Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ trong trường học

Từ đầu tháng 9/2023 đến ngày 26/9, tại Sóc Trăng, bệnh đau mắt đỏ diễn biến phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh tại các trường học với 14.552 học sinh, giáo viên, nhân viên mắc bệnh đau mắt đỏ. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có nhiều giải pháp hạn chế tình trạng lây lan bệnh đau mắt đỏ.

Chú thích ảnh
Giáo viên ở các trường Mầm non ở Sóc Trăng tuyên truyền phòng bệnh đau mắt đỏ cho phụ huynh học sinh. 

Thị xã Ngã Năm có 27 trường Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở, 3 trường Trung học Phổ thông. Ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã cho biết, UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường theo khuyến cáo của ngành Y tế. Phòng phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã, Trung tâm Văn hóa - Thể thao, Đài Truyền thanh đẩy mạnh truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh.

Các trường khi phát hiện học sinh có các dấu hiệu mắc bệnh đau mắt đỏ, nhanh chóng thông báo cho người nhà và Trạm Y tế gần nhất để triển khai xử lý ổ bệnh sớm, triệt để và vệ sinh trường, lớp học.

Ông Nguyễn Bá Tòng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Ngã Năm thông tin, từ đầu tháng 9 đến ngày 22/9, ghi nhận gần 500 trường hợp đau mắt đỏ, trong đó có 26 giáo viên, 473 học sinh. Các trường hợp bệnh đau mắt đỏ nhiều nhất ở bậc Tiểu học và Mầm non do độ tuổi này trẻ chưa có ý thức cao trong vệ sinh cá nhân (hay đưa tay lên mắt). Phòng đã chỉ đạo các trường củng cố lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; báo cáo nhanh các trường hợp mắc bệnh về Phòng và UBND các xã phường, Trạm Y tế để có sự phối hợp chặt chẽ trong phòng bệnh. Khi có học sinh bị bệnh đau mắt đỏ, các trường cho học sinh nghỉ ở nhà và vệ sinh trường lớp học. Nhà trường tăng cường tuyên truyền tại buổi sinh hoạt dưới cờ, giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho học sinh các biện pháp phòng lây lan bệnh đau mắt đỏ tại các buổi sinh hoạt lớp.

Chú thích ảnh
Giáo viên trường Trung học Cơ sở và Tiểu học Long Bình thị xã Ngã Năm,tỉnh Sóc Trăng lồng ghép tuyền truyền phòng bệnh đau mắt đỏ tại giờ lên lớp. 

Cô Võ Thị Cầm Tú, Hiệu trưởng Trường Mầm non Long Bình (thị xã Ngã Năm) cho hay, toàn trường có 9 lớp và 242 trẻ, từ đầu tháng 9 đến ngày 22/9 có trên 20 trẻ đã bị đau mắt đỏ. Hàng ngày, giáo viên tiến hành kiểm tra trước khi trẻ vào lớp học. Nếu phát hiện có dấu hiệu bị bệnh đau mắc đỏ, giáo viên thông báo phụ huynh cho trẻ cho nghỉ. Nhà trường chỉ đạo giáo viên tăng cường tuyền truyền cho phụ huynh các dấu hiệu nhận biết bệnh và các phòng, chống bệnh tại nhà; đồng thời thường xuyên vệ sinh dụng cụ đồ chơi, lau sàn, giặt khăn lau của trẻ...

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có công văn chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường chủ động triển khai các biện pháp để phòng, chống lây lan bệnh đau mắt đỏ như thường xuyên cho học sinh rửa tay bằng xà phòng, tuyên truyền cho học sinh không đưa tay vào mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân; hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ… Khi phát hiện có ca bệnh, nhà trường sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để vệ sinh các đồ dùng, bàn ghế của học sinh.

Chú thích ảnh
Giáo viên các trường mầm non tại Sóc Trăng hướng dẫn học sinh cách rữa tay bằng xà phòng để phòng bệnh đau mắt đỏ. Ảnh Tuấn Phi-TTXVN

Ngày 21/9, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu có công văn chỉ đạo Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Sở Y tế tỉnh tăng cường giám sát và xử lý kịp thời dịch đau mắt đỏ; phối hợp với các đơn vị, địa phương để hướng dẫn chuyên môn phòng trị bệnh đau mắt đỏ tại các nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp... Các cơ sở khám, chữa bệnh công lập tổ chức khám bệnh, tư vấn điều trị kịp thời và chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đảm bảo cho công tác điều trị.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng và UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý chủ động phối hợp với ngành Y tế khẩn trương triển khai phòng, chống dịch đau mắt đỏ. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh và nhân dân về các biện pháp phòng, chống dịch.

Tin, ảnh: Tuấn Phi (TTXVN)
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp đau mắt đỏ tại trường học
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp đau mắt đỏ tại trường học

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ có chiều hướng lây lan rộng tại các trường học trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương phối hợp cùng ngành Y tế triển khai nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN