Vận hành thử tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội trong 7 tuần

Từ ngày 11/3 - 26/4, dự án Tuyến đường sắt đô thị (Metro) thí điểm đoạn Nhổn-ga Hà Nội bắt đầu giai đoạn vận hành thử (Trial Run).

Theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), Trial Run là bước số cuối cùng trong 8 bước thử nghiệm và căn chỉnh hệ thống, trước khi đưa tuyến Metro này vào vận hành đoạn trên cao.

Mục tiêu của giai đoạn này là dựa trên vận hành thực tế, thực hiện quy trình toàn diện để xác minh các yếu tố vận hành bao gồm tài liệu, quy trình vận hành cũng như kiến thức và kỹ năng của nhân sự Vận hành và Bảo dưỡng (O&M).

Chú thích ảnh
Công tác Vận hành thử (Trial Run) là bước cuối cùng trong 8 bước Thử nghiệm và Căn chỉnh hệ thống trước khi vận hành tuyến Metro Nhổn-ga Hà Nội đoạn trên cao.

Trial Run là mô phỏng công tác vận hành tuyến khi không có hành khách bằng cách đánh giá kỹ năng và kiến thức của đội ngũ nhân viên đã được đào tạo quy trình vận hành; bao gồm việc lập các bài luyện tập về vận hành; lịch trình luyện tập về vận hành; huy động nhân sự O&M; thực hiện luyện tập và theo dõi nhân viên O&M.

Quy trình Trial Run sẽ bắt đầu từ 7 giờ 45 phút đến 16 giờ 45 phút hàng ngày, từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần. Giai đoạn Trial Run được chia ra 3 phần: Giai đoạn 1, các bài thực hành vận hành ở chế độ bình thường; Giai đoạn 2, các bài thực hành vận hành ở chế độ hạn chế; Giai đoạn 3, các bài thực hành vận hành ở chế độ khẩn cấp.

Tổng cộng có 57 kịch bản Trial Run cho các giai đoạn này. Mỗi kịch bản sẽ được thực hiện và đánh giá dựa trên biểu mẫu đánh giá do đơn vị tư vấn Systra lập và thực hiện. Biểu mẫu này bao gồm khoảng 22 tiêu chí về yếu tố kỹ thuật và vận hành để đánh giá.

Quá trình vận hành thử có sự tham gia của chủ đầu tư là Ban MRB Hà Nội, với trách nhiệm tổ chức thực hiện Vận hành thử. Đơn vị tư vấn Systra sẽ xây dựng tài liệu khung cho việc Trial Run theo yêu cầu của Hợp đồng; Tổ chức Vận hành thử theo Yêu cầu của Hợp đồng; Đảm bảo nhân sự O&M sử dụng thiết bị đúng cách; Giám sát, hướng dẫn nhân sự trong quá trình vận hành thử (với các nhân sự đã được Systra đào tạo).

Các nhà thầu cung cấp trang thiết bị, nhân sự phối hợp, sửa chữa nếu có lỗi, bảo dưỡng.

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cung cấp nhân sự O&M và quản lý nguồn lực O&M trong quá trình Vận hành thử. Đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống được thực hiện theo các tiêu chuẩn châu Âu và theo yêu cầu của các quy định của Việt Nam.

Tư vấn Liên danh Apave – Bureau Veritas – Certifer được lựa chọn và đồng hành cùng Dự án từ quá trình thi công xây dựng sẽ thực hiện công tác đánh giá và thể hiện trong 13 báo cáo đánh giá, kết quả cuối cùng sẽ là Chứng chỉ an toàn hệ thống.

Trên cơ sở các đánh giá, Tư vấn sẽ cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội sẽ lập hồ sơ trình Bộ GTVT để thẩm định. Kết quả thẩm định là cơ sở để xem xét đưa hệ thống vào vận hành.

Trước đó vào tháng 2/2024, Ban MRB Hà Nội, Tư vấn Systra, các nhà thầu, Hanoi Metro và Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cơ bản thực hiện xong công tác kiểm đếm tài sản tại hiện trường, sẵn sàng bàn giao theo quy định, đồng thời phối hợp cùng các nhà thầu, Tư vấn Systra thực hiện công tác chứng nhận an toàn hệ thống, tư vấn kiểm tra, chứng nhận an toàn hệ thống theo kế hoạch.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Gấp rút đào tạo 50 lái tàu cho tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội
Gấp rút đào tạo 50 lái tàu cho tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội

Quá trình RAMP-UP (khoá đào tạo thực tế) được áp dụng cho 50 người, chia làm 2 giai đoạn chính với 8 đợt tập huấn. Các học viên sẽ lái 3.000 km trên tuyến trước khi được cấp chứng chỉ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN