Nguồn vốn chính sách tại Hậu Giang - Bài 1: Hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo

Sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang, các cấp chính quyền, sở ban ngành của tỉnh Hậu Giang đã quan tâm, lãnh đạo, phối hợp, giám sát, hướng dẫn sử dụng nguồn vốn vay đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Phóng viên TTXVN tại Hậu Giang có chùm 2 bài viết về hiệu quả của nguồn vốn chính sách trên địa bàn, góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Chú thích ảnh
Cán bộ phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thăm hỏi, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của gia đình nhà ông Lý Sót và bà Sơn Thị Bảy (ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn).

Bài 1: Hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo

Tại tỉnh Hậu Giang, nguồn vốn chính sách luôn được chú trọng, triển khai đến người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả; đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Các hoạt động giải ngân đã và đang được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện tập trung triển khai, phấn đấu đạt kết quả cao nhất, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nguồn vốn cho vay đúng mục đích, đối tượng.

Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá

Ngày trung tuần tháng 7, trời hửng nắng sau nhiều ngày mưa, ông Huỳnh Công Lành, thương binh hạng 1/4 ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang tranh thủ vận chuyển những khúc gỗ dưới thuyền lên xưởng cưa. Vợ ông bật cầu dao điện và cùng ông kéo cái máy cưa gỗ bắt đầu chạy xè xè. Hai vợ chồng ông đã làm công việc như vậy hơn 20 năm nay.

Ông Lành nhớ lại những tháng ngày gian khó, năm 1980, ông nhập ngũ tham gia giúp nước bạn Campuchia. Năm 1985, ông bị thương và được giám định là thương binh hạng 1/4. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phụ cấp có giới hạn, không đủ sinh hoạt nên ông đã lấy sổ lương thương binh đem thế chấp lấy vốn mua máy làm xưởng cưa.

Với số vốn đó, gia đình ông Lành chỉ đầu tư được một cái máy cưa đứng nên công thấp. Hai vợ chồng làm quần quật cũng chỉ đủ ăn; không có đồng dư để chuộc sổ lương thương binh.

Hiện nay, cái máy cưa đứng đang bị xếp qua một bên, nhường chỗ cho cái máy cưa ngang bề thế. Ông Lành chia sẻ, cơ ngơi của tôi hiện đã hơn 150 triệu đồng. Cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách, nhiều năm trước, ông đã chuộc được sổ lương thương binh rồi gom góp mua cái máy cưa ngang có công suất cao hơn giúp kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.

Đặc biệt gần đây, ông được vay thêm vốn từ gói hỗ trợ sau COVID-19 của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành A với lãi suất thấp. Nhờ đó, ông mới nhanh chóng hồi phục sản xuất để tiếp tục hoạt động xưởng cưa hiệu quả. Với căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ánh mắt ông Lành luôn ánh lên niềm hy vọng.

Vay vốn để con không phải bỏ học

Gia đình nhà ông Lý Sót và bà Sơn Thị Bảy ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A hiện đang sống trong căn nhà cấp bốn khang trang và các con được học hành đến nơi đến chốn nhờ số tiền từ nguồn vốn vay dành cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bà Sơn Thị Bảy nhớ lại: Khi con lớn học hết lớp 12, hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn nên dự định cho con nghỉ học đi làm công nhân. Nhưng cháu muốn học tiếp Đại học ngành Y. Lúc đó, được Hội Phụ nữ giới thiệu nguồn vốn vay sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội với mức vay lãi suất thấp, gia đình bà đã quyết định vay cho con tiếp tục đi học.

Chú thích ảnh
 Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình nhà ông Lý Sót và bà Sơn Thị Bảy (ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã nuôi 2 con học xong đại học, cao đẳng và xây được căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi. 

Sau đó, để cho con thứ hai học Cao đẳng, ông bà lại tiếp tục vay nguồn vốn chính sách cho con đi học. Bà Sơn Thị Bảy cho biết, để cho cả 2 con được tiếp tục đi học, gia đình bà đã vay hơn 60 triệu đồng. Trả dần nhiều năm qua, nay số nợ của gia đình chỉ còn mười mấy triệu đồng. Hai đứa con học xong, có công việc ổn định và đã tự trả tiền vay Ngân hàng chính sách, đồng thời còn phụ giúp thêm gia đình. Nhờ ngành chức năng, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ nguồn vốn chính sách giúp gia đình và vượt qua nghèo đói và thất học.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành A Nguyễn Văn Vũ cho biết: Ông đã chỉ đạo cấp dưới cứ lập danh sách khi có đối tượng nằm trong diện được vay vốn chính sách, không được trả lời là hết vốn mà không nhận hồ sơ các đối tượng. Nguồn vốn hết, Phòng giao dịch sẽ đề xuất, kiến nghị lên trên; đặc biệt không để các đối tượng trong diện được vay nguồn vốn chính sách phải đi vay vốn bên ngoài, vay “nóng”.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A nhấn mạnh, nguồn vốn vay giải quyết việc làm cần rất nhiều nhưng chỉ tiêu Ngân hàng Chính sách chi nhánh tỉnh giao về huyện chưa đáp ứng được nhu cầu người dân.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Hậu Giang, doanh số cho vay trong quý II/2022 là hơn 450 tỷ đồng, lũy kế đến 30/6/2022 đạt hơn 700 tỷ đồng (tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021); 24.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được vay vốn. Quý II/2022, tại Hậu Giang, vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho gần 6,6 ngàn lượt lao động, giúp trên 1,4 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 14.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất kinh doanh cho trên 650 hộ tại vùng khó khăn, hỗ trợ vốn cho 50 đối tượng có thu nhập thấp mua nhà, xây mới, cải tạo nhà để ở./. (Còn nữa)

Bài cuối: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Bài và ảnh: Phạm Duy Khương (TTXVN)
Mạch nguồn tín dụng thoát nghèo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải
Mạch nguồn tín dụng thoát nghèo ở huyện vùng cao Mù Cang Chải

Sau 20 năm thực hiện, Nghị định 78/2002/NĐ-CP thực sự trở thành chiếc "phao cứu sinh" giúp những hộ nghèo, đối tượng chính sách tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN