10:21 31/10/2020

Tin nổi bật ngày 31/10

Nghệ An tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ; Quảng Nam cứu nạn, hỗ trợ dân ở Trà Leng; Trung Bộ còn mưa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất;  chuyên gia người Hàn Quốc dương tính tại Nhật Bản đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2... là những tin nổi bật trong ngày 31/10.

Huyện Thanh Chương, Nghệ An tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ 

Chú thích ảnh
Người dân xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương dọn vệ sinh nhà cửa sau lũ. Ảnh: TTXVN phát.

Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết, trong hai ngày 30 - 31/10 huyện có hơn 1.800 nhà dân bị ngập nước. Hiện ở các xã nước đã lũ đã rút, huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai. Hiện trên địa bàn huyện có 7 xã vùng trũng (trong tổng số số 37 xã, thị trấn) nước chưa rút hết, đó là các xã Thanh Xuân, Thanh Lâm, Thanh Mai, Thanh Tùng... Bởi đây là các địa phương vùng trũng, nước lũ rút chậm. UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo chính quyền các xã rà soát danh sách các hộ gặp khó khăn để hỗ trợ các nhu yếu phẩm, nước ngọt; có phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các vùng nguy hiểm; tổ chức phân công lực lượng trực ứng cứu khi có các trường hợp bất thường xảy ra.

Trong khi đó, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xảy ra mưa to trên diện rộng kết hợp với việc xả lũ của các đập thủy điện Khe Bố, Chi Khê, gây ngập úng trên địa bàn. Mực nước tiếp tục dâng cao thêm 1m trong sáng 31/10 khiến hàng ngàn hộ dân sinh sống tại các xã ngoài đê sông Lam và vùng trũng của huyện đều chìm trong biển nước, cô lập hoàn toàn.

Quảng Nam tích cực tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng

Vụ sạt lở ở huyện Nam Trà My và huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vừa qua đã làm cho hàng chục người dân địa phương bị chết, mất tích và bị thương. Tại điểm sạt lở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã đưa chuyên gia địa chất vào để hỗ trợ công tác tìm kiếm.

Chú thích ảnh
Nạn nhân vụ sạt lở đất tại xã Trà Leng đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Trong số 6 nạn nhân bị nặng tại điểm sạt lở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My được chuyển đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, có 3 nạn nhân được chuyển vào khoa hồi sức tích cực để can thiệp kịp thời. Qua quá trình điều trị, đã có 1 bệnh nhân được chuyển sang khoa ngoại và 2 bệnh nhân tiếp tục điều trị tại khoa hồi sức tích cực, trong đó có 1 nữ nạn nhân 15 tuổi được chẩn đoán chấn thương cột sống cổ, gãy xương đùi đang được các bác sĩ chăm sóc tích cực.

Trong vụ sạt lở tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, hiện có 12 nạn nhân được cứu sống đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bắc Trà My và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.

Hiện công tác tìm kiếm cứu nạn tại các điểm sạt lở của 2 huyện Nam Trà My và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam vẫn đang được tiếp tục triển khai. Các lực lượng chức năng với tinh thần khẩn trương tiếp cận và cứu sống nhiều nạn nhân nhất có thể.

Tuy nhiên, trong ngày 31/10, tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam có mưa to, việc sạt lở các tuyến đường khả năng vẫn xảy ra. Công tác tìm kiếm các nạn nhân còn lại gặp rất nhiều khó khăn. Lực lượng quân y cũng đã có mặt để kịp thời cung cấp thuốc men cho các lực lượng tại đây. 

Đêm 31/10: Trung Bộ còn mưa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, đêm 31/10, các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Đà Nẵng còn có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-20 mm, có nơi trên 30mm; các tỉnh thành phố từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi trên 70mm. Dự báo từ 13-18 giờ ngày 31/10, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Khánh Hòa và Tây Nguyên. Nguy cơ ngập lụt sâu diện rộng vùng trũng thấp, khu đô thị tại các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Quảng Ngãi.Từ ngày 1/11 mưa giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 1

Chú thích ảnh
Sạt lở và lũ quét đã cuốn trôi hết mọi tài sản của người dân Trà Leng. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá. Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như: mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất...

Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét đến nơi có vị trí cao hơn; sẵn sàng sơ tán theo hướng dẫn của chính quyền để đảm bảo an toàn tính mạng.

Chuyên gia người Hàn Quốc đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2

Ngày 31/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, chuyên gia người Hàn Quốc đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 6 sau khi người này nhập cảnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trường hợp này sẽ được xét nghiệm bằng RT-PCR thêm 1 lần nữa vào ngày 31/10 theo quy định của Nhật Bản.

Chú thích ảnh
Cách ly tập trung người nhập cảnh phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Trước đó, tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận thông tin một chuyên gia quốc tịch Hàn Quốc bay từ TP Hồ Chí Minh nhập cảnh Nhật Bản có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên. Thành phố đã điều tra dịch tễ, khoanh vùng, lấy mẫu, thực hiện cách ly tất cả các trường hợp tiếp xúc.

Theo đó, có khoảng trên 300 trường hợp tiếp xúc gần và tiếp xúc với người tiếp xúc gần với chuyên gia Hàn Quốc. Tất cả trường hợp tiếp xúc này đều có kết quả xét nghiệm âm tính, không có dấu hiệu liên quan đến COVID - 19.

TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, không đợi xuất hiện ca bệnh hoặc ca nghi ngờ mới thực hiện phòng bệnh. Mỗi người dân hãy cùng thực hiện “Thông điệp 5K” từ Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế để chung sống an toàn với đại dịch COVID-19.

Cũng tính đến 18 giờ ngày 31/10, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc mới COVID-19, đều là ca nhập cảnh đã được cách ly ngay; tổng số mắc hiện là 1.180 ca. Trong đó, có 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Hiện tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 14.713 người, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện 174 người, cách ly tập trung tại cơ sở khác 13.208 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú 1.339 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 6 ca, lần 2 là 4 ca, lần 3 là 7 ca. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 là 35 ca, số ca điều trị khỏi là 1.063 ca.

Hải Yên/Báo Tin tức (Tổng hợp)