Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều - Kỳ cuối:

Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nguyên có tên là “Đoạn trường tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc).


DI SẢN VĂN HÓA CỦA MUÔN ĐỜI


Tài sản văn chương phong phú

Theo gia phả họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Du để lại ba tập thơ chữ Hán: “Thanh Hiên tiền hậu tập”, “Nam trung tạp ngâm”, “Bắc hành tạp lục”.

Những năm đầu thế kỷ XX, khi biên soạn cuốn “Truyện cụ Nguyễn Du”, các tác giả Lê Thước và Phan Sĩ Bàng đã thu thập được một phần lớn trong số những bài thơ đó, nhưng chưa công bố, chỉ mới trích dẫn một số bài lẻ tẻ. Khoảng năm 1940 - 1941, tác giả Đào Duy Anh lại làm công việc thống kê này.

Năm 1959, ba nhà nho Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh sưu tầm, phiên dịch, chú thích và giới thiệu tập “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” (NXB Văn hóa, 1959), tuy nhiên chỉ gồm có 102 bài trong kho tàng thơ chữ Hán rất phong phú của Đại thi hào. Đến năm 1965, NXB Văn học đã ra “Thơ chữ Hán Nguyễn Du tập mới” do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, gồm 249 bài, chia thành các tập. 

Trong đó “Thanh Hiên thi tập” (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài, viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi làm quan nhà Nguyễn. Tập thơ được sáng tác trong ba gia đoạn: Giai đoạn "Mười năm gió bụi", từ năm 1786, năm Tây Sơn bắt đầu đưa quân ra Bắc Hà, cho đến năm Nguyễn Du trở về quê nhà ở Hồng Lĩnh, khoảng cuối những năm 1795 đầu năm 1796; giai đoạn "Dưới chân núi Hồng", từ năm 1796 đến năm 1802; giai đoạn 3 "Ra làm quan ở Bắc Hà", từ năm 1802 đến cuối năm 1804 (trong giai đoạn này có lần nhà thơ được cử đi nghênh tiếp sứ thần nhà Thanh sang phong sắc cho Gia Long).

Tập “Nam trung tạp ngâm” (Ngâm nga lặt vặt lúc ở miền Nam) gồm 40 bài thơ làm từ năm 1805 đến cuối năm 1812, tức là từ khi được thăng hàm đông các học sĩ vào làm quan ở Kinh (gần 4 năm) cho đến hết thời kỳ làm cái cai bạ dinh Quảng Bình (3 năm, 5 tháng).

Tập “Bắc hành tạp lục” (Ghi chép linh tinh trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ, viết trong chuyến đi sứ sang Trung Quốc.

Với cách sắp xếp đó có thể hiểu được tâm sự của Nguyễn Du trong từng giai đoạn. Có thể xem ba tập thơ này là ba tập nhật ký ghi trong một khoảng thời gian dài, từ năm nhà thơ 21 tuổi (1786) cho đến năm nhà thơ 49 tuổi (1814), trước khi qua đời 5 năm. Bài thơ nào cũng chứa đựng một lời tâm sự. Ngay những bài tức cảnh vịnh sử khi đi sứ Trung Quốc cũng không phải là những bài tức cảnh, vịnh sử thuần túy mà đều có bao hàm tâm sự của nhà thơ, bộc lộ thái độ sống của nhà thơ một cách hết sức rõ rệt.

“Tiếng kêu đứt ruột mới”

Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du nguyên có tên là “Đoạn trường tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh (Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh), nhưng “Truyện Kiều” chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại lúc nhà thơ đang sống. Tác phẩm gồm 3.254 câu lục bát kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn, nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.

Tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, “Truyện Kiều” chính là tiếng nói đề cao tình yêu tự do, khát vọng công lý và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du đã thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng, chung thủy trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức khắc nghiệt. Mối tình Kim - Kiều được xem như bài ca tuyệt đẹp về tình yêu đôi lứa trong văn học dân tộc. “Truyện Kiều” còn là bài ca ngợi ca vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng... Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân cho những vẻ đẹp đó. Đặc biệt, thông qua nhân vật Từ Hải, người anh hùng hảo hán, một mình dám chống lại cả xã hội bạo tàn, Nguyễn Du còn thể hiện khát vọng công lý tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng.

Cùng với đó, “Truyện Kiều” còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo, chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực đó được điển hình hóa qua các nhân vật như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, qua bộ mặt quan tham như Hồ Tôn Hiến... Đó còn là sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong tay bọn người bất lương tàn bạo, nó có sức mạnh đổi trắng thay đen, biến con người thành thứ hàng hóa để mua bán, chà đạp.

Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với “Truyện Kiều”, tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca, là sự kết tinh thành tựu nghệ thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Công đóng góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong lịch sử.

Nghệ thuật tự sự trong “Truyện Kiều” cũng đã có bước phát triển vượt bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lý con người.

Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, “Truyện Kiều” luôn được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả, từ trí thức đến người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm thi ca, nhạc họa sau này. Đồng thời, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Với “Truyện Kiều” nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được tác thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa Thế giới.

PV
Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều - Kỳ 1
Nguyễn Du và di sản Truyện Kiều - Kỳ 1

Đầu tháng 12/2015, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du (1765 - 2015) sẽ được tổ chức trọng thể; theo như công văn số 8467-CV/VPTW ngày 15/8/2015 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng về việc tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN