01:05 09/01/2019

Rác ở Tokyo - Kỳ 2: Học cách vứt rác của người Nhật Bản

Người Tokyo nói riêng, người Nhật Bản nói chung chấp nhận thay đổi bản thân để mình được sống trong một thành phố, đất nước với môi trường sống sạch sẽ, an toàn.

Chú thích ảnh
Rác không cháy phải bỏ vào từng thùng riêng biệt như thùng đựng vỏ lon, thùng đựng rác thủy tinh và bắt buộc không được vứt rác để nguyên trong túi nilon.

Cùng với các giải pháp khoa học và công nghệ, các quy định phù hợp và nghiêm khắc về bảo vệ môi trường, để có một thủ đô Tokyo xanh, sạch đẹp như ngày nay phải dựa trên một yếu tố quyết định, đó là ý thức người dân trong việc vứt rác cũng như bảo vệ môi trường.

Ngày gia đình tôi mới sang Nhật, khi vào nhận căn hộ, chúng tôi được người quản lý hướng dẫn tỉ mỉ mất cả buổi sáng, trong đó hướng dẫn an toàn cháy nổ và phân loại rác là mất nhiều thời gian nhất. Chúng tôi ở tầng 4 một chung cư 12 tầng, ở mỗi tầng đều có một phòng  nằm ở cuối hành lang dùng để chứa rác thải.

Trong căn phòng đó có 12 thùng rác lộ thiên dùng để vứt các loại rác vô cơ, không có nắp đậy và một thùng rác kín có nắp đậy dùng để vứt rác hữu cơ (rau, củ, phụ phẩm thực phẩm, thùng này bên trong còn được lót sẵn túi nylon đề phòng nước từ rác chảy ra dù rác vứt vào đó cũng đều phải bỏ vào túi, bao chứ không được vứt thẳng rác vào thùng). 12 loại rác vô cơ được phân ra từng thùng với ghi chú và nhãn dán ở bên ngoài thùng, gồm có: 1 - rác cháy được (giấy lẻ, vụn, túi giấy, vải, vỏ hộp bánh kẹo), 2 - rác nhựa (đồ chơi trẻ em, túi nylon, nắp chai nhựa,..), 3 - vỏ chai nhựa (đã bỏ nắp), 4- chai thủy tinh (đã bỏ nắp nhựa hoặc kim loại), 5 - vỏ hộp kim loại, 6 - thủy tinh (gốm, sứ, thủy tinh vỡ), 7- giấy báo (sách, vở nguyên quyển buộc thành bó), 8 - bìa hộp carton (đã gỡ thành miếng), 9 - rác nguy hiểm (pin), 10 - rác nguy hiểm (kim khâu, kim tiêm, móc câu), 11 - rác kim loại (mắc áo, kìm, tuốc nơ vít), 12 - đồ điện, điện tử (máy sấy tóc, quạt điện- chiều cao hay bề ngang không quá 30cm, đồ chơi điện tử, điện thoại di động).

Chú thích ảnh
Khu vực phân loại rác đốt được và rác không đốt được.

Quả thật, với 40 năm quen nếp sống cứ rác là vứt, bất kể thể loại thì quả đây là một thói quen mới không hề dễ học. Mỗi nhà còn được phát một cuốn hướng dẫn vứt rác do thành phố Tokyo in và không phải tự nhiên người ta phải in một cuốn sách mấy trăm trang như vậy. Ví dụ như bỉm vệ sinh của con bạn sẽ vứt vào loại rác nào, khi bên ngoài nó là bông, vải sẽ phải vào thùng rác cháy nhưng bên trong nó là chất hữu cơ sẽ phải vứt vào thùng rác hữu cơ. Hay như con bạn có đồ chơi trong đó có pin, pin sẽ phải tháo ra để bỏ vào loại rác nguy hiểm, cái đó dễ rồi. Nhưng đồ chơi đó lại có cả bộ phận bằng kim loại và bộ phận bằng nhựa, vậy sẽ bỏ vào loại rác nào? Trong cuốn hướng dẫn đó có đủ cả, bạn chỉ phải chịu khó làm theo hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Rác quá khổ, cồng kềnh sẽ đặt ở góc của phòng đựng rác. Tất cả vật dụng gia đình như tivi, giường, tủ, cứ cái gì bỏ đi có kích cỡ quá 30cm (trừ bìa carton) thì phải mua tem vứt rác để dán riêng từng cái. Nhiều tem, ít tem phụ thuộc kích cỡ, trọng lượng, chất liệu của món đồ của bạn muốn vứt. Tem này có bán tại mọi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24h ở khắp nơi, cứ trong vòng bán kính 500m chắc chắn sẽ có hơn một cửa hàng tiện lợi mà người Nhật gọi là combini. Combini có thể của nhiều hãng, nổi tiếng và phổ biến thì gồm Seven Eleven, Family Mart, LawSon nhỏ hơn thì có Ministop, Cricle K, Sunkus, Daily Yamazaki. Tại đây bạn có thể thanh toán tiền điện thoại, tiền bảo hiểm, tiền mua đồ qua mạng của các hãng như Amazon, Ebay, Rakuten (nếu như không có thẻ tín dụng hoặc ví điện tử để thanh toán trực tiếp qua mạng), gửi đồ, bưu phẩm, bưu kiện (hoạt động như một trạm bưu điện), photocopy và tất nhiên nó là một siêu thị mini và là một cửa hàng ăn uống lúc nào cũng có đầy thức ăn nóng hổi. Hệ thống này chính là một đảm bảo cho Tokyo trở thành một đô thị hoạt động suốt đêm ngày.

Năm sau, chúng tôi chuyển nhà đến một chung cư khác gần nơi làm việc hơn, lại gần ga hơn. Ở Tokyo giá bất động sản phụ thuộc phần lớn vào khoảng cách từ nhà bạn đến ga tầu. Các văn phòng bất động sản có bảng giá cụ thể cho khoảng cách, các bảng quảng cáo bất động sản bao giờ cũng có câu “đến ga gần nhất xy phút”. Nhà cũ của chúng tôi cách ga 10 phút đi bộ, với diện tích 63m2 giá thuê là 22man (22 vạn yên bằng khoảng 44 triệu VND). Nhà mới của chúng tôi cách ga 2 phút đi bộ, với diện tích tương đương giá 27man. Ở chung cư này lại áp dụng một cách vứt rác khác, mỗi tầng có một ống bỏ rác, rác cháy và rác hữu cơ được bỏ vào ống này. Tất nhiên phải để ở hai túi riêng, túi rác hữu cơ ngoài túi nylong bên trong, phải được cuốn giấy báo bên ngoài để dễ phân loại. Các loại rác khác phải đi xuống tầng một, ở đó mới có nhà để rác vô cơ và cũng chia ra các loại thùng khác nhau.

Sau này tôi mới biết, chung cư nào càng phân chia thật nhỏ, thật tỉ mỉ các loại rác thì tiền vứt rác càng rẻ. Thảo nào tôi đọc tin trên báo thấy nói nhiều nơi ở Nhật như thị trấn Kamikatsu họ còn phân chia rác thành 45 loại. Tức là mỗi công ty thu gom rác họ sẽ thu gom đúng loại họ cần và họ mất ít thời gian, công sức để phân loại và sơ chế. Ví dụ như công ty chuyên gom lọ thủy tinh để tái chế nếu chai thủy tinh vẫn còn nắp nhựa hoặc bộ phận nhựa chống chảy tràn nằm trong cổ chai họ sẽ mất công gỡ bỏ. Nếu bạn lại để riêng chai thủy tinh mầu trắng và các chai thủy tinh mầu riêng, rõ ràng sẽ thuận lợi cho người thu gom và sơ chế nguyên liệu trước khi tái chế. Hay công ty chuyên tái chế chai nhựa trắng PET để thành các đồ dùng một lần như ống hút, thìa nhựa, họ sẽ mất rất ít công nếu các chai đều đã được bỏ nắp, gỡ bỏ nhãn dán.

Chú thích ảnh
Phòng xử lý rác và tập trung rác giấy tại một chung cư, có quy định rõ thùng cacton phải được gấp gọn mới được vất và không được vất rác giấy ngoài giờ làm việc của phòng.

Một chuyện thú vị về rác đó là những người mà tôi tạm gọi là “đồng nát” ở Nhật. Hôm đó tôi đang đi bộ từ siêu thị về nhà thì thấy một chiếc xe tải nhỏ chạy rất chậm, tốc độ chỉ hơn một người đi bộ. Xe phát một đoạn nhạc ngắn lặp đi lặp lại. Tôi tò mò lắm bèn hỏi mọi người và được biết đó là người làm nghề đồng nát ở Nhật. Nhưng ngược với Việt Nam là người có đồ sẽ mang ra bán cho người mua đồng nát thì ở Nhật người có đồ muốn vứt sẽ phải mất tiền cho người thu gom. Hóa ra đồng nát ở Nhật là những ông chủ vựa thu mua, tái chế, xử lý đồ thải cồng kềnh, chủ yếu là đồ điện, điện tử như quạt, máy sưởi, điều hòa, tivi, tủ lạnh,… quy mô nhỏ và cạnh tranh bằng giá với hệ thống của những công ty lớn hơn hoặc của công ty vệ sinh của thành phố thu gom những rác quá khổ bằng cách bán tem vứt rác. Ví dụ như tôi muốn vứt bộ bàn ghế làm việc gồm một chiếc ghế xoay và một chiếc bàn làm việc kích cỡ 0,8x1,2m thì chiếc ghế sẽ mất một tem một ngàn yên, chiếc bàn sẽ mất 2 tem hai ngàn yên, vậy là muốn vứt tôi phải mất 3 ngàn yên (bằng khoảng 600 ngàn VND). Nếu tôi chịu khó chờ và phải rình nữa vì những người gom đồng nát họ đi không theo một lịch cố định nào, thì có thể sẽ chỉ mất một nửa tiền.

Một câu chuyện thú vị về rác nữa đó là chuyện dọn chất thải của thú cưng như chó, mèo. Người Nhật nói chung, người Tokyo nói riêng bây giờ không muốn lập gia đình. Sống một mình chắc nhiều lúc cũng buồn nên nhiều người nuôi chó làm bạn. Nuôi chó ở Tokyo đối với cá nhân tôi là một cực hình, tôi thường đùa với vợ, thà bắt anh nuôi vợ còn hơn. Trước khi nuôi chó người nuôi phải tham gia một lớp học thường là một ngày của một hiệp hội chó ở địa phương. Bạn sẽ được học tất cả những kiến thức cơ bản về chăm sóc, nuôi dạy, khám chữa bệnh, quyền của chủ nuôi cũng như quyền của con chó (không được ngược đãi, hành hạ chó chứ đừng nói đến chuyện thịt chó), cho đến vấn đề vệ sinh của con chó. Học xong có trả bài và có giấy chứng nhận đã tham gia khóa học. Không có giấy mà nuôi chó là anh vi phạm, sẽ bị phạt nếu bị phát hiện.

Nếu có dịp tới Tokyo, các bạn sẽ thấy người nào dắt chó đi dạo cũng cầm theo một chiếc túi nhỏ, trong đó đựng một chai nước, vài cái túi nylon, bao tay nylon. Chai nước dùng để dội khi chó của mình tè và túi nylon cùng với bao tay dùng để bốc phân. Túi phân đó bạn sẽ phải đem về nhà để vứt vì ở Tokyo thùng rác cũng rất ít- họ có thói quen mang rác của mình về nhà vứt, thùng rác riêng cho phép vứt phân chó lại càng vô cùng hiếm (thùng rác này có in hình và viết chữ cho phép). Chỉ tưởng tượng tới việc tung tăng đi chơi công viên với một túi phân chó trong túi là tôi đã thấy khâm phục những người nuôi chó ở Tokyo sát đất.

Tóm lại, chỉ sau 10 năm chịu cảnh sống chung với rác và khói bụi, người Tokyo nói riêng, người Nhật Bản nói chung đã cương quyết không chịu tiếp tục sống như vậy. Họ đã chấp nhận thay đổi bản thân để mình được sống trong một thành phố, đất nước với môi trường thiên nhiên, môi trường sống sạch sẽ, an toàn. Không chỉ thế mà họ còn để lại cho các thế hệ tương lai một nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường. Nhờ những thành tựu to lớn trong nghiên cứu khoa học công nghệ, những dự án quy hoạch và tái chế nghiêm ngặt, đặc biệt là thái độ tích cực của người dân, lượng rác thải của Tokyo đã giảm đáng kể so với trước đây. Lượng rác thải của Tokyo hiện là 2,7 triệu tấn, bằng gần một nửa so với kỉ lục 4,9 triệu tấn vào năm 1989.

Bài, ảnh: Nguyễn Tuyến (P/v TTXVN tại Tokyo)