12:16 04/12/2015

Israel bao tiêu phần lớn dầu lậu của IS

Israel là đối tác chủ chốt tiêu thụ dầu lậu Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – truyền thông tại Trung Đông đưa tin.


KÌ 1: ĐÍCH ĐẾN ISRAEL

“Vàng đen” được xem là nguồn “dưỡng khí” chủ chốt của IS. Hàng ngày, quân khủng bố vẫn khai thác, vận chuyển, bán dầu để thu về nguồn tài chính lớn. Vậy ai là người mua? Dầu khai thác được chất lên xe bồn như thế nào? Ai là bên thu lời lớn nhất từ hoạt động buôn bán mờ ám này? Tờ al-Araby al-Jadeed (Qatar) mới đây đã cho đăng tải phóng sự liên quan đến mạng lưới vận chuyển, thu mua dầu lậu do IS khai thác trên phần lãnh thổ mà quân khủng bố kiểm soát ở Iraq và Syria. 

Xe téc chở dầu mỏ của quân khủng bố IS. Ảnh: AP

Theo điều tra của phóng viên tờ al-Araby al-Jadeed, dầu được IS “múc” lên tại các mỏ ở miền Đông Syria (chủ yếu là mỏ Cocono và al-Taim) và miền Bắc Iraq (trọng tâm là các mỏ al-Najma và al-Qayara ở Mosul). Tại các khu vực khai thác, quân khủng bố cho đăng những biển cảnh báo “Nghiêm cấm chụp ảnh – người vi phạm gặp nguy hiểm”. Việc hút dầu được thực hiện 9 giờ trong ngày, từ lúc bình minh cho tới khi chập choạng tối. Công việc chủ yếu được điều hành bởi các công nhân, kĩ sư người Iraq – những người trước đây từng vận hành dây chuyền sản xuất và được IS giữ lại, trả lương sau khi “Nhà nước” đánh chiếm cả một vùng lãnh thổ rộng lớn. Gia đình những người này được quân khủng bố chi trả hậu hĩnh, vì dầu mỏ là mạch sống của IS.

Sản lượng khai thác dầu của IS là từ dao động trong khoảng từ 30.000 – 40.000 thùng/ngày, giúp cho quân khủng bố thu được khoản lợi nhuận khoảng 3 triệu USD/ngày (con số này hiện giảm xuống từ 1-1,5 triệu USD/ngày sau khi Nga mở rộng không kích nhằm vào các cơ sở khai thác, đoàn xe chở dầu của IS). Trong năm 2015, quân khủng bố tăng lượng dầu hút lên, một phần là bởi các nguồn thu khác từ “quyên góp”, bắt cóc tống tiền, buôn bán đồ cổ tụt giảm. Năng lực khai thác được cải thiện đáng kể, do IS có được các bị máy hút, máy bơm điện sau khi đánh chiếm các cơ sở khai thác mỏ ở Allas and Ajeel gần thành phố Tikrit, Iraq. Quân khủng bố cũng chiếm được một số trang bị của một công ty dầu khí châu Á tham gia phát triển mỏ ở gần Mosul trong cuộc đánh chiếm tháng 6/2015.

Dầu khai thác được sẽ được chuyển tới thành phố Zakhu thuộc quyền quản lý của người Kurd nằm ở vùng đất ngã ba biên giới Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Các môi giới người Thổ Nhĩ Kỳ và Israel có mặt tại đây và khi đã chốt được mức giá giao dịch, dầu lậu được chuyển tới thành phố Silop (Thổ Nhĩ Kỳ), được đóng nhãn là có nguồn gốc từ Khu vực chính quyền người Kurd ở Iraq và bán với mức giá từ 15-18 USD/thùng, rẻ hơn rất nhiều so với giá trên thị trường thế giới (dầu ngọt nhẹ WTI và dầu biển Bắc lần lượt quanh ngưỡng 41 USD/thùng và 45 USD/thùng). Đầu mối thu gom là Farid, một nhân vật trung gian người Israel, tầm 50 tuổi, mang cả quốc tịch Hy Lạp. Từ đây, “đế chế” Farid chuyển dầu qua một số cảng ở Thổ Nhĩ Kỳ tới các khác và Israel là một đích đến chủ yếu. 

“Israel theo cách này hay cách khác là tác nhân buôn dầu chủ yếu cho IS. Không có Israel, dầu do quân khủng bố sản xuất sẽ chỉ đi lòng vòng giữa Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay cả các lái buôn ở 3 nước này cũng sẽ không dám nhận dầu (từ IS) nếu họ không có một đối tác tiêu thụ ở Israel”, tờ al-Araby al-Jadeed dẫn lời một quan chức ngành dầu lửa Iraq tiết lộ. Thông tin này cũng trùng hợp với dữ liệu mà truyền thông phương Tây từng mô tả trước đó. Hồi tháng 8/2015, tờ Thời báo tài chính (Financial Times/Anh) đưa tin, Israel bao tiêu tới 75% nguồn dầu do lực lượng người Kurd tại Iraq khai thác; 1/3 trong số này được chuyển qua cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) - cửa ngõ tiềm tàng cho dòng dầu lậu của IS. 

Hoài Thanh