08:22 15/08/2021

Từ ngày 9-15/8, TP Hồ Chí Minh có trên 27.480 ca mắc COVID-19

Từ 18 giờ ngày 8/8 đến đến 18 giờ 30 phút ngày 15/8, TP Hồ Chí Minh có 27.482 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Theo nhận định của TP Hồ Chí Minh, số ca F0 vẫn chưa giảm và cần siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, từ 0 giờ ngày 16/8, TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách đến 15/9, đồng thời đẩy mạnh tiêm phủ vaccine trong cộng đồng.

Ngày 14 và 15/8 số ca F0 tăng trở lại

Chú thích ảnh
Các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Số ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì con số gần 4.000 ca mỗi ngày, tuy nhiên trong ngày 14 và 15/8 tăng vọt trên 4.000 ca/ngày. Theo đó, ngày 14/8 là 4.231 ca F0 và 15/8 là 4.516 ca F0. Tổng số ca mắc COVID-19 trong tuần (tính từ 18 giờ ngày 8/8 đến 18 giờ 30 phút ngày 15/8) là 27.482 ca. Riêng ngày 15/8, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, thành phố có 285 trường hợp tử vong.

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã có tổng cộng 149.286 trường hợp mắc COVID-19 được công bố.  Ngoài ra, trong 32.293 bệnh nhân đang được điều trị hiện nay, có có 2.237 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.851 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số bệnh nhân xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 70.727 trường hợp.

Tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện dịch COVID-19 có nguy cơ tái bùng phát mạnh và khốc liệt hơn nếu người dân mất cảnh giác, chủ quan, vì vậy TP Hồ Chí Minh đã quyết định phải kéo dài giãn cách xã hội thêm 1 tháng để từng bước đưa thành phố trở về trạng thái bình thường mới.

Trong 1 tháng thực hiện giãn cách, TP Hồ Chí Minh chia thành 2 giai đoạn: từ ngày 15 - 31/8 và từ ngày 1 - 15/9. TP Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 31/8 sẽ kiểm soát được dịch bệnh đối với 7 quận, huyện: 5, 7, 11, Phú Nhuận, Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đẩy nhanh đốc độ tiêm chủng trong thời gian giãn cách xã hội đến ngày 15/9. Ảnh: Hoàng Tuyết

Để duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, TP Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức sản xuất an toàn theo 1 trong 4 phương án. Phương án 1 là thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ theo kíp” linh hoạt. Phương án 2 là thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” linh hoạt. Phương án 3 là cả 2 mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm”. Phương án 4 theo phương châm “4 xanh” gồm: nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện điều chỉnh phân tầng điều trị còn 3 tầng, huy động tất cả bệnh viện công lập và tư nhân tham gia; đồng thời nâng cấp, trang bị cho cơ sở cách ly có chức năng chữa trị của quận, huyện và thành phốThủ Đức. Thành lập Trung tâm Quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, ô xy, số giường bệnh cho hệ thống cơ sở điều trị, đảm bảo các bệnh viện được trang bị đầy đủ ôxy và thuốc men cũng như thành lập Tổ chuyên gia về điều trị.

Để có thể kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trong việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là thông điệp 5K, giãn cách xã hội, “nhà cách ly nhà, người cách ly người”, tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân, phối hợp với chính quyền triển khai tốt hơn nữa mô hình tự quản "vùng xanh" và đồng ý tiêm vaccine ngay khi đến lượt. Đồng thời, đấu tranh chống các thông tin xấu, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, trong 30 ngày sắp tới, Thành phố sẽ tập trung chiến lược điều trị giảm tử vong với 2 trụ cột. Thứ nhất là chiến lược điều trị F0 tại nhà và cộng đồng với mục tiêu để kéo giảm ca diễn tiến nặng, tử vong thông qua rà soát và nắm chắc danh sách F0 điều trị tại nhà; tư vấn, theo dõi sức khỏe hàng ngày; có túi thuốc điều trị và phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp diễn tiến nặng. Thứ hai là chiến lược điều trị F0 tại bệnh viện theo hệ thống 5 tầng, mấu chốt được xác định là oxy và thuốc (theo chỉ định của Bộ Y tế).

Trong việc thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra hướng dẫn về công tác cung ứng thực phẩm cho người dân. Theo đó, điểm cung ứng thực phẩm thuộc khu vực “vùng xanh” nào thì cung ứng cho người dân ở khu vực đó. Hàng tuần, chính quyền địa phương sẽ phát phiếu đi chợ cho hộ gia đình ghi rõ địa điểm, thời gian được đi mua thực phẩm. Bên cạnh đó, ưu tiên tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho cư dân “vùng xanh” và thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định hoặc khi có yếu tố dịch tễ.

85.608 người đã được tiêm vaccine Vero Cell, tất cả đều an toàn

Sau khi được Bộ Y tế đồng ý và cấp phép, từ ngày 13/8 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm chủng vaccine Vero Cell của Sinopharm trên cơ sở tự nguyện, theo nhu cầu của người dân với 17.916 liều của Sinopharm đã được tiêm an toàn trong ngày đầu tổ chức. 

Chú thích ảnh
Tổ chức tiêm chủng vaccine Vero Cell cho người dân tại Quận 12 (Trung tâm Y tế Quận 12)

TP Hồ Chí Minh tiếp tục phân bổ thêm 118.000 liều vaccine Vero Cell trong ngày 14/8. Như vậy, trong 1 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm được Bộ Y tế đồng ý cho TP Hồ Chí Minh sử dụng, đã có 162.000 liều được phân bổ cho các quận, huyện và TP Thủ Đức. Theo đó, trong ngày 14/8 đã có 85.608 người dân thành phố được tiêm vaccine Vero Cell của Sinopharm, tất cả các điểm tiêm đều ổn định và an toàn.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, hiện có 2 địa phương đã hoàn thành công tác tiêm chủng mũi 1 cho người trên 18 tuổi là quận Phú Nhuận và huyện  Cần Giờ. Cụ thể, quận Phú Nhuận có số bao phủ vaccine so với tổng số dân là 152.387/163.961 người, đạt tỉ lệ 92,94% dân số; trong đó, số liệu thống kê dân cư từ 18 tuổi trở lên, đến ngày 13/8, quận đã tiêm đạt 118.215/121.324 người, đạt tỉ lệ 97,4%. Trong khi đó, huyện Cần Giờ đã tiêm vaccine cho 54.130 người dân, đạt tỉ lệ 97,3% (dân số trên địa bàn huyện là hơn 71.000, trong đó người trên 18 tuổi là hơn 59.000 người).

Riêng Quận 11 đã “về đích đầu tiên”, chưa tới 10 ngày tiêm xong vaccine mũi 1 cho người dân, là  quận dẫn đầu về tốc độ tiêm vaccine tại TP Hồ Chí Minh. Với 22 đội tiêm cố định, 16 đội tiêm lưu động, đồng thời phân công lãnh đạo quận và các phòng ban trực tiếp phụ trách các điểm tiêm, Quận 11 đã triển khai nhanh, về đích sớm trong công tác tiêm phòng.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ 22/7 đến hết 13/8, TP Hồ Chí Minh đã tiêm được 3.490.295 người. Tất cả những người này sau tiêm sức khỏe đều ổn định và an toàn.

Tuy nhiên để có thể đạt độ phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 toàn dân, TP Hồ Chí Minh cho biết cần thêm 4 triệu liều vaccine trong thời gian tới, đặt mục tiêu đến cuối tháng 8 sẽ có 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, qua 16 đợt phân bổ vaccine phòng COVID-19 của Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm được hơn 1,7 triệu liều (riêng đợt 5 đã triển khai gần 800.000 liều) thuộc các nhóm đối tượng ưu tiên. 

Thí điểm điều trị có kiểm soát tại nhà các trường hợp F0

Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các F0 tại nhà và cộng đồng, được cung cấp thuốc và chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần sẽ được triển khai thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16/8.

Đây là một trong số những giải pháp nhằm giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần để làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng, chống dịch COVID-19”.

Cụ thể, 3 hoạt động chính là: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch COVID-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.

Cùng với đó là tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế đối với các F0 để họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng để được giúp đỡ. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.

Những trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng, thông qua cuộc gọi được lập trình sẽ được lấy phiếu chấp thuận tự nguyện tham gia chương trình (e-consent), được theo dõi hàng ngày việc dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng “Nhật ký bệnh nhân điện tử” qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)