Số phận những công dân Mỹ từng bị giam giữ tại Triều Tiên

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ có đăng cảnh báo: “Không du lịch đến Triều Tiên do nguy cơ tiếp diễn công dân Mỹ bị bắt và giam giữ lâu dài. Chính phủ Mỹ không thể cung cấp dịch vụ khẩn cấp cho công dân Mỹ ở Triều Tiên”. Tuy nhiên, kể từ năm 1996, nhiều công dân Mỹ đã bị giam giữ ở Triều Tiên, trong số này có khách du lịch, học giả và nhà báo.

Chú thích ảnh
Ranh giới giữa hai miền Triều Tiên. Ảnh: Anh Nguyên - PV TTXVN tại Hàn Quốc

Vào tháng 7/2017, chính phủ Mỹ đã cấm công dân nước này du lịch Triều Tiên và lệnh cấm được gia hạn cho đến ít nhất là tháng 8 năm nay.

Theo hãng tin Yonhap, ngày 18/7, Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu cho biết một công dân Mỹ đã vượt qua ranh giới quân sự ngăn cách Hàn Quốc và Triều Tiên mà không được sự cho phép.

Quân đội Mỹ sau đó cho biết danh tính nhân vật này là binh nhì Travis King. Anh ta đã vượt biên vào Triều Tiên khi tham gia chuyến tham quan Khu vực an ninh chung ở Khu phi quân sự (DMZ). Người phát ngôn của Lực lượng quân đội Mỹ tại Hàn Quốc cho biết họ tin rằng Travis King đang bị bắt giữ tại Triều Tiên.

Dưới đây là một số vụ việc đáng chú ý về số phận các công dân Mỹ bị bắt giữ tại Triều Tiên trong thập niên qua.

Otto Warmbier, 2016

Chú thích ảnh
Công dân Mỹ Otto Warmbier. Ảnh: AP

Một sinh viên Đại học Virginia (Mỹ) có tên Otto Warmbier đã bị bắt khi đang du lịch Triều Tiên vào tháng 1/2016. Chuyến thăm do một nhà điều hành tour du lịch bình dân có trụ sở tại Trung Quốc tổ chức. Đây là chuyến du lịch 5 ngày trải nghiệm Triều Tiên trong khoảng thời gian giao thừa. Cha của Otto Warmbier chia sẻ với tờ Washington Post rằng con trai ông khi đó tò mò về văn hóa và “muốn gặp người dân Triều Tiên”.

Hai tháng sau khi Otto Warmbier bị giam giữ, một tòa án tại Triều Tiên đã kết án anh ta 15 năm tù lao động khổ sai với tội danh cố gắng ăn cắp tấm áp phích tuyên truyền. Không lâu sau đó, Otto Warmbier bị chấn thương thần kinh chưa rõ nguyên nhân. Anh ta được trả tự do trong tình trạng bệnh nặng, 17 tháng sau khi bị bắt. Otto Warmbier qua đời trong bệnh viện sáu ngày sau khi trở về Mỹ vào tháng 6/2017.

Một tòa án liên bang sau đó đã tuyên bố Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về hành vi tra tấn và cái chết của Otto Warmbier.

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố Otto Warmbier đã được chăm sóc y tế "với tất cả sự chân thành" tại nước này. KCNA tuyên bố rằng Triều Tiên là "nạn nhân lớn nhất" từ cái chết của của Otto Warmbier và "chiến dịch bôi nhọ" sau đó của Mỹ.

Bruce Byron Lowrance, 2018

Chú thích ảnh
Khách du lịch quan sát bằng ống nhòm Khu phi quân sự (DMZ) liên Triều từ Đài quan sát Odusan ở Paju, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào tháng 10/2018, Triều Tiên thông báo một công dân Mỹ 60 tuổi có tên Bruce Byron đã bị giam giữ khi nhập cảnh trái phép vào nước này từ Trung Quốc. Giới chức Mỹ sau đó tiết lộ rằng một người đàn ông có tên và mô tả giống như Bình Nhưỡng thông báo đã bị giam giữ tại khu phi quân sự. Người đàn ông này nói với các nhà điều tra rằng ông tin chuyến thăm của mình sẽ giúp giảm bớt căng thẳng địa chính trị giữa hai nước.

Ông Lowrance được trả tự do khoảng một tháng sau khi bị bắt giữ. Các quan chức Mỹ cho rằng diễn biến này nằm trong nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ với Washington sau các cuộc đàm phán cấp cao giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump.

Matthew Miller, 2014

Chú thích ảnh
Matthew Miller trong phiên tòa xét xử tại Bình Nhưỡng năm 2014. Ảnh: AP

Vào tháng 9/2014, một thanh niên 24 tuổi người Bakersfield, California có tên Matthew Miller đã bị Tòa án Tối cao Triều Tiên kết án sáu năm lao động khổ sai với cáo buộc nhập cảnh trái phép vào nước này vì mục đích gián điệp.

Tòa án tuyên bố rằng Miller đã xé thị thực du lịch của mình khi đến sân bay Bình Nhưỡng vào tháng 4 năm đó và thừa nhận có "tham vọng" muốn trải qua cuộc sống trong tù ở Triều Tiên để có thể bí mật điều tra tình trạng nhân quyền của nước này.

Miller được trả tự do vào tháng 11 cùng năm cùng với một công dân Mỹ khác là Kenneth Bae.

Vài tuần trước khi được trả tự do, Miller đã nói chuyện với phóng viên hãng thông tấn AP (Mỹ) tại một khách sạn ở Bình Nhưỡng, nơi các quan chức Triều Tiên cho phép anh gọi điện cho gia đình. Miller cho biết anh phải lao động trên các cánh đồng 8 tiếng một ngày và bị giam giữ cách ly.

Kenneth Bae, 2012

Chú thích ảnh
Ông Kenneth Bae tại Bình Nhưỡng năm 2014. Ảnh: AP

Người đàn ông được trả tự do cùng với Miller là Kenneth Bae. Ông này bị bắt vào tháng 11/2012.
Kenneth Bae là một nhà truyền giáo đã đến Triều Tiên nhiều lần. Vào thời điểm đó, ông bị phát hiện có mang theo ổ cứng chứa tài liệu tôn giáo.

Triều Tiên đã đưa ra một loạt cáo buộc về cái mà họ gọi là "hành vi thù địch" của ông Kenneth Bae, bao gồm cả việc cố gắng thiết lập cơ sở cho các hoạt động chống chính phủ, buôn lậu tài liệu bị cấm và khuyến khích những người bất đồng chính kiến.

Công dân Mỹ này bị kết án 15 năm tù. Ông Bae được trả tự do và trở về Mỹ cùng với người đồng hương Miller sau chuyến thăm bí mật tới Bình Nhưỡng của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ khi đó James Clapper.

Eura Lee và Laura Ling, 2009

Chú thích ảnh
Hai nữ nhà báo Laura Ling và Euna Lee (phải) bay trở về Mỹ cùng cựu Tổng thống Bill Clinton vào tháng 8/2009. Ảnh: Getty Images

Vào tháng 3/2009, Triều Tiên bắt giữ hai nhà báo Mỹ Eura Lee và Laura Ling khi họ đang quay một bộ phim tài liệu về các điều kiện nhân đạo ở biên giới Trung Quốc-Triều Tiên. Hai thành viên khác trong đoàn của họ, một quay phim người Mỹ và một hướng dẫn viên người Trung Quốc đã kịp trốn thoát.

Laura Ling sau đó thừa nhận họ đã vượt qua biên giới, mặc dù cô nói rằng chỉ ở Triều Tiên chưa đầy một phút trước khi cố gắng quay trở lại Trung Quốc. Cô Eura Lee và Laura Ling bị buộc tội vượt biên trái phép và vào tháng 6/2009 nhận bản án 12 năm tù lao động khổ sai.

Tuy nhiên, vào tháng 8 cùng năm, cả hai nhà báo này được trả tự do sau chuyến thăm Bình Nhưỡng không báo trước trước đó của cựu Tổng thống Bill Clinton. Nhà Trắng nói rằng chuyến thăm của ông Clinton là một "sứ mệnh hoàn toàn riêng tư".

Cô Laura Ling sau đó chia sẻ với đài NPR (Mỹ) rằng đây thực sự là một sứ mệnh nhân đạo tư nhân.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP, BBC)
Vụ căng thẳng tàu ngầm Sang-O giữa Hàn Quốc và Triều Tiên
Vụ căng thẳng tàu ngầm Sang-O giữa Hàn Quốc và Triều Tiên

Năm 1996, một tàu ngầm Triều Tiên bị bỏ lại trên lãnh thổ Hàn Quốc đã suýt châm ngòi chiến tranh giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN