Israel bao tiêu phần lớn dầu lậu của IS-Kỳ cuối

Dầu bẩn của IS được tuôn ra thị trường như thế nào là cả một quy trình tinh vi với sự tham gia của nhiều bên.

MA TRẬN DẦU BẨN

Để có được bức tranh về cách thức, con đường buôn bán dầu lậu của IS, phóng viên tờ Al-Araby đã tiếp xúc với một đại tá thuộc cơ quan tình báo Iraq. Thông tin, dữ liệu được củng cố, xác nhận bởi các quan chức an ninh người Kurd, nhân viên làm việc tại cửa khẩu Ibrahim Khalil dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq cùng một quan chức thuộc một trong ba công ty dầu mỏ có tham gia giao dịch mua bán dầu lậu của IS.

Mô phỏng quy trình khai thác, giao dịch dầu lậu của IS. Ảnh: Al-Araby

Viên đại tá tình báo giấu tên đã mô tả chi tiết quy trình từ khi dầu được múc lên từ các mỏ ở Iraq cho đến đích cuối cùng – thường là cảng Ashdod của Israel như sau: “Sau khi được hút lên và bơm vào các xe bồn, dầu rời khỏi địa phận tỉnh Nineveh và hướng về phía bắc tới thành phố Zakho, cách Mosul khoảng 88km. Sau khi đoàn xe tập hợp đông đủ - thường là khoảng từ 70-100 chiếc, các băng nhóm buôn lậu (gồm cả người Syria, người Kurd ở Iraq và một số lái buôn người Thổ, Iran) sẽ có mặt để giao dịch. Nhân vật phụ trách việc vận chuyển sẽ bán cho lái buôn nào trả mức giá cao nhất”.

Cạnh tranh giữa những băng nhóm này ngày một gay gắt, đã xảy ra nhiều vụ bắn giết, ám sát lẫn nhau để giành giật thị trường. Kẻ trúng thầu sau đó sẽ thanh toán 10-25% giá trị mẻ dầu bằng tiền mặt (đồng USD), số tiền còn lại sẽ được thanh toán sau. Cánh lái xe bồn sẽ giao xe cho những “đồng nghiệp” khác – những người có được giấy phép vận chuyển, giấy tờ cá nhân “hợp pháp” để vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ. Họ sẽ nhận lại những xe téc rỗng và lái trở lại khu vực do IS kiểm soát.

Trước mỗi lần vượt biên giới, dầu lậu đều được băng nhóm buôn lậu chuyển tới các cơ sở lọc dầu của các chủ tư nhân. Ở đây, dầu được đun nóng, sơ chế, rồi chuyển lên các xe téc, rồi vượt qua cửa khẩu Ibrahim Khalil vào Thổ Nhĩ Kỳ. Theo lời kể của quan chức tình báo này, bọn buôn lậu bắt buộc phải sơ lọc là bởi chính quyền tự trị người Kurd (KRG) ở miền bắc Iraq không cho phép việc vận chuyển dầu thô qua biên giới, trừ khi nó được Baghdad cấp phép. Công đoạn sơ chế này chủ yếu là để cánh lái buôn có được giấy tờ hợp pháp, lấp liếm số dầu này thành hàng hóa quá cảnh được phép chuyển dịch qua biên giới.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các đoàn xe bồn lại tiếp tục hành trình tới Silopi, nơi dầu được giao tới tay một người được gọi với cái tên “tiến sĩ Farid”, “Hajji Farid” hay “bác Farid”. Farid là người Israel, nhưng có cả quốc tịch Hy Lạp. Nhân vật này thường đi một chiếc xe Jeep hiệu Cherokee, lúc nào cũng có hai vệ sĩ cao to lực lưỡng đi kèm. Ở các điểm giao dịch, dầu lậu của IS chẳng khác gì dầu do KRG ở miền bắc Iraq bán ra, cả hai đều bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay không phép. Các công ty mua dầu của KRG cũng bao tiêu luôn cả dầu lậu của IS.

“Bác Farid” là nhân vật môi giới, giao dịch uy quyền và hiệu quả nhất trong ma trận dầu lậu của quân khủng bố IS. Farid là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ông ta sử dụng giấy phép kinh doanh này để môi giới các hợp đồng giữa các băng nhóm buôn lậu dầu IS và 3 công ty dầu làm đầu mối xuất sang Israel. Ba công ty này hoàn tất việc mua dầu lậu và sau đó vận chuyển dầu tới Israel thông qua các cảng như Mersin, Dortyol và Cayhan (đều ở Thổ Nhĩ Kỳ).

Chia sẻ với tờ Al-Araby, một quan chức châu Âu làm việc tại một tập đoàn dầu khí quốc tế hoạt động ở Trung Đông tiết lộ: Tại Israel, dầu được lọc qua 2 đến 3 lần, vì nước này không có các nhà máy lọc dầu hiện đại. “Vàng đen” sau đó được xuất đi các nước Địa Trung Hải – nơi mà chúng có được vị thế “bán hợp pháp”, với mức giá 30-35 USD/thùng. Tại bến mới, dầu được bán lại cho một vài công ty tư nhân với đích đến đa phần là một cơ sở lọc dầu do một người Italy làm chủ.

Trong quá trình điều tra, phóng viên tờ Al-Araby còn phát hiện thấy IS sử dụng nhiều hình thức thanh toán dầu lậu, theo kiểu các băng đảng mafia quốc tế hay thực hiện. Sau khi nhận 10-25% tiền tươi ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, IS được 3 công ty đầu mối thanh toán phần còn lại bằng các tài khoản mở tại một ngân hàng tư nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, dưới tên một công dân Iraq nào đó; hoặc là trả thông qua những người như “bác Farid”. Tiền được chuyển tới Mosul và Raqqa và rồi được rửa qua một số công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ngoại hối. Có tiền trong tay, IS mua xe hơi và xuất sang Iraq, bán qua mạng lưới ngầm của chúng ở Baghdad và một số tỉnh miền nam Iraq. Nguồn tiền rồi lại chảy về hệ thống tài chính nội bộ của IS.

Chỉ ít giờ sau khi bài điều tra được đăng tải, thông qua mạng Skype, đại diện tờ al-Araby đã kết nối được với một nhân vật thân cận với IS tại chính thủ phủ quân khủng bố ở Raqqa, Syria. Người này chia sẻ: “Công bằng mà nói, IS bán dầu khai thác được từ vùng lãnh thổ thuộc quyền kiểm soát; thế nhưng không có ý định bán cho Israel hay một nước nào đó. IS sản xuất và bán dầu qua các trung gian, rồi đến các công ty – những người sẽ quyết định bán cho ai”.

Hoài Thanh (Theo al-Araby, FT)
Israel bao tiêu phần lớn dầu lậu của IS
Israel bao tiêu phần lớn dầu lậu của IS

Israel là đối tác chủ chốt tiêu thụ dầu lậu Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng – truyền thông tại Trung Đông đưa tin.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN