “ngày hết hạn” của thông tin với thời hạn tối đa là 25 năm cho những tài liệu nhạy cảm nhất. Ông Pfeiffer cho biết: “Chúng ta có hàng tỷ tỷ tài liệu mật, nhiều tài liệu trong số đó không cần phải mật nữa”.

Vấn đề là cần có người đọc từng trang tài liệu đó để xác định xem chúng có đủ an toàn để công khai hay không. Nhiệm vụ khó khăn đó thuộc về Trung tâm Giải mật Quốc gia, đặt tại Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ

Các nhân viên tại đây đang giải quyết hồ sơ tồn đọng 400 triệu trang chỉ gồm các tài liệu từ 25 năm trở lên. Theo một phân tích, ngân sách dành cho việc giải mật các tài liệu tương đương với 1% số tiền dành cho việc giữ bí mật của chính phủ.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo History)
Lịch sử 60 năm của 'điện thoại đỏ' - đường dây nóng kết nối Nga và Mỹ
Lịch sử 60 năm của 'điện thoại đỏ' - đường dây nóng kết nối Nga và Mỹ

Cách đây tròn 60 năm, đường dây nóng do Mỹ và Liên Xô thiết lập, nhằm giảm thiểu rủi ro hạt nhân và thúc đẩy liên lạc song phương, đã đi vào hoạt động. Đài Sputnik (Nga) đã tái hiện lại lịch sử của chiếc chiếc “Điện thoại đỏ” nổi tiếng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN