Sẽ điều chỉnh phân tuyến quản lý cơ sở khám, chữa bệnh

Dự thảo Thông tư điều chỉnh phân tuyến quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia của bệnh viện tuyến Trung ương, sở y tế, bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện tuyến huyện...

Bệnh nhân đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Dự thảo Thông tư ra đời nhằm hướng dẫn điều chỉnh phân tuyến chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, làm cơ sở xác định các tuyến chuyên môn kỹ thuật để thực hiện các kỹ thuật theo phân tuyến, chuyển tuyến người bệnh và thanh toán khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, áp dụng chung đối với toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, tư nhân trên phạm vi toàn quốc.

Dự thảo đưa ra 3 tuyến tuyến kỹ thuật như sau:

Tuyến thứ nhất: Khám bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tuyến thứ hai: Tuyến điều trị đa khoa, được chia làm hai mức: đa khoa cơ bản và đa khoa nâng cao; các mức được xác định dựa trên số lượng chuyên khoa của cơ sở khám, chữa bệnh.

Tuyến thứ ba: Tuyến điều trị chuyên khoa, được chia làm ba mức: chuyên khoa, chuyên khoa kỹ thuật cao (gọi tắt là chuyên cao) và chuyên khoa kỹ thuật sâu (gọi tắt là chuyên sâu). Các mức được xác định dựa trên tỷ lệ các kỹ thuật thực hiện được chia theo các chuyên khoa của cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, hiện các nước trong khu vực và các nước phát triển thường phân cấp hệ thống khám chữa bệnh thành ba tuyến dựa trên chức năng (không theo phân cấp hành chính) bao gồm tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyến chăm sóc cơ bản và tuyến chăm sóc chuyên sâu.

Theo đó, Tuyến chăm sóc ban đầu (primary care) là các cơ sở y tế thuộc xã như các trạm y tế xã, trung tâm y tế xã, hoặc phòng khám đa khoa thuộc xã. Tuyến chăm sóc cấp 2 (secondary care) là các bệnh viện huyện; Tuyến chăm sóc cấp 3 (tertiary care) là các bệnh viện đa khoa tỉnh, vùng và bệnh viện chuyên khoa.

Các chuyên gia y tế đề xuất việc phân tuyến khám chữa bệnh cần dựa trên chức năng chăm sóc sức khỏe là tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cơ bản và khám chữa bệnh chuyên sâu. Nếu có phân loại bệnh viện, việc phân loại bệnh viện là khác nhau ở mỗi tuyến và giữa bệnh viện đa khoa với bệnh viện chuyên khoa chuyên khoa rất rõ ràng (ví dụ: bệnh viện loại A, B, C ở tuyến Trung ương khác với loại A, B, C.. ở tuyến tỉnh).

Về chuyển tuyến khám chữa bệnh, việc chuyển tuyến khám chữa bệnh giữa các tuyến, đặc biệt là từ tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu lên tuyến khám chữa bệnh cơ bản và chuyên sâu cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm soát có thể dựa vào cơ chế “Gatekeeper” là các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến y tế cơ sở như trạm y tế xã, bác sỹ gia đình... hoặc rào cản về tài chính dựa trên các quy định về chi trả dịch vụ.

Nguyễn Bích Thủy (TTXVN)
Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị giảm chuyển tuyến bệnh nhân để ngăn bị quá tải
Bệnh viện Chợ Rẫy kiến nghị giảm chuyển tuyến bệnh nhân để ngăn bị quá tải

Là bệnh viện tuyến cuối nên thời gian gần đây Bệnh viện Chợ Rẫy liên tục rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt là khoa Cấp cứu. Chính vì vậy, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Sở không chuyển bệnh nhân nếu bệnh trong phạm vi chuyên môn của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN