Nan giải bài toán đào tạo cử tuyển

Đào tạo học sinh hệ cử tuyển những năm qua đã góp phần đào tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và vùng núi. Tuy nhiên, đến nay, việc đào tạo cử tuyển vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.


Chất lượng thấp


Theo quy định của Chính phủ, hệ cử tuyển là tuyển sinh không qua thi tuyển ĐH, CĐ, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, CĐ, trung cấp. Đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết của Chính phủ, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các vùng sâu, xa. Tuy nhiên, đánh giá chung của các trường, nguồn sinh viên cử tuyển có chất lượng đầu vào chưa cao.


Mặc dù có ý thức rèn luyện, phấn đấu, nhưng kiến thức văn hóa yếu, khả năng tiếp thu chậm hơn so với sinh viên khác do hạn chế bởi vốn từ tiếng Việt nên học sinh hệ cử tuyển rất khó khăn để hoàn thành khóa học. Kết quả học tập của học sinh cử tuyển chủ yếu là trung bình, trung bình khá, tỷ lệ sinh viên đạt loại khá chỉ đạt 3 - 5%. Nhiều học sinh phải học lại hoặc thôi học như tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM có 3/37 sinh viên cử tuyển học kém buộc phải thôi học, nhiều học sinh cử tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng phải dừng tiến độ để bổ sung kiến thức…


Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai. Thanh Hà - TTXVN


Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo, ĐH Thái Nguyên cho biết, do trường không được tham gia công tác xét tuyển đầu vào hệ cử tuyển, nên chất lượng sinh viên đầu vào chưa cao, các em phải rất cố gắng mới theo kịp sinh viên khác. Nhiều em học 8 - 10 năm vẫn chưa tốt nghiệp vì không qua được kỳ thi tốt nghiệp.

Ông Hoàng Đức Minh - Phó Giám đốc
Sở GD - ĐT tỉnh Lai Châu:

Phối hợp nhà trường và địa phương chưa tốt

Trong những năm qua, vấn đề phối hợp giữa nhà trường và địa phương chưa tốt, điển hình như nhiều học sinh bỏ học thời gian dài nhưng trường không thông báo nên tỉnh cũng không nắm được. Theo quy định, nếu học sinh bỏ học phải hoàn tiền. Ngoài ra, theo Nghị định 134, tỉnh phải đến trường rút hồ sơ khi sinh viên tốt nghiệp, nhưng hiện nay nhiều trường đào tạo theo tín chỉ, do vậy số sinh viên tốt nghiệp rất rải rác; khiến cho tỉnh gặp khó khăn trong vấn đề đi lại, kinh phí.

Ông Hoàng Minh Thạch - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD - ĐT tỉnh Hà Giang):

Khó về kinh phí

Nhiều sinh viên cử tuyển không có tiền đóng học phí khi đến hạn nộp cho trường đã gọi điện về tỉnh kêu khó. Hà Giang là tỉnh miền núi khó khăn nên ngân sách còn hạn chế, nhiều khi không kịp chuyển khoản cho các trường. Theo quy định 134 về chế độ cử tuyển, nếu các tỉnh chưa nộp tiền đào tạo cho các trường kịp thì cơ sở đào tạo tạm thời “ứng” trước cho tỉnh, nhưng vấn đề này đối với tỉnh Hà Giang chưa làm được. Vì vậy, nên có phương án cấp kinh phí đào tạo về trường, tỉnh chỉ cấp học bổng cho học sinh đi học, đảm bảo quyền lợi và điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh.

Đại diện Sở GD - ĐT tỉnh Thanh Hóa:

Tỷ lệ sinh viên cử tuyển ra trường có việc ít

Đối với Thanh Hóa, danh sách người đi học cử tuyển do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định, nhưng việc tuyển dụng và tiếp nhận được phân cấp cho Chủ tịch UBND các huyện, sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường đến UBND huyện báo cáo và đăng ký xin việc. Vì nhiều lý do, tỷ lệ tuyển dụng sinh viên hệ cử tuyển đã tốt nghiệp chưa cao. Số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp từ năm 2007 - 2011 là 812 người, số được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp là 188 người, chiếm 23,15%. Số còn lại phải tự tìm việc làm ở đơn vị công lập hoặc đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài tỉnh.


Tương tự, đại diện trường ĐH Vinh cho biết, theo thống kê từ 2007 - 2011, trường có 6 sinh viên cử tuyển tự ý bỏ học, 5 sinh viên không đủ khả năng phải bảo lưu 1 năm, 10 sinh viên không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đợt 1, có 8 sinh viên không đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đợt 2. Riêng năm 2011, trường chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ, số sinh viên tốt nghiệp đợt 1 và đợt 2 chỉ đạt 85%.


Một vấn đề nữa, mặc dù có chất lượng đầu vào chưa cao, nhưng đa phần học sinh cử tuyển lại chọn những trường ĐH, CĐ top trên, yêu cầu cao. Theo thống kê của Bộ GD - ĐT, số học sinh cử tuyển chủ yếu vào ĐH chiếm 83,9% tổng chỉ tiêu, trình độ CĐ chiếm 16%, tập trung ở các ngành đòi hỏi trình độ cao như: Y tế (chiếm 25,96%), kinh tế (16,82%), sư phạm (23,03%). Do vậy, học sinh hệ cử tuyển khó khăn để hoàn thành khóa học, nhiều học sinh phải học lại với thời gian kéo dài, kết quả học tập thấp.


Đầu vào thấp, thời gian học kéo dài, nhưng sinh viên cử tuyển ra trường cũng khó tìm việc làm. Theo báo cáo của các địa phương, học sinh cử tuyển trình độ ĐH, CĐ được tuyển sinh khóa học 2007 - 2008, trình độ cao đẳng khóa 2008 - 2009, đến thời điểm hiện tại, có 852/2.132 em đã tốt nghiệp được bố trí việc làm, chiếm 40,2% và có 95% học sinh TCCN tốt nghiệp ra trường đã được bố trí việc làm. Nhiều sinh viên ra trường về chính địa phương mình nhưng cũng không được bố trí việc làm do tỉnh, huyện đã đủ biên chế. Một số khác dù đã tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn không vượt qua được kỳ thi tuyển công chức. Một số em ra trường thì tìm nơi khác kiếm việc, không trở về địa phương. “Tôi rất băn khoăn vì chỉ có 62% sinh viên cử tuyển ra trường được bố trí việc làm. Điều này một phần do cơ chế, tất cả các cán bộ công chức phải thi, trong khi đó sinh viên cử tuyển đầu vào yếu hơn sinh viên khác nên cơ hội đỗ thấp. Do vậy, các địa phương nên có bộ phận chuyên trách quản lý sinh viên suốt quá trình học tập và bố trí việc làm cho sinh viên, không thể làm lãng phí nguồn nhân lực”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga nói.


Nâng cao chất lượng cử tuyển


Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn trong đào tạo hệ cử tuyển, đại diện nhiều Sở GD -ĐT, các trường ĐH có học sinh cử tuyển cho rằng, vấn đề khó khăn hiện nay là kinh phí đào tạo dành cho hệ này quá thấp. Theo quy định tại Nghị định 34 về chế độ cử tuyển, ngân sách địa phương đảm bảo 100% chi phí đào tạo nhưng hầu hết các địa phương có sinh viên cử tuyển đều thuộc tỉnh nghèo, khó khăn về ngân sách. Sinh viên cử tuyển không thuộc chỉ tiêu chính quy hàng năm nên không có kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước, mà chỉ có nguồn học phí, khiến các trường gặp khó khăn trong đào tạo, nhất là với các ngành nghề đặc trưng như y, kỹ thuật… có chi phí thực hành lớn. Cùng đó, đời sống của sinh viên cử tuyển cũng rất khó khăn vì theo quy định hiện hành, các em chỉ được hỗ trợ khoản tiền bằng 80% lương tối thiểu để học tập, sinh hoạt và 50% lương tối thiểu cho hỗ trợ trang thiết bị học tập. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, trong sửa đổi nghị định sắp tới, Bộ sẽ lưu ý các kiến nghị về sửa đổi cơ chế tài chính cũng như các chế độ ưu tiên đối với sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện chính sách này.


Nhiều đại diện các trường ĐH, CĐ có sinh viên cử tuyển cũng kiến nghị: Các cơ sở đào tạo cần được tham gia công tác sơ tuyển cho chính sinh viên vào học tại trường. Trong công tác sơ tuyển phải có sự tham gia tư vấn, định hướng của những người có chuyên môn nghiệp vụ mới có thể chọn ra nguồn tuyển chất lượng cao cho hệ cử tuyển. Đồng thời các địa phương cần có nghiên cứu, rà soát nguồn nhân lực, thế mạnh, nhu cầu của địa phương để định hướng cho học sinh theo học các ngành phù hợp.


Để thực hiện tốt chính sách cử tuyển trong thời gian sắp tới, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ xây dựng cơ chế cho phép các trường tham gia xét tuyển học sinh cử tuyển, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ cử tuyển từ cấp cơ sở đảm bảo thực hiện đúng đối tượng, minh bạch trong xét tuyển; hoàn thiện nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số trong các trường dự bị đại học và học sinh, sinh viên hệ cử tuyển trong các trường ĐH, CĐ, trung cấp. Đồng thời, để tránh thiệt thòi cho các trường bị thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh khi sinh viên hệ cử tuyển tập trung đăng ký nhiều, Bộ sẽ nghiên cứu để tách chỉ tiêu hệ này ra khỏi tổng chỉ tiêu chung của trường.



T.T

Nan giải bài toán đào tạo cử tuyển
Nan giải bài toán đào tạo cử tuyển

Đào tạo học sinh hệ cử tuyển những năm qua đã góp phần đào tạo nguồn cán bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và vùng núi. Tuy nhiên, đến nay, việc đào tạo cử tuyển vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN