Theo đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 176 ổ dịch sốt xuất huyết với 902 ca mắc, tăng 54 ca so với cùng kỳ năm ngoái; chưa ghi nhận ca tử vong. Các địa phương có nhiều ổ dịch như: thành phố Vũng Tàu (68 ổ), huyện Châu Đức (52 ổ), thị xã Phú Mỹ (26 ổ), huyện Đất Đỏ (10 ổ). Riêng huyện Côn Đảo chưa ghi nhận ổ dịch nào.
Hiện nay, nhiều người dân nhầm lẫn giữa các biểu hiện sốt xuất huyết và mắc COVID-19 dẫn đến bệnh chuyển biến nặng, đe đọa đến tính mạng.
Bác sĩ Lê Thị Thu Trang, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Vũng Tàu cho biết, Khoa đã tiếp nhận một số bệnh nhi bị sốt xuất huyết, trong đó có trường hợp do không được điều trị sớm nên bệnh đã chuyển nặng. Sốt xuất huyết nặng có thể gây ra các biến chứng như: suy tim, thận, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, hôn mê… rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Trang, các biểu hiện nghi mắc sốt xuất huyết như: sốt cao đột ngột, liên tục, dùng thuốc hạ sốt không bớt hoặc có bớt nhưng sau lại sốt tiếp; xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam…
Ngành Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo, đến nay, sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh diễn tiến nhanh nên nhiều trường hợp dễ chuyển biến nặng và có thể tử vong nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, người dân cần thực hiện diệt lăng quăng hàng tuần. Đây là biện pháp căn cơ, diệt tận gốc, ít tốn kém, dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, người dân cần đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt không cho muỗi đẻ trứng; thu dọn, lật úp các vật phế thải, vật dụng khác có thể chứa, đọng nước mưa như: gáo dừa, can nhựa hỏng, chum vại vỡ, vỏ xe cũ, hộp nhựa đựng đồ ăn…