Trước tình hình bệnh sởi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 15/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai kế hoạch tăng cường phòng, chống bệnh sởi tại bốn điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Các bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2013, cả nước có 1.048 ca sở rải rác tại các tỉnh, thành phố và không có ca nào tử vong; đỉnh dịch vào tháng 5,7 và 11, trong đó 5 tỉnh, thành phố có số mắc sởi cao là Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhưng chỉ từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 993 ca mắc sởi tại 24 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Hà Nội (1 trường hợp), Yên Bái (2 trường hợp); số mắc tập trung tại các tỉnh, thành phố như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Cục Y tế dự phòng đánh giá, hiện tại, bệnh sởi đang xuất hiện rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số tỉnh, thành phố, chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi do chưa đến tuổi tiêm chủng, chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi trong những năm trước đây.
Đặc biệt, đợt dịch này đã xuất hiện nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm chủng) mắc bệnh. Lý giải về trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho biết, có 3 nguyên nhân dẫn đến trẻ dưới 9 tháng tuỏi mắc bệnh, đó là do người mẹ chưa mắc sởi bao giờ nên không có kháng thể sởi truyền sang cho trẻ qua nhau thai và trẻ không có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang. Do bà mẹ được tiêm vắc xin từ trước đó nhưng nồng độ kháng thể không đủ cao để bảo vệ cho trẻ hoặc hệ thống miễn dịch của trẻ không có khả năng duy trì nồng độ kháng thể từ mẹ truyền sang trong một thời gian dài, mà giảm nhanh sau vài tháng sau sinh. Ngoài ra, còn do bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ, khi đó trẻ không được hưởng tính miễn dịch với sởi từ sữa mẹ truyền sang dẫn đến nguy cơ nhiễm sởi ở mức cao...
Tại hội nghị, lãnh đạo sở y tế các địa phương đã báo cáo tình hình bệnh sởi trên địa bàn cũng như các giải pháp đã và đang thực hiện để phòng, chống dịch hiệu quả; đồng thời thống nhất khẳng định đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và sẽ khống chế thành công dịch sởi trong hai tháng tới.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu nhấn mạnh, trước tình hình dịch sởi hiện nay, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực có diễn biến dịch rộng và phức tạp, Bộ y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống và đã cơ bản khống chế được dịch. Tuy vậy, do dịch thường diễn ra theo chu kỳ 3-5 năm; vắc xin sởi cũng như các vắc xin khác, chỉ có khoảng 85% trẻ em tiêm vắc xin lúc 9 tháng tuổi được bảo vệ phòng bệnh sởi. Với tỷ lệ tiêm chủng mũi 1 cho trẻ 9 tháng tuổi đạt khoảng 90% có khoảng 76% số trẻ sinh ra hàng năm được bảo vệ. Số còn lại nếu không được tiêm chủng mũi 2 vắc xin sởi lúc 18 tháng tuổi sẽ tích lũy và có khả năng gây dịch nếu có vi rút sởi xâm nhập... nên cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới. "Việc xảy ra dịch hoàn toàn nằm trong dự đoán và có thể khống chế trong 1 đến 2 tháng tới nếu triển khai tốt các biện pháp phòng, chống", Thứ trưởng Long nhận định.
Để khống chế dịch sởi trong thời gian ngắn nhất, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi, tổ chức điều tra và xử lý ổ dịch trên địa bàn quản lý nhằm phát hiện sớm, tổ chức cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh. Các tỉnh, thành phố đang có dịch triển khai ngay chiến dịch tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi, lợi ích của việc tiêm vắc xin sởi, cũng như tăng cường giáo dục, truyền thông để người dân biết cách phòng bệnh cho bản thân, thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch sởi; các bà mẹ hiểu, yên tâm đưa con đi tiêm chủng.
Thứ trưởng Long cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đảm bảo đủ cơ số thuốc, vắc xin sởi cho công tác tiêm phòng. Bên cạnh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác thực hiện tại các địa phương, các viện trực thuộc khu vực hỗ trợ các địa phương có dịch triển khai hoạt động tiêm phòng an toàn hiệu quả...
Nguyễn Bích Thủy