Phụ nữ dân tộc Mông giảm nghèo từ trang phục truyền thống

Chị Lầu Thị Tro, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Bụa A (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), là một phụ nữ đảm đang, tháo vát, luôn nhiệt tình trong các hoạt động của Hội. Đồng thời, chị là tấm gương sáng cho những hội viên khác noi theo trong việc phát triển kinh tế gia đình, vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Chú thích ảnh
Chị Lầu Thị Tro (bên phải) hướng dẫn chị em cách may váy, áo. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Chị Lầu Thị Tro, sinh năm 1995, là phụ nữ dân tộc Mông. Năm 2016, xuất phát từ niềm yêu thích những nét hoa văn trên trang phục của dân tộc mình, với số tiền tiết kiệm được, chị đã mở một cửa hàng thêu, may tại nhà.

Chị Tro chia sẻ, ban đầu, chị nhập nguyên liệu, vải về thêu tại nhà và chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau một thời gian ngắn, chị đã nắm bắt được nhu cầu thị trường và thu mua sản phẩm trang phục dân tộc Mông của các chị em ở các bản, xã lân cận. Với mong muốn sản phẩm được nhiều người biết đến, có đầu ra ổn định, chị sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để giới thiệu, quảng bá.

Công việc buôn bán thuận lợi, năm 2021, chị Tro mua thêm 2 máy may, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho 2 hội viên từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trong những tháng cao điểm sản xuất hàng hóa, chị đã kết nối với hội viên phụ nữ của bản và các xã lân cận cùng làm, góp phần tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho phụ nữ trong lúc nông nhàn. 

Chú thích ảnh
Chị Lầu Thị Tro (bên trái) hướng dẫn chị em cách thêu váy, áo. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Chị Giàng Thị A, bản Bụa A cho biết, gia đình chị sinh sống bằng làm nương rẫy nên có nhiều thời gian rãnh rỗi. Chị cũng được bà, mẹ dạy cho cách thêu trang phục dân tộc từ khi còn nhỏ nên được nhận thuê làm tại gia đình chị Tro, sau còn được dạy làm máy may. Công việc thêu, may rất phù hợp với chị em, vừa có thu nhập ổn định vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa, những nét hoa văn trong trang phục của dân tộc Mông.

Tùy theo đối tượng và nhu cầu của khách hàng, chị Tro vừa sản xuất váy, áo dân tộc Mông đại trà, vừa thiết kế, thêu may những bộ trang phục cầu kỳ, tinh xảo. Trung bình, sau 3 - 4 tháng, chị Tro bán được 500 chiếc váy đại trà, với giá từ 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/chiếc. Đối với những chiếc váy được chị thiết kế riêng, may theo thị hiếu, yêu cầu, đơn đặt hàng của khách, bán với giá từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/chiếc, có những chiếc váy trị giá hàng chục triệu đồng.

Riêng tháng Tết năm 2024, chị Tro xuất bán hơn 60 bộ áo váy truyền thống; 3.000 chiếc váy đại trà cho khách trong và ngoài tỉnh; trừ chi phí, thu lãi hơn 100 triệu đồng. Chị Tro rất vui và tự hào vì công việc này giúp chị vừa giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, vừa có thu nhập cao cho gia đình và tạo việc làm, tăng thu nhập cho các chị em khác.

Chú thích ảnh
Chị Lầu Thị Tro (bên trái) thu mua vải của phụ nữ Mông trong bản. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phiêng Ban Lò Thị Chi nhận xét, bên cạnh phát triển kinh tế, chị Tro còn tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động. Chị Tro và gia đình luôn chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Ngoài ra, chị Tro cũng tích cực ủng hộ, tự nguyện đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi. Chị cũng thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay trong phát triển kinh tế gia đình với các hội viên phụ nữ và nhân dân trên địa bàn xã; tích cực xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng; nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa".

Năng động, nhiệt tình trong các hoạt động của Hội phụ nữ, dám nghĩ, dám làm để vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chị Lầu Thị Tro xứng đáng là tấm gương để phụ nữ trong Chi hội, trong bản, trong xã học tập và làm theo.

Quang Quyết (TTXVN)
Nhân lên niềm tự hào về giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam
Nhân lên niềm tự hào về giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin: “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” sẽ diễn ra từ ngày 18-21/4 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Các hoạt động nhằm tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa 54 dân tộc anh em, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN