Hà Nội: Hiệu quả tích cực từ dịch vụ công trực tuyến toàn trình về đất đai

Để giảm tải cho bộ phận một cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bắt đầu từ tháng 10/2023, Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội đã triển khai dịch vụ công trực tuyến các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai và từ tháng 3/2024 thực hiện 3 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Chú thích ảnh
Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Cụ thể, gồm các thủ tục: Đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất; xóa đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất; đăng ký, cấp sổ đỏ cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở. 

Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội Phạm Văn Tình cho biết, là tổ chức dịch vụ công hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về đất đai, hoạt động dịch vụ, trong đó có nghiệp vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận), thời gian qua, Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội đã đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền điện tử; tăng cường phân cấp, phân quyền nhằm đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính; tăng tính chủ động cho cán bộ thực thi nhiệm vụ ở cơ sở.

Đặc biệt, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Đơn vị khuyến khích công dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến.

Chị Lê Kim Anh, sinh sống tại quận Cầu Giấy đến Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội làm thủ tục giải chấp Giấy chứng nhận sau khi tất toán một khoản vay ngân hàng cho biết, trước đây chị phải mất cả buổi sáng để đi nộp hồ sơ; nay nhờ có dịch vụ công trực tuyến chị có thể tự nộp hồ sơ ở bất cứ đâu, không phải đi lại và chờ đợi mất thời gian. 

Một số chuyên gia và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng cho rằng, việc thực hiện đăng ký trực tuyến mang lại sự minh bạch đối với các giao dịch liên quan đến đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp và phòng tránh các vấn đề pháp lý. Các dịch vụ công trực tuyến cung cấp khả năng tương tác trực tiếp với cơ quan chức năng, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng theo dõi và cập nhật trạng thái của các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng.

Có thể thấy, các thủ tục liên quan đến đất đai luôn chiếm tỷ trọng cao và được người dân quan tâm nhiều nhất. Chỉ tính 3 tháng đầu năm 2024, Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội đã tiếp nhận, giải quyết khoảng 8.500 hồ sơ, trong đó có tới 80% hồ sơ liên quan đến 3 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. 

Mặc dù việc cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình về đất đai tại Hà Nội đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực để phục vụ người dân và doanh nghiệp; song, quá trình triển khai vẫn còn những thách thức và khó khăn.

Theo đại diện lãnh đạo Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội, để 3 dịch vụ công trực tuyến toàn trình được áp dụng phổ biến, rộng rãi, đảm bảo hiệu quả, an toàn, thuận tiện rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp. Đơn cử, khi thực hiện cho khách hàng có nhu cầu nộp trực tuyến, các bên liên quan như ngân hàng, chủ đầu tư, văn phòng công chứng… hỗ trợ quét chụp (scan) toàn bộ các văn bản giấy tờ liên quan, nhất là đối với các hồ sơ dự án có số lượng giấy tờ nhiều. Mặt khác, khách hàng cần đồng bộ hóa từ chữ ký số đến các dữ liệu khác liên quan để khi thực hiện việc tải hồ sơ lên hệ thống bảo đảm đầy đủ, đúng theo hướng dẫn.

Không phủ nhận sự tiện lợi khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên, nhưng anh Nguyễn Thái Dũng (quận Đống Đa) cho rằng dịch vụ này vẫn tiềm ẩn rủi ro về an toàn thông tin cá nhân và giao dịch, cần có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin và phòng tránh các vấn đề về an ninh mạng. 

Cùng với đó, cũng theo ý kiến của nhiều người dân, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội cần đẩy mạnh tuyên truyền cũng như bố trí nguồn nhân lực hỗ trợ, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nhất là đối với những người thiếu kinh nghiệm về công nghệ.

“Tôi thấy hài lòng về việc nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai qua dịch vụ công trực tuyến, nhưng nếu được nộp thuế qua tài khoản, quét mã QR code… được triển khai tại bộ phận "một cửa" thì người dân đỡ mất thời gian ra ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ tài chính”, chị Đỗ Quỳnh Hoa (quận Thanh Xuân) bày tỏ ý kiến.

Tồn tại, vướng mắc nữa của các Chi nhánh Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội trong quá trình chuyển đổi số, thực hiện chính quyền điện tử là thực trạng thiếu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành, lưu trữ, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai, phần mềm quản lý, liên kết thông tin…, cần sớm được giải quyết để hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và yêu cầu phát triển…

Có thể thấy, công tác cải cách hành chính tạo chuyển biến rõ rệt, trong đó trọng tâm là rà soát, đơn giản hóa các liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện, liên thông hồ sơ, thực hiện cắt giảm thời gian thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch.

Bên cạnh đó, Văn phòng đăng ký Đất đai Hà Nội còn xây dựng mô hình "Ngày thứ bảy hằng tuần tình nguyện xanh", cử đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kê khai, tìm hiểu thủ tục... Nhờ vậy, đơn vị giảm được 16 thủ tục hành chính; thời gian đăng ký, cấp Giấy chứng nhận giảm 5 - 25 ngày so với trước đây; thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đạt gần 100% so với quy định; nguồn thu cho ngân sách Nhà nước liên tục tăng...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, tổng số Giấy chứng nhận và kê khai, đăng ký đất đai lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn Thủ đô là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%. Cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 86,28% (năm 2023 cấp 19.065 căn); người mua nhà tái định cư đạt 94,11% (năm 2023 cấp 254 căn); hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%. Cấp Giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu cho các tổ chức được 24.475 thửa đất (năm 2023 cấp Giấy chứng nhận cho 1.030 thửa; cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai lần đầu cho 73 thửa). Cấp cho các cơ sở tôn giáo đạt 77,87% (trong đó cấp mới được 528 Giấy chứng nhận) và cấp cho các cơ sở tín ngưỡng đạt 62,71% (trong đó cấp mới 927 Giấy chứng nhận).

Linh Khánh (TTXVN)
Cuối năm 2025 sẽ hoàn thành tích hợp chữ ký số công cộng vào 100% dịch vụ công trực tuyến
Cuối năm 2025 sẽ hoàn thành tích hợp chữ ký số công cộng vào 100% dịch vụ công trực tuyến

Trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, các hoạt động giao dịch trực tiếp đang dần chuyển sang dạng điện tử.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN