Nỗi khổ khi sống ở Thủ đô 50 năm không có nước sạch

Tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), hàng chục năm nay, người dân phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nước, nhưng ngay cả nước “bẩn” cũng ít do đào giếng sâu 70-80 m mà không có.

Ô nhiễm hàng chục năm

Để có được nước để sinh hoạt, rửa rau, nhà bà Nguyễn Thị Tình, xã Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội đã phải xử lý qua 2 hệ thống lọc nước, nhưng để có được nước để uống, sẽ phải qua thêm một lần lọc nữa mới có thể sử dụng được.  

Dẫn chúng tôi đến hệ thống bể lọc nước của gia đình, bà Nguyễn Thị Tình cho hay, hệ thống lọc nước của gia đình bà có rất nhiều lớp như xốp, cát, đá… rồi mới bơm nước xuống bể, để lắng lại. Tuy nhiên, sau khi để lắng vài ngày, thì nước vẫn có nhiều vẩn đen, mùi tanh. Trên hệ thống lọc có có lớp gỉ vàng bám vào các dụng cụ lọc. 

“Nước qua hệ thống bể lọc này chỉ có thể dùng để rửa rau, sinh hoạt hàng ngày, vì vẫn có mùi tanh, còn nước ăn và cả nước tắm rửa phải qua máy lọc nước nữa mới có thể sử dụng được”, bà Tình cho hay.

Chú thích ảnh
Hệ thống lọc nước nhà bà Tình bám đầy cặn bẩn.

Chia sẻ thêm về tình trạng này, ông Đinh Ngọc Đạt, chồng bà Tình cho hay, tình trạng ô nhiễm nước đã diễn ra rất lâu. Gia đình ông về đây sinh sống từ năm 1972, đến nay đã nửa thế kỷ phải đối mặt với tình trạng này, để dùng được nước đều phải lọc qua nhiều lớp mới có thể sử dụng được chứ không có cách nào khác. 

Ngoài ra, nơi đây còn phải khoan rất sâu mới có nước để dùng, giếng nước nhà ông Đạt phải khoan tới độ sâu 72 m, nhưng vẫn có ít nước. Ngay sát nhà ông Đạt, hàng xóm mới khoan giếng tới 80 m, nhưng vẫn không có nước để dùng.

“Người dân ở đây đã nhiều lần kiến nghị, mong muốn được đầu tư hệ thống nước sạch, nhưng chưa được giải quyết. Mong muốn của người dân ở đây là được dùng nước sạch, khu tôi sống có 60% người già, do dùng nước bẩn lâu năm, nên sức khỏe và tuổi thọ không tốt, nhiều người bị bệnh lâu năm rồi mất”, ông Đạt chia sẻ.

Chú thích ảnh
Nước sau khi lọc, tại bể lắng vẫn có màu đen và mùi tanh.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để xây dựng hệ thống lọc nước, ông Vũ Mạnh Hùng, trưởng khu dân cư  418, xã Tân Minh, cho biết, khu dân cư có hơn 200 hộ dân, có 600 nhân khẩu, nguồn nước người dân sử dụng là nước giếng khoan, nhưng rất ô nhiễm. Trong đó còn khoảng 100 hộ gia đình không có hệ thống lọc, bơm trực tiếp nước từ giếng lên bình chứa và dùng trực tiếp, khoảng 7-10 ngày lại phải vệ sinh bể chứa một lần vì rất bẩn, cặn bám vào xung quanh đặc quánh. 

“Nhà tôi phải xây dựng hệ thống lọc nước rồi mới sử dụng, nhưng mỗi khi đánh răng, rửa mặt thì có mùi tanh rất ghê, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của gia đình. Chỉ cần 1 -2 tháng mà không thay hệ thống lọc thì những mảnh xốp thì sẽ bị cứng thành phên, nước không thể chảy qua được”, ông Hùng cho hay.

Chú thích ảnh
Những miếng xốp sau 1-2 tháng sẽ bị đóng thành phên, tảng, không thể tiếp tục lọc nước.

Ông Nguyễn Văn Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, người dân tại xã chủ yếu sử dụng nước giếng khoan truyền thống, tự mua và sử dụng hệ thống lọc, Hệ thống nước máy ở địa bàn mới chiếm 20%.

Theo ông Tường, tình trạng ô nhiễm nước tại đây đã kéo dài nhiều năm, một phần là do nguồn nước tại địa phương có đặc trưng như vậy, một phần cũng do ảnh hưởng từ nguồn nước thải chăn nuôi, sản xuất, dù đã qua xử lý, nhưng lâu dài vẫn có tác động đến nguồn nước. Xã Tân Minh cũng có khoảng cách rất gần với khu xử lý rác thải Nam Sơn nên lâu dài cũng chịu ảnh hưởng. 

“Người dân có kiến nghị, xã đã có kiến nghị đề xuất huyện, thành phố đầu tư nguồn nước sạch cho địa phương tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn. Chúng tôi cũng đã mời các đơn vị tư vấn nước sạch hướng dẫn bà con khắc phục tình trạng ô nhiễm để có nước dùng trong sinh hoạt. Đồng thời, tuyên truyền bà con đưa chăn nuôi ra xa dân cư, giám sát doanh nghiệp sản xuất xả thải đáp  ứng tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn nguồn nước ngầm”, ông Nguyễn Văn Tường cho biết.

Cấp bách bảo vệ nguồn nước ngầm

Theo ông Triệu Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, tổng tài nguyên nước dưới đất dự báo trên cả nước ta hiện nay khoảng 180 triệu m3/ngày. Trữ lượng nước nhạt có thể khai thác cả nước ta hiện nay khoảng 61 triệu m3/ngày, và hiện nay đang khai thác khoảng 10 triệu m3/ngày, chiếm khoảng 16%. 

Tuy rằng việc khai thác nước dưới đất hiện nay ở nước ta còn thấp so với trữ lượng có thể khai thác, nhưng việc khai thác nước dưới đất chưa hợp lý, còn nhiều bất cập và đặc biệt chưa có định hướng quy hoạch khai thác hợp lý, nên nhiều nơi đã xảy ra các vấn đề tiêu cực như: Cạn kiệt nước dưới đất, gia tăng ô nhiễm nước, nguy cơ xâm nhập mặn nước và sụt lún nền đất ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Mỹ Tho, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu...

“Việc khai thác nước ngầm ở nhiều nơi chưa hợp lý cả về vị trí bố trí các công trình, cũng như lưu lượng khai thác, nên đã làm cho mực nước suy giảm, dẫn đến cạn kiệt nước dưới đất. Mực nước hiện nay của các tầng chứa nước khai thác bị hạ thấp liên tục theo thời gian. Bên cạnh đó, kết quả phân tích, giám sát cho thấy chất lượng nước ngầm ở một số khu vực đã phát hiện nhiều vấn đề, ví dụ như sự nhiễm bẩn nước dưới đất ở Hà Nội, TP Lạng Sơn, TP Hồ Chí Minh... Nhiễm mặn nước dưới đất ở TP Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới, TP Hồ Chí Minh...”, ông Triệu Đức Huy cho hay.

Để bảo vệ nguồn nước ngầm, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia vừa hoàn thành xong đề án Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn theo Quyết định số số 323/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cả nước hiện nay đã có 17 đô thị được hoàn thành việc xây dựng các giải pháp thực hiện bảo vệ nước dưới đất. 

“Một trong các giải pháp cấp bách để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước ngầm ở nước ta là khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; thực hiện phương án khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất; hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất; khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho các tầng chứa nước...”, ông Triệu Đức Huy nhấn mạnh.

Ngày Nước thế giới 22/3/2022 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề là “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình", nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; hướng đến kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cần có những hành động khai thác, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm, thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.
Bài, ảnh, clip: Thu Trang/Báo Tin tức
Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình
Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình

Ngày Nước Thế giới năm 2022 có chủ đề "Nước ngầm" nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững. Thông điệp của chủ đề này là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN