Câu chuyện đằng sau điệp viên Mỹ đầu hàng phát xít Đức

Vào 1 giờ 41 phút sáng 6/5/1944, một chiến đấu cơ của Đức Quốc xã đã bắn hạ chiếc B-24 Liberator do thiếu úy 23 tuổi người Mỹ Murray L. Simon điều khiển tham gia nhiệm vụ bí mật trên bầu trời nước Pháp.

Chú thích ảnh
Peter J. Ortiz nhận Huân chương Thập tự Hải quân. Ảnh: smithsonian

Phi hành đoàn gồm bảy người và cả Simon đều nhảy ra khỏi chiếc máy bay đang bốc cháy. Quân đội Đức Quốc xã lùng sục khu vực Roanne tại tỉnh Loire miền Trung nước Pháp tìm kiếm các phi công Mỹ đã nhảy dù. Nếu rơi vào tay Đức Quốc xã, Simon có thể bị coi là gián điệp và bị tra tấn rồi sát hại. Cơ hội tốt nhất để anh có thể trở về Mỹ là tìm đến lực lượng kháng chiến Pháp.

Sau khoảng một tuần nhờ nhiều người trợ giúp, Simon đã đến được ngôi nhà an toàn ở Valence, nơi thành viên kháng chiến Pháp giới thiệu anh với một thiếu tá Thủy quân lục chiến Mỹ 30 tuổi, người đã giúp một số phi công Đồng minh bị bắn rơi khác trốn thoát qua biên giới Tây Ban Nha.

Anh ta có một số bí danh, bao gồm Chambellan và Jean-Pierre hoặc J.P. Viên thiếu tá cao 1m88, với gò má như tạc, đôi mắt xanh sáng. Anh nói được tiếng Anh, Pháp, Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và tiếng Arab. Và tên thật của anh ta là Pierre Julien Ortiz.

Bốn tháng trước đó, Pierre Julien Ortiz đã nhảy dù xuống nước Pháp đang bị Đức Quốc xã chiếm đóng để thực hiện chiến dịch có mật danh là Union I. Đồng hành cùng Ortiz có một sĩ quan Cơ quan Tác chiến Đặc biệt Anh (SOE) và một nhà điều hành đài phát thanh của Quân đội Pháp.

Ortiz khi đó làm việc cho tổ chức tiền thân của CIA là Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS). Anh nhận nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và huy động các đơn vị kháng chiến của Pháp trước D-Day.

Việc hộ tống Simon trở lại Anh cũng kèm theo nhiều rủi ro cho Ortiz bởi anh suýt bị bắt vài tuần trước đó. Vỏ bọc của Ortiz bị lật tẩy và Cảnh sát Mật của Đức Quốc xã Gestapo treo thưởng nửa triệu franc Pháp cho cái đầu của anh.

Cùng nhau, Ortiz và Simon lái xe qua Pháp trên một chiếc xe của nhân viên SS mà Ortiz đánh cắp. Họ còn lên tàu hỏa qua mặt các sĩ quan Gestapo, đi bộ qua dãy núi Pyrenees với những kẻ buôn lậu thuốc lá Roma rồi đi qua Andorra và Tây Ban Nha với một tù nhân chiến tranh Nga đã vượt ngục.

Họ đến Gibraltar vào cuối tháng 5 và đến Anh an toàn ngay trước D-Day, gần một tháng sau khi máy bay của Simon bị bắn rơi và thiếu úy này được tuyên bố là mất tích. Simon sau đó gửi một bức điện tín cho mẹ mình: “Con vẫn khỏe và an toàn. Mẹ không cần phải lo lắng. Hãy viết thư đến địa chỉ cũ của con”.

Nhưng Ortiz không chỉ là anh hùng đối với ông Simon mà còn cả nhiều người khác.

Chú thích ảnh
Ortiz khi ở California (Mỹ). Ảnh: smithsonian

Vị thế của Ortiz với tư cách là một trong những thành viên được tặng thưởng huy chương nhiều nhất khiến ông nổi bật trong tập thể ưu tú của OSS gồm các giáo sư đại học, điệp viên nghiệp dư và lính biệt kích táo bạo, những người đã đặt nền móng cho một tổ chức tình báo đã biến thành CIA từ năm 1947.

Vào những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, Ortiz đảm nhận công việc như huấn luyện sư tử, nghệ sĩ biểu diễn xiếc, quản lý điền trang và lái xe đua. Hồ sơ nhân sự OSS hiện đã được giải mật mô tả anh là một đặc vụ “chưa bao giờ là ứng cử viên sáng giá cho công việc bàn giấy”.

Ortiz sinh ra ở New York năm 1913, rồi lớn lên cả ở California và Pháp. Ortiz là một thiếu niên hiếu động. Năm 15 tuổi, anh bỏ học tại trường nội trú của Pháp để làm thủy thủ trên một con tàu Mỹ. Quyết định này không làm hài lòng cha mẹ Ortiz. Cha của Ortiz – ông Philippe Ortiz đã thuyết phục anh trở lại trường học nhưng không thể ngăn anh đi du lịch khắp châu Âu để tìm kiếm phiêu lưu và lãng mạn trong suốt những tháng mùa Hè.

Năm 1932, Ortiz lại bỏ học và ở tuổi 18 anh gia nhập Binh đoàn Lê dương Pháp. Ortiz tiếp tục phục vụ cho Binh đoàn Lê dương Pháp đến năm 1940, thời điểm anh bị quân Đức bắt và bị giam giữ như một tù nhân chiến tranh.

Sau nhiều lần trốn thoát thất bại, y tá tại một bệnh viện ở Vienna (Áo) đã giúp anh quay trở lại Pháp, nơi anh tham gia phong trào kháng chiến. Ortiz sau này nhớ lại đã ở Paris khoảng một tháng “nhưng tôi cảm thấy muốn quay trở lại Mỹ và phục vụ đất nước của mình một cách trực tiếp hơn”. Ortiz đến New York ngay sau vụ việc Trân Châu Cảng rồi gia nhập Thủy quân lục chiến.

Sau khi hoàn thành Union I và hộ tống Simon đến nơi an toàn, Ortiz đắm mình trong việc chuẩn bị cho Union II - nhiệm vụ thâm nhập sâu thứ hai ở Pháp.

Vào ngày 14/6/1944, Ortiz đến trụ sở của OSS ở trung tâm London, nơi anh gây ấn tượng mạnh với người phỏng vấn. Người này mô tả Ortiz là “một thanh niên cao ráo, rám nắng, ưa nhìn, bề ngoài hơi già hơn so với tuổi 31” và ăn mặc sành điệu trong bộ vest màu xám. Người phỏng vấn này kết luận trong báo cáo tối mật của ông rằng Ortiz đã làm được “công việc tuyệt vời trong những điều kiện khó khăn nhất”.

OSS sắp xếp để Ortiz nhận được huân chương Thập tự Hải quân vì vai trò của anh trong tổ chức và huấn luyện các thành viên Kháng chiến Pháp cũng như chiến đấu với quân Đức và giải cứu các phi công Đồng minh bị bắn rơi như Simon. Cả OSS và SOE đều không ngần ngại bật đèn xanh cho nhiệm vụ tiếp theo Union II dự kiến trùng với cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Pháp trong những tháng sau đó.

Chú thích ảnh
Ortiz (thứ hai từ trái sang) cùng đội của Anh vào tháng 8/1944. Ảnh: smithsonian

Ortiz đã tập hợp một đội gồm một sĩ quan tên là Francis L. Coolidge từ cộng đồng người Mỹ từng phục trong Binh đoàn Lê dương Pháp ở Bắc Phi và năm hạ sĩ quan từ đội nhảy dù Thủy quân lục chiến.

Ortiz trở lại Pháp vào ngày 1/8, một ngày lý tưởng để bay với bầu trời trong xanh, gió không đáng kể. 78 máy bay ném bom B-17 của Mỹ đã thả 864 thùng hàng tiếp tế, cùng với Ortiz và sáu đồng đội của anh lên một cao nguyên gần ngọn núi Col des Saisies ở tỉnh Savoie (Pháp).

Lực lượng kháng chiến Pháp đang chờ đợi trên mặt đất đã kinh hoàng khi trung sĩ Charles L. Perry, một thành viên trong đội của Ortiz, tiếp đất mạnh rời nằm bất động. Họ cũng như những người Mỹ đều có mặt tại đám tang của Perry.

Tất cả thành viên trong đội của Ortiz đều mặc quân phục Mỹ, tập hợp lại để tỏ lòng kính trọng với đồng đội của họ. Trong bối cảnh quân Đức săn lùng, Ortiz có thể ra lệnh chôn thi thể Perry trong một ngôi mộ tạm thời nhưng thay vào đó họ đã tạo một ngôi mộ đàng hoàng, chất đầy hoa và một cây thánh giá bằng gỗ.

Chú thích ảnh
Đám tang của Charles L. Perry tại Pháp. Ảnh: smithsonian

Sau đám tang của Perry, Ortiz và đồng đội cùng xem xét tình hình của họ. Gần hai tháng đã trôi qua kể từ cuộc đổ bộ D-Day đầu tiên ở Normandy, quân Đồng minh chưa giành lại được Paris nhưng đã không ngừng đẩy lùi quân Đức khỏi bờ biển. Trong khi đó người Pháp nhiệt tình tham gia lực lượng Kháng chiến. Nhóm của Ortiz đã trang bị và huấn luyện thành viên kháng chiến Pháp trước khi tiến hành các cuộc tuần tra do thám để lập danh mục sức mạnh của quân phát xít Đức và cân nhắc khả năng tấn công.

Đến ngày 12/8, Ortiz kết luận rằng đã đến lúc phải chiến đấu. Thành viên kháng chiến Pháp dường như đã sẵn sàng để bắt đầu đẩy quân Đức ra khỏi các thung lũng núi. Trong khi một chiếc máy bay trinh sát của Đức lượn vòng trên cao, Ortiz và nhóm của ông tiến vào ngôi làng ở xã Montgirod thuộc tỉnh Savoie và dừng lại để ăn trưa trong khi 200 thành viên kháng chiến chờ đợi gần đó.

Ngay sau đó, đạn súng cối bắt đầu rơi xuống làm bị thương bốn thành viên Kháng chiến, hai trong số họ bị thương nặng đến mức không thể di chuyển được. Họ trốn trong một nhà thờ. Ortiz dẫn nhóm đồng đội của mình vào những ngọn đồi gần đó. Phát xít Đức đã sát hại những thành viên Kháng chiến bị thương, san bằng nhà thờ và thiêu rụi thị trấn.

Bị quân Đồng minh tấn công liên tục và lo sợ bị phục kích trên đường, quân phát xít Đức ngày càng hành xử giống như những con thú bị dồn vào đường cùng, đặc biệt là khi cảm thấy bị khiêu khích bởi những thành viên kháng chiến Pháp và lính biệt kích Đồng minh. Vào tháng 10/1942, Adolf Hitler ra lệnh rằng các thành viên của lực lượng đột kích và trinh sát này sẽ bị xử tử ngay lập tức, ngay cả khi mặc quân phục và xin đầu hàng.

Chiến dịch Dragoon của quân Đồng minh tại Provence vào ngày 15/8, đã gây thêm áp lực từ phía Nam. Nó cũng khiến Ortiz mạo hiểm di chuyển sau rạng đông ngày 16/8. Nhưng cả nhóm bị phát hiện.

Chú thích ảnh
Ortiz cùng các thành viên kháng chiến Pháp vào tháng 8/1944. Ảnh: smithsonian

Ortiz hét lên để bắn trả và ẩn nấp. Tiếng súng vang lên từ đoàn xe Đức đang chạy trên quốc lộ cắt ngang con đường. Súng máy và súng trường bắn dữ dội khiến Ortiz không còn lựa chọn nào khác ngoài việc quay trở lại làng Centron, nơi chỉ có một vài cụm nhà và một nhà thờ, cách Montgirod vài km.

Trong lúc bối rối, cả đội chia làm hai. Ortiz cùng với hạ sĩ Thủy quân lục chiến Risler và John Bodnar tiếp tục bắn nhanh nhất có thể. Quân Đức tiến lên và bao vây ngôi làng. Người dân Centron khiếp sợ cầu xin Ortiz đừng đứng lên dẫn đến một vụ thảm sát khác như Vassieux-en-Vercors. Vụ thảm sát tại Vassieux-en-Vercors diễn ra vào tháng 7 với binh sĩ phát xít Đức sát hại 72 công dân Pháp và thiêu rụi thị trấn của họ.

Ortiz sau này nhớ lại: “Tôi cảm thấy sâu sắc trách nhiệm của mình đối với cuộc sống của những người dân này”. Không chút do dự, anh quyết định đầu hàng để giải thoát cho dân làng. Anh ta biết quyết định của mình có thể đồng nghĩa với việc bị tra tấn và hành quyết dưới tay kẻ thù. Nhận thức được mức thưởng cho cái đầu của mình, cũng như sự đối xử tàn bạo của quân Đức đối với các điệp viên Đồng minh, Ortiz chắc chắn rằng “không có lý do gì để hy vọng rằng chúng tôi sẽ bị đối xử như những tù nhân chiến tranh bình thường”. 

Anh giải thích quyết định của mình cho Risler và Bodnar rồi khuyên họ trốn thoát. Nhưng hai lính thủy đánh bộ này từ chối vì họ “là Thủy quân lục chiến” và sẽ gắn bó với nhau, những gì Ortiz nghĩ là đúng cũng sẽ đúng với họ.

Chắc chắn rằng đây sẽ là dấu chấm hết cho mình, Ortiz lấy giấy trắng của một người dân làng và đi về phía quân Đức, hét lên bằng tiếng Đức, tiếng Anh và tiếng Pháp rằng anh sẵn sàng đầu hàng. Ortiz và một thiếu tá người Đức tên là Johann Kolb thương lượng. Ortiz đề nghị đầu hàng người của mình để đổi lấy đảm bảo rằng quân Đức sẽ không làm hại người dân làng Centron. Kolb đã đưa ra lời hứa của mình. Ortiz hét lên để Risler và Bodnar ra ngoài.

Mong đợi nhìn thấy một trung đội từ 40 đến 50 binh sĩ tiến lên nhưng khi chỉ thấy có 2 người, quân Đức đã rất tức giận. Chúng băn khoăn làm thế nào mà một đội nhỏ của Ortiz có thể duy trì được lượng hỏa lực lớn như vậy?

Tuy nhiên, Kolb đã giữ lời. Người dân Centron được sống, trong khi Ortiz, Risler và Bodnar bị giam cầm. Kolb đưa Ortiz và đồng đội của anh đến một loạt trại tù binh chiến tranh ở miền Bắc nước Đức. Vào tháng 4/1945, quân đội Anh giải phóng các trại này. Ortiz xin phép cấp trên được tiếp tục chiến đấu với quân Đức nhưng bị từ chối. Do đó, nhóm của anh quay trở về Mỹ.

Vào tháng 11/1949, Ortiz là nhân vật chính của một tập trong chương trình phát thanh đài NBC (Mỹ) có tên “This Is Your Life”. Người dẫn chương trình Ralph Edwards mô tả người anh hùng chiến tranh Mỹ lúc bấy giờ 36 tuổi là “một lính thủy đánh bộ có cuộc đời đầy những cuộc phiêu lưu, cảm giác mạnh, những cuộc trốn chạy dựng tóc gáy”.

Simon là một trong những vị khách bay đến xuất hiện tại chương trình để làm Ortiz ngạc nhiên, sau đó kể lại một vài chi tiết mà ông có thể tiết lộ về cuộc chạy trốn khỏi nước Pháp của họ: “Tôi rất ngạc nhiên khi anh ấy xuất hiện trong một chiếc ô tô lớn”. Đó là một trong những phương tiện của Đức Quốc xã bị Ortiz đánh cắp. Cũng góp mặt tại chương trình này là một chiến binh Kháng chiến Pháp từ Centron, người mà Ortiz đã cứu mạng khi đầu hàng năm 1944.

Chú thích ảnh
Ortiz (phải) trên phim trường bộ phim "What Price Glory" (1953) cùng đạo diễn John Ford. Ảnh: smithsonian

Hollywood đón nhận Ortiz trong những năm sau chiến tranh. Anh làm cố vấn kỹ thuật cho bộ phim về gián điệp Thế chiến thứ hai “13 Rue Madeleine” năm 1947 với sự tham gia của nam tài tử James Cagney. Bộ phim “Operation Secret” năm 1952 cũng được lấy cảm hứng từ chiến công của Ortiz. Ortiz thậm chí còn tham gia diễn xuất trong một số bộ phim như “Rio Grande” (1950) và “The Wings of Eagles” năm 1957. Tuy nhiên, anh không mặn mà với cuộc sống làm diễn viên.

Anh đi khắp Bắc Mỹ trong một ngôi nhà di động và hai lần chuyển đến Mexico cùng vợ và con trai. Ở đó, anh dạy triết học, quyên góp cho các trại trẻ mồ côi địa phương và sơ cứu cho nạn nhân bão lụt. Anh dường như không bao giờ thoát khỏi lực hấp dẫn đối với phiêu lưu và cống hiến. Năm 1947, Ortiz trở lại châu Âu trong một nhiệm vụ gián điệp bí ẩn. Anh từng đề cập trong hồi ký: “Tôi đóng giả là một người cộng sản Pháp và khám phá đằng sau Bức màn sắt. Tôi đã đến Ba Lan, Tiệp Khắc và Nam Tư”. Hồ sơ chính thức không cho biết liệu Ortiz khi đó có làm việc cho chính phủ hay không.

Vào tháng 10/1985, sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, Ortiz đã viết một lá thư cho Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là George Shultz đề nghị để ông - một anh hùng được vinh danh - trở thành tù nhân cho những kẻ Hồi giáo cực đoan để đổi lấy những con tin vô tội. Tuy nhiên, đề nghị của Ortiz bị từ chối.

Ba năm sau Ortiz qua đời và an nghỉ tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Trong khi đó, ông Simon qua đời vì ung thư phổi vào năm 1981.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Smithsonian)
Sĩ quan quân đội Đức ám sát hụt trùm phát xít Hitler
Sĩ quan quân đội Đức ám sát hụt trùm phát xít Hitler

Vào ngày 20/7/1944, một sĩ quan 36 tuổi của quân đội Đức, Đại tá Claus Schenk Graf von Stauffenberg, đến một khu phức hợp được bảo vệ nghiêm ngặt ẩn trong một khu rừng ở Đông Phổ. Nhiệm vụ của người này là giết Adolf Hitler.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN