Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, trong đó có nhóm động vật đáy không xương sống. Nhằm cung cấp những luận cứ khoa học, đóng góp giá trị trong sự đa dạng về nguồn gen sinh vật tại khu vực này, mới đây, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu và công bố 5 loài mới cho khoa học và một ghi nhận mới cho khu vực ven bờ tại Côn Đảo và đảo Thổ Chu.
Trên thế giới, hiện có 58 loài cỏ biển tuy phân bố hẹp trên 600.000 km2 nhưng lại có vai trò quan trọng giúp ổn định nền đáy, làm giảm tác động của sông và dòng chảy, tăng lắng đọng trầm tích là nơi cư trú và cung cấp thức ăn cho các loài động thực vật biển. Tại Việt Nam, một số khu vực đất ngập nước, rừng ngập mặn và vùng biển ven bờ dọc theo chiều dài đất nước được các nhà khoa học điều tra, nghiên cứu bước đầu về mức độ đa dạng sinh học quần xã.
Trong quá trình điều tra nghiên cứu, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tứ (Phó Trưởng phòng Tuyến Trùng học) và các cộng sự tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phối hợp với nhóm nghiên cứu tại Viện Hải dương học Shirshov (Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga) đánh giá sự đa dạng sinh học của quần xã động vật đáy không xương sống cỡ trung bình, đặc biệt là tuyến trùng (động vật không xương sống) ở các hệ sinh thái tại đây. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã xác định tuyến trùng là nhóm chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối tới hơn 97% tổng số lượng cá thể tại khu vực nghiên cứu, theo sau là nhóm giáp xác chân chèo và ít nhất là nhóm nhỏ động vật không xương sống.
Tại Côn Đảo, nhóm nghiên cứu đã định loại được 67 loài tuyến trùng thuộc 26 họ trong 7 bộ. Tại Thổ Chu, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận được 100 loài, dạng loài tuyến trùng, 81 giống thuộc 29 họ và 6 bộ. Nhóm nghiên cứu đã giải trình tự thành công phân đoạn gen I3-M11 của gen ty thể COI đối với 45 mẫu tuyến trùng thuộc 35 loài, dạng loài. Gen ty thể COI cho thấy sự sai khác lớn ở cấp độ nucleotide và 100% khoảng cách di truyền cùng loài dựa trên gen ty thể COI cho kết quả nhỏ hơn 0,05.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đánh giá chất lượng môi trường nước dựa vào các sinh vật chỉ thị tại các khu vực đảo, quần đảo xa đất liền là khả thi và cần được nghiên cứu tiếp.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Đình Tứ cho biết, nghiên cứu đã bước đầu thành công trong xây dựng bức tranh tổng thể về đa dạng sinh học quần xã động vật đáy không xương sống cỡ trung bình và tuyến trùng sống tự do ở các hệ sinh thái tại khu vực nghiên cứu. Dữ liệu phân tử của gen ty thể COI đã được thiết lập cho các loài tuyến trùng biển sống tự do tại khu vực ven bờ tại Côn Đảo và đảo Thổ Chu.
Đặc biệt, Nghiên cứu này đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp loại xuất sắc với 4 bài báo quốc tế thuộc các Tạp chí khoa học tự nhiên và kỹ thuật (danh mục SCI, SCIE).