Ninh Thuận: Giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời bệnh đau mắt đỏ

Sáng 28/9, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Thuận Đinh Văn Hùng cho biết, thời gian gần đây, bệnh đau mắt đỏ ở các địa phương trong tỉnh đang có dấu hiệu bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng, trong đó có cả người lớn và trẻ em.

Để ngăn chặn tình trạng trên, Bệnh viện và các Trung tâm y tế cơ sở đang tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các bệnh đau mắt đỏ, hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Mắt tỉnh Ninh Thuận trong sáng 28/9, rất đông người lớn và trẻ em đến khám và điều trị vì bị đau mắt đỏ. Theo báo cáo của Bệnh viện, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiến hành khám cho 1.180 trường hợp bị bệnh đau mắt đỏ; trong đó nhiều nhất là thời điểm tháng 9, bệnh đau mắt đỏ bùng phát mạnh. Từ ngày 1 - 27/9, Bệnh viện đã khám cho 1.096 trường hợp bị đau mắt đỏ, tăng đột biến so với cùng kỳ 2022.   

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và các trung tâm y tế huyện, số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám cũng có xu hướng tăng cao. Trung tâm Y tế huyện Ninh Hải từ đầu tháng 9 đến nay đã tiếp nhận, điều trị cho trên 60 ca.

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ bùng phát, ngành Y tế tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo người dân khi có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần tới khám tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị, tránh tai biến đáng tiếc.

Đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, dễ lây nhưng lành tính, ít để lại di chứng nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh và can thiệp kịp thời khi mắc bệnh.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận, hiện bệnh đau mắt đỏ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, khi bị đau mắt đỏ người bệnh thường được điều trị triệu chứng như: Vệ sinh mắt bằng cách rửa mắt; uống thuốc giảm đau, chống viêm; tăng cường sức đề kháng và dùng kháng sinh chống bội nhiễm. Người bệnh đau mắt đỏ không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt; đồng thời nên hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, dùng riêng đồ dùng cá nhân, cần tránh đưa tay bẩn lên mắt, mang kính mắt khi ra đường, rửa mắt với dung dịch theo chỉ định của bác sĩ. Người mắc bệnh đau mắt đỏ hoặc có dấu hiệu đau mắt đỏ cần giữ gìn vệ sinh, tránh lây lan ra cộng đồng.

Để để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, triển khai kịp thời các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch đau mắt đỏ; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo khẩn trương phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến giáo viên, các bậc phụ huynh đảm bảo vệ sinh nhà cửa, trường học, hướng dẫn và giúp trẻ em về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ, khám và dùng thuốc phù hợp khi mắc bệnh.

Công Thử (TTXVN)
Kiểm soát, không để bệnh đau mắt đỏ lan rộng trong cộng đồng
Kiểm soát, không để bệnh đau mắt đỏ lan rộng trong cộng đồng

Trong ngày 27/9, tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 1.700 ca đau mắt đỏ. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 16.220 ca mắc. Các địa phương có nhiều ca bệnh là thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Cái Nước… Phần lớn số ca mắc là trẻ em, học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN