Trường ĐH mở rộng đào tạo, chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực bán dẫn

Ngày 4/5, Tập đoàn Phenikaa cùng các tổ chức uy tín quốc tế tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Sẵn sàng đội ngũ, cơ sở vật chất để có nhân lực chất lượng cao 

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoan nghênh và đánh giá cao Tập đoàn Phenikaa đã tổ chức Hội thảo quốc tế với quy mô lớn, lựa chọn chủ đề thời sự. Theo Phó Thủ tướng, đây là dịp để Chính phủ, các Bộ, ngành lắng nghe ý kiến của các đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, từ đó xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung và nguồn nhân lực của ngành nói riêng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ thăm Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: LV

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Sức nóng của thị trường toàn cầu về nhu cầu vi mạch, bán dẫn cho các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, điện toán, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa,…đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tri thức, các ứng dụng thông minh… đang đặt ra thách thức to lớn về mặt thời gian, tính sẵn sàng và quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam đang chạy đua với thời gian và đã có những bước đi cụ thể, bài bản, mang tính nền tảng nhằm tạo tiền đề và môi trường thuận lợi cho phát triển ngành công nghiệp quan trọng này; từ chủ trương của Đảng, được thể chế hóa trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước; đến những nỗ lực vượt bậc trong ưu tiên phát triển hạ tầng, như năng lượng, logistics…

Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia tốt vào chuỗi giá trị ngàn tỷ USD của ngành công nghiệp bán dẫn.

PGS.TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa nhận định, bối cảnh thế giới hiện nay đặt ra việc cần vẽ lại vị trí trên bản đồ thế giới về bán dẫn và đây là cơ hội đặc biệt cho Việt Nam, để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, bắt đầu từ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về bán dẫn.

Theo PGS.TS Hồ Xuân Năng, do tính chất đặc thù, việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn nói chung, nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nói riêng, không thể đạt được hiệu quả cao nếu thực hiện một cách độc lập, đơn lẻ. Việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “nhà” là: Các cơ quan Nhà nước, các viện nghiên cứu/trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.  

Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa cho biết, tập đoàn tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam bằng việc đầu tư mang tầm chiến lược. Cụ thể: Thành lập Công ty Bán dẫn Phenikaa (S-Phenikaa) hoạt động trong lĩnh vực thiết kế  vi mạch và các dịch vụ liên quan đến vi mạch; thành lập Trung tâm Phenikaa đào tạo nguồn nhân lực vi mạch theo mô hình dựa trên nhu cầu của khách hàng.  

Đồng thời, từ năm học 2024-2025, Trường Đại học Phenikaa đưa chuyên ngành thiết kế vi mạch vào chương trình đào tạo đại học chính quy với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn theo chiều rộng và chiều sâu theo nhu cầu xã hội.  

Gắn đào tạo với doanh nghiệp

Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu” đã đưa ra những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam. Các chuyên gia chia sẻ về những phương tiện và phòng lab dùng chung cho đào tạo và thiết kế chip bán dẫn, và đặc biệt là cách thức để có thể hình thành một tháp nhân lực bán dẫn Việt Nam từ nguồn nhân lực đầy tiềm năng của Việt Nam...

Được biết, Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế Vi mạch bán dẫn cùng các đối tác cam kết đào tạo tối thiểu 8.000 kĩ sư thiết kế chip và 12.000 kĩ sư/kĩ thuật viên bậc cao có chứng chỉ quốc tế trong các nhà máy lắp ráp, đóng gói, kiểm thử đến năm 2030, đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu nhân sự dự kiến của ngành.

Chú thích ảnh
Đại diện Trường Đại học Phenikaa thỏa thuận hợp tác chiến lược với các trường đại học danh tiếng. Ảnh: LV

Tại đây, Tập đoàn Phenikaa và các đối tác đã công bố những bước đi cụ thể mang tầm chiến lược nhằm hiện thực hóa cam kết của mình đồng hành cùng Chính phủ phát triển nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao tại Việt Nam, đó là thành lập Liên minh hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu bán dẫn theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) và giới thiệu Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và Công ty S-Phenikaa. Gắn đào tạo với doanh nghiệp nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra, Trường Đại học Phenikaa, Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn và Công ty S-Phenikaa sẽ phối hợp chặt chẽ và hoạt động như một tổ hợp dịch vụ kinh doanh cung cấp các dịch vụ: Đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên mô hình đào tạo trên công việc; thiết kế sản phẩm chip theo nhu cầu thị trường, nhằm vào các ngách sản phẩm AI thiết yếu; cung cấp các dịch vụ thiết kế chíp hàng đầu khu vực và thế giới.  

Ông Lê Thái Hà - Giám đốc Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn cho biết: “Bằng liên kết rộng mở với các đối tác chiến lược trong và ngoài nước về đào tạo, thiết kế, sản xuất thử vi mạch, Phenikaa kì vọng, các thế hệ học viên bước ra từ Hệ sinh thái Tập đoàn sẽ trở thành những nhân tố chủ chốt trong quá trình đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghệ bán dẫn nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung”.

Tại Hội thảo diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Phenikaa với các trường đại học danh tiếng như Arizona State University - Hoa Kỳ, Chang Gung University Đài loan, các công ty Synopsys, SiCADA, Công ty CP Công nghệ VMO Holding…, nhằm mở rộng hoạt động đào tạo cũng như chuẩn bị đầu ra cho nguồn nhân lực tại Việt Nam và các quốc gia phát triển.

Lê Vân/Báo Tin tức
Những trường đào tạo ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn năm 2024
Những trường đào tạo ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn năm 2024

Nhiều trường đại học thông báo mở ngành hoặc chuẩn bị mở ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn năm 2024 như: Đại học Bách khoa Hà Nội, hai đại học Quốc gia, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Phenikaa, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN