Ưu tiên phát triển y tế cơ sở, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu

Chính sách y tế cần ưu tiên cho y tế cơ sở, đảm bảo cho tuyến y tế này hoạt động hiệu quả theo mô hình cung ứng dịch vụ y tế lấy chăm sóc sức khỏe ban đầu làm nền tảng.

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam Lokky Wai phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Đây là nội dung được nêu ra tại Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách pháp luật về y tế và dân số” do Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức ngày 26/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế nói chung với khoảng 50% tổng số lượt khám chữa bệnh. Tuyến y tế cơ sở là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của gần 90% bệnh nhân bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, bất cập là đang thiếu về số lượng nhân lực ở tuyến y tế cơ sở, trong đó khó khăn trong tuyển dụng và quy trì nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn; khó khăn về kinh phí đầu tư, hoạt động…

Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe với nhiều định hướng chính sách, luật về y tế được ban hành, bổ sung kịp thời, các chính sách được luật hóa nên y tế ngày càng phát triển; đồng thời, đang thúc đẩy nhanh bảo hiểm y tế toàn dân, thúc đẩy xã hội hóa y tế.

Chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết: Việt Nam đã và đang tập trung đầu tư phát triển một số mạng lưới y tế cơ sở cả về vật chất, nguồn nhân lực và tài chính để đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe ban đầu hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn diện, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và chất lượng ngay tại nơi sinh sống.

Cùng quan điểm đầu tư, phát triển hệ thống y tế ở tuyến cơ sở, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội khóa XII và XIII) cho rằng, chúng ta đang đối mặt với thách thức về chi phí y tế ngày càng đắt đỏ, việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở là rất quan trọng.

Cần thực hiện các chính sách, luật tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, mô hình bác sĩ gia đình để hạn chế gia tăng chi phí y tế; đồng thời, cần ủng hộ các biện pháp quản lý mới, có hiệu quả với các bệnh viện yếu kém như thuê tư nhân quản lý bệnh viện công.


Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới về tài chính y tế Việt Nam cho thấy, nước ta hiện đang chi tiêu cho y tế khá cao, cao hơn các nước trong khu vực. Tuy nhiên, một nửa trong số đó là chi tư cho y tế (từ tiền túi người dân chiếm tỉ lệ lớn nhất với khoảng 43%); hiện độ phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80%.

Chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ chính sách y tế một số nước, bà Nguyễn Thị Kim Phương (đại điện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam) cho biết, không nước nào đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua việc tham gia tự nguyện cũng như dựa vào tài chính tư. Do vậy, bao phủ cho người phụ thuộc hoặc tham gia theo gia đình là con đường ổn định và hiệu quả nhất để đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia đưa ra các giải pháp nhằm phát triển hệ thống y tế cơ sở như chủ trương tự chủ bệnh viện hoặc xã hội hóa y tế. Tuy nhiên, một số đại biểu đã đề cập cần thực hiện thận trọng, bởi dễ phát sinh những vấn đề phức tạp, nhất là lạm dụng, gây khó cho bệnh nhân và quỹ bảo hiểm y tế. Điều này ảnh hưởng, tác động đến tính nhân văn, hiệu quả mà chúng ta đã thực hiện trong lĩnh vực y tế suốt thời gian qua.

Tiến Lực (TTXVN)
“Cởi trói” cho y tế cơ sở
“Cởi trói” cho y tế cơ sở

Các Thông tư sửa đổi tới đây sẽ hướng đến mở rộng danh mục dịch vụ kỹ thuật và thuốc cho tuyến y tế cơ sở, nhằm thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại tuyến y tế này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN