08:18 06/08/2019

Iran dùng chiến thuật xuồng cao tốc đối phó với phương Tây ra sao?

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Iran nhận ra chiến hạm thông thường của quốc gia này không phải là đối thủ của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, những chiếc xuồng cao tốc tấn công nhỏ gọn (FAC) lại có thể trở thành “cơn ác mộng” đối với tàu cỡ lớn của phương Tây.

Chú thích ảnh
Xuồng cao tốc Iran xuất hiện bên cạnh tàu chở dầu gắn tàu Anh Stena Impero. Ảnh: Reuters

Suốt hai tuần qua, Mỹ và Anh ráo riết tìm cách hình thành một liên minh hải quân bảo vệ tuyến đường vận tải trên biển chiến lược qua Vịnh Ba Tư, song cho đến nay, điều đó vẫn chưa thành hiện thực.

Lý do hiển nhiên cho việc thất bại hình thành liên minh của Mỹ là sự không thống nhất trong chính sách đối phó với Iran giữa các đồng minh. Tuy nhiên, vẫn còn một lý do khác: lực lượng hải quân các quốc gia phương Tây còn e dè sức mạnh tiềm ẩn của đội quân sở hữu khoảng 2.000 xuồng cao tốc Iran quần thảo dọc Eo biển Hormuz.

Theo tạp chí phố Wall (WSJ), Hải quân thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGCN) luôn sử dụng đội xuồng máy được trang bị ngư lôi và tên lửa tầm ngắn cùng tàu tuần tra có gắn súng máy và bệ phóng rocket để kiểm soát tình hình tại một trong những tuyến đường hàng hải tấp nập nhất thế giới này.

“Hàng thập kỷ nay, Iran đều áp dụng chiến thuật này. Cá nhân từng tàu chỉ là một phần rất nhỏ trong sức mạnh chiến đấu của IRGCN. Một tàu thiệt hại sẽ không gây ra khác biệt gì quá lớn, song vai trò của chúng trong tập thể lại quan trọng hơn nhiều chúng ta tưởng tượng”, Giáo sư James Holmes chuyên nghiên cứu chiến lược hàng hải tại Đại học Chiến tranh Hải quân, nhận xét khi nói về Hải quân Iran.

Chú thích ảnh
IRGCN sở hữu khoảng 2.000 xuồng cao tốc tấn công (FAC) có khả năng bao vây dễ dàng những tàu hàng lớn. Ảnh: Reuters

Eo Hormuz chỉ dài 39km, điểm hẹp nhất là 33km, nhưng làn tàu chạy theo cả hai hướng chỉ rộng có 3km. Đặc điểm này cản trở tàu lớn đi qua nhưng lại phù hợp với các tàu kích thước nhỏ của Iran.

Iran có thể bao vây các tàu thuyền, bắt giữ các tàu nước ngoài hoặc thực hiện các hành động khác mà không gây ra thiệt hại hoặc thương vong đủ để kích động một hành động trả đũa quân sự, nhưng lại mang ý nghĩa nhắc nhở đối thủ về khả năng cản trở hoạt động thương mại của chính họ.

Với tình hình phức tạp tại eo biển nhỏ hẹp, trong hàng chục năm qua, Iran tự xây dựng một sức mạnh quân sự nhằm đối phó với hải quân phương Tây. Hiện IRGCN sở hữu khoảng 2.000 xuồng cao tốc tấn công (FAC) có khả năng bao vây dễ dàng những tàu hàng lớn di chuyển tốc độ chậm. Được trang bị súng máy và bệ phóng rốc-két, các tàu này mang theo tên lửa chống hạm và dẫn đường bằng radar có khả năng đánh chìm một mục tiêu 1.500 tấn.

Video Iran vây bắt tàu chở dầu Anh như phim hành động (nguồn: DM):

Nhận thấy không phải là đối thủ với các lực lượng hải quân truyền thống của phương Tây, hải quân Iran phát triển sức mạnh về “kỹ thuật bất đối xứng”. Bất kỳ chiến hạm hiện đại nào cũng khó có thể tự bảo vệ trước cuộc vây hãm của một đội hình FAC đông đảo, đặc biệt là khi chúng nhận được sự hỗ trợ từ các tàu ngầm mini trang bị ngư lôi.

Giới phân tích cũng tin rằng Iran còn phát triển thêm máy bay không người lái tuần tra trên biển có tên gọi Ya Mahdi. Những phương tiện này có thể được trang bị chất nổ và triển khai các cuộc tấn công tốc độ cao mà khó có thể bị phát hiện trên hệ thống radar.

Bảo Hà/Báo Tin tức