10:22 28/10/2015

Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều - Kỳ 1

Đầu tháng 12/2015, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015) sẽ được tổ chức trọng thể; theo như công văn số 8467-CV/VPTW ngày 15/8/2015 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du.


CUỘC ĐỜI NHIỀU THĂNG TRẦM

Cùng với đó, thời gian qua, rất nhiều hoạt động tuyên truyền, hội thảo khoa học… đã được tổ chức, để khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của Đại thi hào Nguyễn Du đối với nền văn hóa, văn học - nghệ thuật của Việt Nam và nhân loại…

Nguyễn Du (1765 - 1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại Kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đã từng làm đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê; mẹ ông là người con gái xứ Kinh Bắc (Bắc Ninh), bà Trần Thị Tần.

Năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nghiễm thôi giữ chức Tham Tụng. Nguyễn Du theo cha về quê). Năm Bính Thân (1776) cha mất, lúc đó Nguyễn Du mới lên 11 tuổi. Hai năm sau, năm 1778, mẹ ông cũng lâm bệnh rồi mất. Mới 13 tuổi, Nguyễn Du đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Mộ Đại thi hào Nguyễn Du.

Năm 1783, Nguyễn Du thi đậu Tam trường, được tập ấm một chức quan võ của người cha nuôi là Hà Mỗ, ở Thái Nguyên. Sau đó, Nguyễn Du lấy vợ, là bà Đoàn Thị Huệ, người làm An Hải, huyện Quỳnh Côi, trấn Nam Sơn (nay là tỉnh Thái Bình), con của tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục. Năm Mậu Thân (1788), khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, Nguyễn Du lánh về nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn tại Thái Bình.

10 năm ở quê vợ là “Mười năm gió bụi” (Thập tải phong trần) như cách gọi của Nguyễn Du, với bao cảnh cơ hàn, bần cực. Khi bố vợ là Đoàn Nguyễn Thục và người con trai lớn mất, Nguyễn Du đành cõng người con trai còn lại là Nguyễn Tứ về quê cha đất tổ ở Tiên Điền. Trở lại quê, nhà cửa tan hoang, anh em lưu tán khắp nơi, ông đã phải thốt lên: “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” (trở về Hồng Lĩnh gia đình không còn anh em lưu lạc khắp nơi). Tuy vậy, ở Tiên Điền, lúc này bà con thân thuộc, con cháu thì nhiều. Nguyễn Du được bà con gia tộc chia cho mảnh đất ở thôn Thuận Mỹ làm nhà ở. Thời gian này, ông tự đặt cho mình biệt hiệu “ Hồng Sơn liệp hộ” (Phường săn núi hồng) và “ Nam Hải điếu đồ” (Nhà chài bể Nam).

Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), Gia Long ra Bắc Hà có xuống chiếu cho các quan chức cũ của nhà Lê phải ra yết kiến. Nhân dịp đó, Nguyễn Du được vua truyền lệnh theo xa giá ra Bắc Thành và được dùng làm quan. Tháng 8 năm ấy, ông được bổ làm tri huyện Phù Dung (thuộc Khoái Châu, Sơn Nam). Tháng 11 bổ làm tri phủ Thường Tín. Mùa đông năm Quý Hợi (1803) sứ nhà Thanh phong sắc cho vua Gia Long. Nguyễn Du được cử cùng Tri phủ Thượng Hồng là Lý Trần Chuyên; tri phủ Thiên Trường là Ngô Nguyễn Viên và tri phủ Tiên Hưng là Trần Lân đi Trấn Nam Quan (Hữu Nghị quan ngày nay) nghênh tiếp sứ thần. Mùa thu năm Giáp Tý (1804) Nguyễn Du lấy cớ bị bệnh xin từ chức về quê. Con đường làm quan với nhà Nguyễn đang hanh thông, nhưng ông vẫn thấy không mặn mà với triều đại này.

Về quê chưa được bao lâu, thì vua Gia Long có chỉ gọi ông vào Kinh Đô. Mùa xuân năm Ất Sửu (1805) được thăng Đông Các đại học sĩ, tước Du Đức hầu. Đây là một ân sủng lớn mà triều đình giành cho Nguyễn Du. Bởi Nguyễn Du chỉ đỗ Tam Trường (Tú tài) mà thời đó phải đỗ Hương cống (Cử nhân) thì mới được bổ làm quan. Sở dĩ triều đình nhà Nguyễn phong đặc cách cho Nguyễn Du như vậy vì trước hết Nguyễn Du là một người có tài, hơn nữa ông lại xuất thân trong một gia đình khoa bảng lỗi lạc, một thời gian dài là dường cột của triều đình nhà Lê. Trọng dụng những người như Nguyễn Du có thể tranh thủ được sĩ phu Bắc Hà.

Tháng 9 năm Đinh Mão (1807), ông được bổ chức giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương. Xong việc, ông xin nghỉ về quê, được vua chấp thuận. Đến mùa Hạ năm Kỷ Tị (1809) vua lại có chỉ bổ ông giữ chức Cai Bạ tỉnh Quảng Bình. Nguyễn Du giữ chức Cai Bạ 4 năm, chính sự giản dị không cần tiếng tăm nên được sỹ phu và nhân dân yêu mến.

Đến tháng 9 năm Nhâm Thân (1812) ông xin tạm nghỉ hai tháng về quê xây mộ cho anh là Nguyễn Nễ.Tháng 2 năm Quý Dậu (1813) có chỉ triệu ông về Kinh thăng hàm Cần Chánh Đại học sĩ, rồi cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế Cống Chánh sứ. Trong thời gian đi sứ, ngoài sứ mệnh bang giao, mỗi khi đi qua đền chùa, các danh thắng nổi tiếng của Trung Quốc, Nguyễn Du thường ghé thăm và làm thơ. Qua sông Mịch La nơi Khuất Nguyên tự tử, Nguyễn Du làm bài thơ “Phản chiêu hồn” khuyên Khuất Nguyên đừng trở về dương gian xấu xa, đầy tội ác. Đến thăm đền thờ Tiểu Thanh ở Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, người con gái tài sắc bạc mệnh, Nguyễn Du làm thơ khóc Tiểu Thanh, ngậm ngùi nghĩ đến thân phận mình:“Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như” (Không biết ba trăm năm lẻ nữa. Thiên hạ có ai khóc Tố Như không).

Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814) Nguyễn Du trở về nước và có tập thơ “Bắc hành tạp lục”. Mùa hạ năm Ất Hợi (1815) Nguyễn Du được phong chức Hữu Tam Tri Bộ Lễ, tước Du Đức hầu (do đó người xưa thường gọi ông là Quan Tham Thúy Kiều).

Mùa thu năm Kỷ Mão (1819) Nguyễn Du được cử làm Đề Điệu trường thi Quảng Nam, ông dâng biểu xin nghỉ được nhà vua chuẩn y. Tháng 8 năm Canh Thìn (1820) vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, có lệnh sai Nguyễn Du đi làm Chánh sứ sang Trung Quốc cầu phong, nhưng ông chưa kịp đi thì mất tại Kinh thành Huế vào ngày 10 tháng 8 niên hiệu Minh Mạng năm đầu (dương lịch 16/9/1820) hưởng thọ 55 tuổi…

Xem Kỳ cuối: Truyện Kiều, di sản văn hóa của muôn đời
PV