08:11 21/08/2020

Bầu cử Mỹ 2020: Nhận định về cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên Joe Biden - Phần 1

Chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ gần đây đã giúp cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden giành được đề cử ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, trở thành đối thủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 đối với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chú thích ảnh
Ông Joe Biden chính thức được đề cử làm ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Ảnh: Reuters

Bên cạnh các nhóm cử tri nòng cốt từng giúp ông giành chiến thắng trong cuộc chạy đua năm 2020 của đảng Dân chủ như người Mỹ gốc Phi, người trên 65 tuổi, cử tri sinh sống tại các khu vực ngoại ô, chiến dịch tranh cử của Joe Biden đang đẩy mạnh việc vận động tranh cử tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 

Quá trình làm việc trong chính quyền Mỹ lâu năm cùng với những diễn biến trong cuộc bầu cử năm 2020 đã dần nào phác họa những điểm chính nổi lên trong cương lĩnh tranh cử của ứng cử viên này như sau:   

1. Tư pháp hình sự:

Đối với án tử hình, phe Dân chủ nói chung và ứng cử viên Joe Biden nói riêng phản đối việc áp dụng án từ hình. Năm 2016, lần đầu tiên đảng Dân chủ chính thức phản đối việc áp dụng án từ hình.

Về cải cách tiền mặt, ông Biden ủng hộ việc chấm dứt hệ thống bảo lãnh tiền mặt, cho rằng điều này ảnh hưởng không tương xứng đối với người Mỹ có thu nhập thấp.

Về vấn đề thuốc gây nghiện (cocaine), cựu Phó Tổng thống Mỹ phản đối các hướng dẫn tuyên án khác nhau cho hai "dạng thức" điều chế cocaine, theo đó yêu cầu những người bị bắt vì liên quan đến việc tinh chế cocaine thành dạng "đá" (crack-cocaine) phải đối mặt với hình phạt nặng nề hơn nhiều so với người bị bắt do tinh chế cocaine thành dạng "bột".   

Về nhà tù tư nhân, ông kêu gọi việc chấm dứt hoặc không gia hạn hợp đồng của chính quyền Mỹ với các công ty chuyên về nhà tù tư nhân. Năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng các nhà tù tư nhân kém an toàn hơn so với nhà tù của chính phủ liên bang.

2. Kinh tế, thu nhập: 

Ông Biden kêu gọi việc tăng lương tối thiểu từ mức 7,25 USD/giờ lên 15 USD/giờ - sau đó đã được Quốc hội Mỹ thông qua từ tháng 7/2009, đồng thời cho phép mức lương tối thiểu được tự động tăng theo lạm phát. Đây cũng là một trong những nội dung chính được phe Dân chủ tại Hạ viện thúc đẩy trong Dự luật Tăng lương.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông ủng hộ nguyên tắc công dân Mỹ nghỉ phép vẫn được hưởng lương. Tuy nhiên, vấn đề này chưa nhận được sự thống nhất trong nội bộ đảng Dân chủ về các vấn đề phát sinh liên quan như cách trả tiền cho chương trình này, hoàn cảnh gia đình nào đủ điều kiện hưởng chế độ trên.

Về vấn đề bồi thường, ông Biden thúc đẩy quốc hội Mỹ thảo luận về vấn đề bồi thường đối với người Mỹ gốc Phi vốn là đối tượng của nạn bạo lực chủng tộc và phân biệt đối xử từ nhiều năm qua. Ông Biden dù không khẳng định ủng hộ kế hoạch bồi thường được đề xuất bởi Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Texas Jackson Lee như nhiều ứng cử viên khác của đảng này (về việc thành lập một ủy ban để xác định các khoản bồi thường và đề nghị hình thức bồi thường), song Giám đốc truyền thông của ông Biden là Kate Bedingfield cho rằng chính quyền Mỹ nên "thu thập dữ liệu cần thiết để có một cuộc trao đổi có hiểu biết về việc bồi thường".

3. Giáo dục:

Ông Biden phản đối sự tồn tại của các trường học bán công lập, cho rằng các trường học này đã góp phần vào việc "rút bớt" ngân sách của chính phủ liên bang đầu tư cho các trường công lập - vốn đang gặp nhiều vấn đề cần ưu tiên giải quyết.

Về chi phí học đại học, ông Biden thúc đẩy ý tưởng về một số hình thức học đại học miễn phí hoặc không có nợ. Tuy nhiên, vấn đề này chưa nhận được sự thống nhất của đảng Dân chủ về mức độ cụ thể đối với việc miễn giảm.

Về việc giải quyết nợ vay sinh viên (45 triệu người Mỹ hiện nợ khoảng 1,6 nghìn tỷ USD nợ vay sinh viên), ông Biden cho rằng nợ vay sinh viên là gánh nặng cho nhiều gia đình và là lực cản đối với nền kinh tế, do đó ủng hộ việc xóa bỏ tất cả các khoản vay này; đồng thời kêu gọi đảm bảo chương trình được đơn giản hóa và thực sự hỗ trợ cho các giáo viên.

Về việc tăng lương cho giáo viên và cải thiện điều kiện lớp học, ông Biden ủng hộ việc tăng lương cho giáo viên, trong đó có việc tăng gấp 3 lần khoản hỗ trợ được quy định tại Điều 1 Luật Giáo dục; yêu cầu chính quyền các quận sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho các giáo viên "mức lương cạnh tranh" và thực hiện các "khoản đầu tư quan trọng" khác trước khi sử dụng tiền cho các mục đích khác.

4. Vấn đề bầu cử:

Ông Biden ủng hộ cải tổ hệ thống tài chính phục vụ chiến dịch tranh cử, trong đó có đặt giới hạn cho việc vận động tài chính tranh cử. Các ứng cử viên hàng đầu từng tham gia cuộc chạy đua của đảng Dân chủ năm 2020 từng cam kết không nhận tiền từ các công ty vận động hành lang PAC. Ông Biden cũng cho rằng quyết định của Tòa án tối cao đưa ra năm 2010 về việc chi tiêu không giới hạn trong các cuộc bầu cử cần bị đảo ngược. Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden và phe Dân chủ thúc đẩy hình thức bỏ phiếu qua thư bưu điện nhằm hạn chế tác động của đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu trong ngày bầu cử "Siêu thứ Ba" lần hai tại điểm bầu cử ở Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 10/3/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

5. Năng lượng, môi trường và biến đổi khí hậu:

Về vấn đề điện hạt nhân, ông Biden cho rằng tương lai của ngành công nghệ năng lượng bị suy giảm do chi phí cao cho việc xây dựng các lò phản ứng và việc xử lý phế thải hạt nhân, do đó ông ủng hộ việc phát triển các loại công nghệ hạt nhân mới như một phần của nỗ lực đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu.

Về việc khai thác dầu khí, ông cho rằng khí đốt tự nhiên và than đá đóng góp 3/4 năng lượng tiêu thụ của Mỹ, bất chấp sự gia tăng nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo, do đó yêu cầu chính phủ Mỹ chấm dứt các hoạt động khai thác dầu khí trong lãnh thổ liên bang và ngoài khơi của Mỹ.

Về việc cắt giảm lượng khí thải carbon, ứng cử viên đảng Dân chủ kêu gọi giảm đáng kể việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch thải ra carbon như dầu, khí đốt tự nhiên và than đá. Để thực hiện mục tiêu này, ông ủng hộ việc trồng thêm cây xanh và chế tạo máy móc thân thiện với môi trường; cân nhắc việc gia tăng mức thuế carbon đối với các doanh nghiệp.

Xem tiếp Phần 2 tại đây

Bùi Đại Thắng (P/v thường trú TTXVN tại Washington)