Huyện Ứng Hòa (Hà Nội) sau 10 năm thực hiện chương trình nông thôn mới

Trong giai đoạn xây dựng chương trình nông thôn mới, cơ cấu kinh tế của huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chuyển dịch dần theo cơ chế thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, thương mại cũng qua đó tăng lên.

Chuyển dịch cơ cấu

Để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, huyện Ứng Hòa lấy nông nghiệp, nông thôn làm cơ sở cho sự ổn định và phát triển; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại làm mũi nhọn.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã đạt được nhiều thành tích; kinh tế các năm liên tục phát triển, ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm (trong đó, dịch vụ tăng 10,3%, công nghiệp – xây dựng tăng 1,7%, nông, lâm, thủy sản tăng 6,5%) , giai đoạn 2016-2020 đạt 7,72%, (trong đó ngành thương mại - dịch vụ tăng 11,28%, công nghiệp - xây dựng tăng 5,78%, nông, lâm, thủy sản tăng 6,05%).

Cơ cấu kinh tế của huyện đến hết năm 2021 chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và công nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ: Ước tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 30,3% năm 2015 lên 37,1% năm 2021; tỷ trọng khu vực công nghiệp và xây dựng từ 29% năm 2015 tăng 29,3% năm 2021; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 40,7% năm 2015 giảm còn 33,6% năm 2021.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện Ứng Hòa tăng từ hơn 12,2 triêu đồng/người/năm (2010) lên 23,6 triệu đồng (2015), hơn 54,6 triệu đồng/người/năm (2021), tăng 42,336 triệu đồng so với năm 2010. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản năm 2021 (theo giá so sánh) đạt 4.372 tỷ đồng (trong đó, ngành trồng trọt: 850.600 triệu đồng; ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: 3.521.400 triệu đồng).

Chú thích ảnh
Cơ sở trường lớp tại Úng Hòa được đầu tư.

Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện phát triển mạnh; nhất là tỷ trọng khu vực chăn nuôi thủy sản tăng nhanh. Nằm trong khu vực định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp năng xuất cao của Thành phố. Có nhiều làng nghề truyền thống, một số làng nghề nổi tiếng với những sản phẩm giá trị cao. Hệ thống hạ tầng cơ sở tiếp tục được cải thiện. Nằm tại khu vực cửa ngõ co vùng du lịch văn hóa Lễ hội chùa Hương, có nhiều tuyến đường kết nối khu du lịch chạy qua địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Thành phố tổ chức Hội nghị triển khai tổ chức Chương trình OCOP cho cán bộ, chủ thể tham gia chương trình trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Chương trình, xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình tại địa phương, tổng hợp đăng kí các chủ thể tham gia Chương trình, rà soát đăng ký với UBND huyện các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Kết quả, đến hết năm 2020, huyện có 11 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2021, huyện Ứng Hòa dự kiến đưa vào 11 sản phẩm thuộc các nhóm thực phẩm (7 sản phẩm), thảo dược (1 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (3 sản phẩm) trình thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Xã hội hóa xây dựng hạ tầng

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng, đồng thời là điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chú thích ảnh
Cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp được chuyển đổi tích cực

Trước năm 2010, hệ thống đường giao thông nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều tuyến đường liên xã chưa được nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng để đạt chuẩn theo quy định, công tác duy tu, bảo trì chưa được thực hiện thường xuyên, hệ thống cầu cống chưa được nâng cấp, tỷ lệ cứng hóa đường làng, ngõ xóm, đường nội đồng còn thấp, có nơi đường ngõ xóm lầy lội cục bộ vào mùa mưa hoặc chưa có hệ thống cống rãnh thoát nước hoặc có chưa có lắp đậy, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, chưa có sự kết nối các vùng trong huyện; Chưa có các tuyến xe bus phục vụ nhân dân.

Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới, với sự tập trung nguồn lực của Nhà nước, xã hội, Nhân dân nhiều đường giao thông nông thôn được xây dựng mới và nâng cấp cải tạo, đồng thời được bảo trì thường xuyên; nhiều cây cầu mới được xây dựng, tuyến đường kết nối giữa liên xã, liên huyện được quan tâm đầu tư... nên kết cấu hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, hiện đại hơn so với thời kỳ trước tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập cho Nhân dân. Đáng chú ý, trong phong trào xây dựng NTM, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, hiến đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng.

Trong xây dựng NTM, bên cạnh việc thực hiện tốt xây dựng hạ tầng cơ sở, huyện đã tập trung thực hiện tiêu chí môi trường nhằm không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp bằng việc thực hiện tốt phong trào “Vì môi trường xanh - sạch - đẹp”, “Không đổ rác, phế thải ra đường và nơi công cộng”.

Xây dựng các tuyến đường nở hoa, tuyến đường NTM kiểu mẫu, “tuyến đường tự quản xanh- sạch- đẹp- nở hoa kiểu mẫu”; Kết quả đến nay đã có 370 đoạn đường do phụ nữ tự quản, 149 đoạn đường nở hoa…nguồn kinh phí thực hiện từ huy động XHH, ngày công tham gia thực hiện, chăm sóc của Nhân dân; Đã tổ chức nghiệm thu và gắn biển 06 tuyến cấp huyện và 15 tuyến cấp xã tạo bộ mặt NTM khang trang, sạch đẹp, từ đó xác định trọng tâm xuyên suốt của chương trình xây dựng NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu hướng tới mục tiêu xây dựng những “miền quê đáng sống”.

Chú thích ảnh
Nông nghiệp chất lượng cao được áp dụng tại nhiều nơi huyện Ứng Hòa.

Qua 10 năm thực hiện chương trình, nhân dân toàn huyện đã hiến trên hiến 393m2 đất thổ cư, 80.900m2 đất nông nghiệp, đã có 130 lượt tập thể, hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng các cấp từ Trung ương đến cấp huyện (trong đó khen thưởng Trung ương là 1 tập thể là cán bộ và nhân dân xã Đại Cường, 50 tập thể, hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng cấp thành phố, 61 tập thể, hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng cấp huyện) và hàng nghìn tập thể, hộ gia đình, cá nhân được khen thưởng cấp cơ sở. (trong đó nổi bật là hộ gia đình ông Phạm Đình Đoàn xã Trầm Lộng ủng hộ 236,85 triệu đồng ủng hộ nghèo, quỹ khuyến học, trồng cây xanh trên địa bàn xã, xây dựng sân UBND xã; gia đình ông Nguyễn Vạn Xuân xã Đại Hùng ủng hộ 196 triệu đồng làm đường giao thông ngõ xóm tại xóm Cả, thôn Quan Tự, xã Đại Hùng; gia đình ông Đào Đức Chính, xã Đông Lỗ ủng hộ 476 triệu đồng làm sân đá bóng, xây dựng giếng làng, xây cầu, cây hương; xây dựng cổng chào xã Đông Lỗ, mua đất mở rộng đường giao thông liên xã, sửa sân vận động xã tại thôn Viên Đình, làm đường ngõ xóm....và rất nhiều hộ gia đình ủng hộ đất từ vài chục đến vài trăm m2 đất để xây dựng các công trình NTM và mở rộng đường giao thông nông thôn. Sau khi hiến đất đã tạo quỹ đất để xây dựng NVH, mở rộng đường, trung bình các tuyến đường giao thông sau khi mở rộng từ 2m lên trung bình 4-5m, tạo bộ mặt giao thông khang trang, rộng rãi từ đó đã thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Để hoàn thành việc cung cấp nước sạch cho các xã còn lại, UBND huyện đã đề nghị và được thành phố Hà Nội chấp thuận cho phép Công ty nước sạch Hà Nam triển khai dự án Nối mạng cấp nước sạch cho 26 xã trên địa bàn huyện Ứng Hòa. Dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2022. Qua khảo sát, thống kê, 100% số hộ dân trên địa bàn huyện sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch là 74,4%, trong đó, 16,6% sử dụng từ nguồn cấp nước tập trung, 57,8% số hộ sử dụng máy lọc nước quy mô hộ gia đình (tăng 66,13% so với năm 2010).

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến nay huyện Ứng Hòa đã có 28/28 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Ứng Hòa không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Trong 10 năm, huyện đã huy động tổng nguồn lực đầu tư cho Chương trình là hơn 5.379 tỷ triệu đồng để xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hơn 3.283 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 61,03%), vốn huy động từ doanh nghiệp, nhân dân và các nguồn xã hội hóa hơn 2.096 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 38,97%).

Chương trình xây dựng NTM đã tạo ra bộ mặt NTM khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, an sinh xã hội được đảm bảo, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhiều nhóm tiêu chí xây dựng NTM đạt kết quả cao như:100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, rải nhựa; 100% trạm y tế các xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế; 90,38%người dân tham gia BHYT, tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó, tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 74,4%; 91% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 91,9% thôn, làng đạt danh hiệu làng văn hóa, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,06%.Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội luôn được phát huy, có hiệu lực, hiệu quả.

Huyện Ứng Hòa phấn đấu đến hết năm 2025 có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 53,6%); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm 28,6%); có từ 10 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu trở lên.

 

XM/Báo Tin tức
Huyện Mê Linh (Hà Nội) đổi thay khi thực hiện xây dựng nông thôn mới
Huyện Mê Linh (Hà Nội) đổi thay khi thực hiện xây dựng nông thôn mới

Đoàn thẩm định của TP Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh. Đây là một trong 5 huyện của Hà Nội phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN