12:08 01/12/2018

Những 'chiêu độc' thu phí phương tiện vào nội đô của các thành phố lớn thế giới

Hà Nội đang chuẩn bị lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô để tránh ùn tắc, giảm ô nhiễm. Đây là mô hình nhiều thành phố lớn trên thế giới đã áp dụng từ lâu.

Bài 1: Singapore – “Ông trùm” hệ thống đánh phí

Singapore là một trường hợp điển hình khi nước này áp dụng thành công hai hệ thống chống tắc nghẽn giao thông bằng cách thu phí phương tiện vào các khu vực trung tâm đông đúc.

Hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP)

Có thể nói Singapore là “ông trùm” trong hệ thống đánh phí vào phương tiện để tránh tắc nghẽn giao thông. Singapore, một quốc đảo nhỏ bé với diện tích hơn 720km2 và 5,6 triệu dân (số liệu năm 2017), là nơi mà để chạy một chiếc ô tô riêng trên đường thì chủ xe phải trả không biết bao loại phí. 

Chú thích ảnh
Một giàn tín hiệu thu phí đường bộ điện tử (ERP) tại Singapore. Ảnh: StraitsTimes

Để giải quyết tình trạng tắc nghẽn, Singapore đã áp dụng rất nhiều biện pháp, trong đó việc thu phí phương tiện vào nội thành từ năm 1998 tới nay. Trong giai đoạn từ năm 1995 tới 1997, Singapore thử nghiệm hệ thống thu phí đường bộ điện tử (ERP), theo đó tùy thời điểm trong ngày, địa điểm và loại phương tiện mà chủ xe phải đóng các mức phí khác nhau khi vào khu vực trung tâm bị áp phí và tại ba điểm dọc ba tuyến đường cao tốc. Sau đó, toàn bộ các tuyến đường cao tốc đều có nhiều điểm thu phí hơn.

Tới năm 1998, hệ thống ERP đã được áp dụng tự động hoàn toàn và thu phí điện tử tại hơn 50 điểm khắp thành phố, gồm những điểm trong khu vực kinh doanh trung tâm hoặc dọc các tuyến đường cao tốc chính có mật độ xe cộ lưu thông cao. Giờ hoạt động của ERP là từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối từ thứ 2 đến thứ 6.

Dần dần, cơ quan điều hành hệ thống ERP tiếp tục mở rộng số điểm tính phí khi điều kiện giao thông phát triển hơn. Trong năm 2017, mức phí là từ 0-2 USD cho mỗi một xe đi qua một điểm thu phí. Trên đường cao tốc, phí được thu vào ngày trong tuần từ 7 giờ sáng đến 9 giờ 30 sáng với mức từ 0-4 USD. Một số con phố chính được tính phí vào ngày thường từ 7 giờ sáng đến 9 giờ 30 sáng với mức từ 0 đến 0,8 USD.

Bất kỳ xe nào đi qua khu vực tính phí đều phải có một chức năng gọi là “In Vehicle Unit – IU” (hệ thống tiếp sóng) lắp trên bảng đồng hồ với một thẻ thông minh có sẵn tiền trong IU. Các IU có hiển thị hình ảnh và tín hiệu âm thanh để thông báo cho tài xế về khoản tiền bị trừ hoặc số dư. Thẻ này do ngân hàng phát hành và có thể nạp tiện tại ngân hàng hoặc ATM. 

Giàn tín hiệu tại từng địa điểm thu phí dùng công nghệ truyền thông cự ly ngắn chuyên dụng (DSRC), xác định tình trạng, chức năng hoặc loại IU để nhận biết loại phương tiện, rồi trừ số phí phù hợp trên thẻ. Hành vi vi phạm và lỗi hoạt động cũng sẽ bị phát hiện tại địa điểm thu phí. Khi đó, camera được kích hoạt để chụp ảnh biển số xe để gửi thông báo vi phạm qua thư. Xe không có IU bị phạt 50 USD và xe không đủ tiền trong thẻ bị phạt 6 USD một lần. 

Công nghệ này có thể xác định và tính phí khi xe chạy tốc độ lên tới 120km/h, không cần trạm thu phí, không cần làn hạn chế, không cần giảm tốc. Mỗi ngày có khoảng 300.000 giao dịch thu phí như vậy. 

Chương trình ERP thời gian đầu áp dụng đã hoạt động dần trơn tru, tỷ lệ vi phạm thấp (1-2%). Phương tiện vào khu vực hạn chế giảm tới 44% khiến áp lực giao thông giảm đáng kể. Hệ thống này khiến nhiều người chuyển sang dùng xe buýt, thay đổi thời gian đi lại hoặc chuyển tuyến đường khác. Tắc nghẽn giao thông trong khu vực hạn chế gần như không còn. Từ năm 1998 tới nay, lượt xe vào khu vực hạn chế giảm 21% mỗi ngày.

Hệ thống đăng ký vào nội đô (ALS)

Hệ thống đăng ký vào nội đô là một phần quan trọng trong giảm khí thải và quản lý giao thông ở Singapore từ năm 1975. Khi đó, mức phí dành cho các phương tiện muốn vào khu vực kinh doanh trung tâm rộng 5km2 (khu vực hạn chế) vào 7 giờ 30 đến 9 giờ 30 sáng là 1,3 USD. Xe buýt, xe máy, xe cảnh sát, xe chở nhiều người được miễn phí.

Chú thích ảnh
Singapore áp dụng nhiều biện pháp để chống tắc nghẽn giao thông. Ảnh: Business Times

Xe vào khu vực hạn chế qua bất kỳ điểm nào trong thời gian tính phí đều buộc phải trình tại các bốt ven đường giấy phép ngày hoặc tháng đã mua từ trước và gắn trên kính chắn gió. Người vi phạm xe bị phát hiện tại điểm tính phí và gửi thư thông báo vi phạm. Mức phạt rất nặng để tránh tái phạm.
Hệ thống này được đưa vào hoạt động kèm với: cung cấp khu vực đỗ xe và dịch vụ giao thông con thoi (tuyến đường ngắn) để vào khu vực hạn chế; cung cấp dịch vụ xe buýt tăng cường và giảm chỗ đỗ xe trong khu vực hạn chế.

Từ khi áp dụng, hệ thống ALS đã được điều chỉnh và mở rộng nhiều lần. Ngay sau khi áp dụng, thời gian tính phí được mở rộng tới 10:15 sáng để giảm tình trạng cố tình thay đổi giờ di chuyển để tránh giờ bị tính phí. Các năm sau đó, Singapore điều chỉnh phí ngày tăng dần và mở rộng khu vực tính phí trong nội đô.

Chi phí ban đầu cho hệ thống ALS là 210.000 USD năm 1975. Chi phí vận hành hàng năm giai đoạn 1975-1988 là 250.000 USD. Doanh thu trong giai đoạn này cao gấp 11 lần chi phí. Hệ thống ERP thì đắt hơn, 110 triệu USD năm 1998. Một nửa là để mua 1,1 triệu IU. Doanh thu mỗi năm trong những năm 2000 là 100 triệu USD.

Singapore thuyết phục người dân về thu phí phương tiện nội đô như thế nào?

Mặc dù Singapore có thể thực hiện hệ thống thu phí chống tắc nghẽn mà không cần hỏi ý kiến người dân, nhưng quốc gia này đã thực hiện một chương trình nâng cao ý thức và đánh giá kéo dài cả năm. Họ lắng nghe phản ứng của người dân bằng cách điều chỉnh chương trình thu phí trước khi thực hiện. Chính phủ tiếp tục điều chỉnh và mở rộng chương trình thu phí từ năm 1975 tới nay.

Chú thích ảnh
Giao thông công cộng ở Singapore rất phát triển. Ảnh: Yahoo Singapore

Singapore đã tuyên truyền về hệ thống thu phí này để người dân ngày càng chấp nhận hơn. Các lãnh đạo đã nêu bật những cải tiến cả trước và trong quá trình áp dụng thu phí. 

Trong suốt hơn 30 năm qua, Singapore đã vừa mở rộng chương trình thu phí chống tắc nghẽn giao thông, vừa cải cách và mở rộng chính sách đánh thuế phương tiện, đồng thời nâng cao đáng kể dịch vụ giao thông công cộng như đưa vào sử dụng và mở rộng hệ thống xe buýt, đường sắt nhẹ, giao thông đại chúng tốc độ cao. Nhờ đó, Singapore điều hành giao thông hiệu quả, trở thành mô hình cho hệ thống thu phí chống tắc nghẽn ở thành phố. 

Người dân đã ý thức được thành công, hiệu quả của loại hình thu phí này về các mặt như an toàn, phúc lợi, sức khỏe, an ninh thu nhập, cơ hội việc làm. Do đó, họ coi thu phí chống tắc nghẽn chỉ là một chính sách khác cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế lâu dài và chất lượng cuộc sống.

Nhìn chung, người dân Singapore phản ứng tích cực với loại phí này, cho dù lúc đầu họ coi đây là hệ thống “cướp tiền hàng ngày”. Những hoài nghi ban đầu này đã được giải quyết hiệu quả thông qua thông tin và trải nghiệm thực tế. Do vậy, Singapore được xem là một mô hình mẫu về thành công của chính sách thu phí phương tiện vào nội đô.

Bài 2: Bài học chống tắc nghẽn từ London

Thùy Dương/Báo Tin tức