Rà soát, khoanh vùng các ổ bệnh sốt xuất huyết, không để dịch bùng phát 

Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù số ca mắc bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giảm so với cùng kỳ năm 2021 và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng hiện bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương.

Đặc biệt, những ngày qua, thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa bất chợt đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi, lăng quăng, tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt xuất huyết. Trước tình hình này, ngành Y tế Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến cuối tháng 4, Bình Thuận ghi nhận 324 trường hợp mắc sốt xuất huyết (giảm 41,9% so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 17 trường hợp nặng. Các huyện có số ca mắc nhiều nhất là: Tánh Linh (86 ca), Bắc Bình (68 ca), Đức Linh (66 ca)...

Để kiểm soát bệnh hiệu quả, ngành Y tế sẽ huy động sự tham gia của các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất trên diện rộng; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện và nhân lực phục vụ khi có dịch bệnh bùng phát. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường rà soát, khoanh vùng các ổ bệnh hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng tại cộng đồng. 

Tại Bình Thuận, bệnh sốt xuất huyết lưu hành quanh năm và thường bùng phát mạnh vào mùa mưa. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh có diễn biến khá bất thường và xuất hiện vào những tháng nắng nóng. Do thời tiết nắng gắt nên người dân có thói quen tích trữ nước nhưng lại không có nắp đậy, chứa nước không đúng cách tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng, phát triển. Một bộ phận người dân đã có ý thức phòng bệnh, thay đổi những thói quen sinh hoạt hàng ngày nhưng lại chủ quan trong công tác phát hiện, điều trị khiến những ca bệnh nặng gia tăng.

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị. Các biện pháp phòng, chống chủ động từ mỗi người dân là yếu tố quan trọng, quyết định trong công tác phòng, chống bệnh. Vì vậy, Trung tâm kiểm soát bệnh tật cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền đến người dân về sự nguy hiểm của bệnh; hướng dẫn người dân cách dự trữ nước đúng cách để không phát sinh muỗi, lăng quăng, vệ sinh nhà cửa và không gian thoáng mát, thu gom, loại bỏ các vật liệu phế thải tránh ao tù, nước đọng quanh khu vực sinh sống…

Bên cạnh đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân nên đưa người bệnh đến các cơ sở khám chữa bệnh để được điều trị kịp thời, không tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà khi có các biểu hiện nghi ngờ như: sốt cao đột ngột, kèm theo đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện chảy máu ở các mức độ khác nhau (như: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết)…

Hồng Hiếu (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Tăng nhanh số ca chuyển nặng và tử vong vì sốt xuất huyết
TP Hồ Chí Minh: Tăng nhanh số ca chuyển nặng và tử vong vì sốt xuất huyết

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong khi cả năm 2021 TP Hồ Chí Minh chỉ có 99 ca nặng, 7 ca tử vong thì chỉ hơn 4 tháng đầu năm 2022 đã có 126 ca sốt xuất huyết nặng và 4 ca tử vong. Điều này cho thấy tình hình dịch sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh đáng báo động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN